Thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu nói bị phân biệt đối xử
Một trong những băn khoăn lớn nhất mà các thương nhân nêu ra là bị phân biệt đối xử.
Dự kiến ngày mai 2-10, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo về Nghị định kinh doanh xăng dầu.
Mới đây, ông Hoàng Trung Dũng, đại diện cộng đồng doanh nghiệp là thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu, đã có văn bản góp ý gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng các Bộ có liên quan và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự thảo lần 4 Nghị định kinh doanh xăng dầu.
Theo Luật Cạnh tranh 2024, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và/hoặc 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85% thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Ngoài ra, theo Điều 25 Luật Cạnh tranh, "Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan".
Trên thực tế, nhóm thương nhân cho biết từ nhiều năm qua, trên thị trường có một doanh nghiệp siêu lớn chiếm tới 51% thị phần, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng.
Tính ra, có 6 doanh nghiệp lớn cùng là thương nhân đầu mối đang chiếm 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.
"Như vậy, rõ ràng đang không có thị trường xăng dầu đúng nghĩa với cơ chế cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng" - nhóm thương nhân kiến nghị.
Ngoài ra, hiện nay, khi thị trường kinh doanh xăng dầu có nhiều biến động, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh phân phối, bán lẻ xăng dầu gặp khó khăn, trong khi các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp siêu lớn vẫn kinh doanh có lãi lớn nhờ vị thế thống lĩnh thị trường.
Cùng với đó, nhóm thương nhân đánh giá cơ chế hiện nay và theo Dự thảo Nghị định, Nhà nước can thiệp hành chính vào giá xăng dầu, điều này sẽ mang lại lợi thế về quyền và lợi ích trong định giá cho các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối, nhất là doanh nghiệp lớn thống lĩnh thị trường, dẫn đến sự phụ thuộc của các doanh nghiệp nhỏ hơn và thương nhân phân phối vào các doanh nghiệp này.
Vì thế, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát, kiến nghị Nghị định kinh doanh xăng dầu cần được sửa đổi theo hướng tập trung vào việc cho phép doanh nghiệp bán lẻ phải được ký nhiều nguồn, không giới hạn về số lượng đầu mối/phân phối và chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng mà mình kinh doanh.
Cùng với đó, trường hợp Nhà nước quy định giá bán lẻ, đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của 3 khâu là 3.000 đồng/lít - 5.000 đồng/lít và Nhà nước ban hành tỉ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng và minh bạch.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng cho rằng doanh nghiệp đầu mối không được bán hàng trực tiếp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu cùng hệ thống mà phải thông qua hệ thống thương nhân phân phối mức dưới trực thuộc.
Nhằm bảo đảm tính minh bạch và cạnh tranh của thị trường xăng dầu, nhóm thương nhân đề xuất Chính phủ về việc cho phép lập sàn mua bán xăng dầu.
-
Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão vào Biển Đông
-
Bộ Công Thương: Cung ứng điện năm 2025 vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức
-
Chính thức trình Thủ tướng lịch nghỉ Tết 2025
-
Gian lận trên môi trường thương mại điện tử “Muôn hình vạn trạng”
-
Điều gì sẽ xảy ra nếu bổ sung vitamin quá liều?
-
Giá xăng giảm nhẹ trong chiều nay