Thương hiệu bị đánh tráo
Hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt không mới, nhưng đáng lo là gần đây tình trạng này nhiều hơn, lan ra nhiều loại hàng hóa hơn. Đó chính là nạn gian lận thương mại, lừa đảo thương mại, tác động rất xấu đến sản xuất kinh doanh trong nước.
Thực chất đây là hành vi đánh tráo thương hiệu, hay nói như thiên hạ thì đó là “ăn cắp tên tuổi”. Hành vi rất xấu này rất cần phải bị nghiêm trị. Nhưng tiếc thay, tới nay việc hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt vẫn tiếp diễn.
Đã có thời người tiêu dùng Hà Nội lấy làm ngạc nhiên khi những trái cam vàng ruộm giá cực rẻ được người bán khẳng định có nguồn gốc từ Hà Giang. Còn tại Đà Lạt, không ít nông sản cũng có cái mác Đà Lạt nhưng hóa ra cũng không phải nốt, mà nó đến tận đẩu tận đâu. Nhiều nhất trong số đó là những củ khoai tây. Sự nhập nhằng này đã làm cho khoai tây Đà Lạt mang tiếng và rớt giá trong một thời gian dài. Còn nhớ, một công ty được phía đối tác Nhật Bản thuê khảo sát về nông nghiệp Đà Lạt suốt 2 năm ròng làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Nhật và địa phương này, cũng nhận định rằng nông sản nước thứ ba, mà chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc đã ồ ạt vào Việt Nam, đặt nông sản nội địa vào thế phải cạnh tranh gay gắt và thua thiệt. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 90% số người được phỏng vấn cho rằng xuất xứ nông sản là tiêu chí quan trọng khi mua rau, củ, quả. Nhưng đáng tiếc là họ cũng thừa nhận không thể phân biệt được xuất xứ, nguồn gốc của các loại nông sản.
Điều đáng nói là, không chỉ những loại hàng hóa “ăn liền” mà ngay cả hàng đắt tiền như lụa tơ tằm, cũng từ nước ngoài tuồn vào rồi gắn mác Việt Nam.
Vì sao lại có hiện tượng này? Đương nhiên là có nhiều lý do nhưng trước hết là do những loại hàng hóa đó sản xuất tại nước ngoài chất lượng thấp, nên đã ma mãnh “đóng giả” hàng hóa cùng chủng loại sản xuất tại Việt Nam chất lượng cao, để thu được lợi nhuận nhiều hơn. Đáng chú ý, những loại hàng hóa nông sản, thực phẩm giả danh đó lại thường được ngâm tẩm, bảo vệ bằng hóa chất để có thể giữ được vẻ bên ngoài tươi mát, nhưng lại chứa nhiều dư lượng hóa chất độc hại, kể cả bên trong sản phẩm đã bị phân hủy, nguy cơ ăn mòn sức khỏe người tiêu dùng.
Ở đây, có sự tiếp tay của không ít doanh nghiệp, các chủ vựa nông sản, tiểu thương đã nhập nhằng thương hiệu nhằm thu lợi bất chính. Điều đó không thể nói khác rằng chỉ vì tiền mà họ đã làm hại chính đồng bào mình, chính họ đã góp phần phá hoại nền sản xuất của chính đất nước mình.
Tiếp tục đi tìm nguyên nhân vì sao một số hàng hóa sản xuất trong nước dễ dàng bị hàng hóa kém chất lượng, giá rẻ đến từ bên ngoài đội lốt, giới chuyên gia thị trường cho rằng đó là do chuỗi sản xuất, phân phối của ta khá lỏng lẻo, biện pháp phòng vệ thương mại còn rất kém. Mã số, mã vạch, QR Code… chưa phổ biến và việc tuân thủ cũng yếu kém nên rất khó kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa, nhất là đối với nông sản khi được bày bán chủ yếu tại các chợ dân sinh, hay là ở những gánh hàng rong, xe đấy. Đã thế, nhiều thương hiệu nông sản lại đang tự hại nhau tạo ra lỗ hổng thị trường để hàng hóa bên ngoài chen chân vào.
Một phân tích khác cho rằng, có chuyện nhập nhằng thương hiệu còn do chúng ta chưa có quy định rõ ràng như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm của Việt Nam (trừ hàng xuất khẩu). Do vậy, trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm của Việt Nam hay không. Đặc biệt, tại những khu chợ dân sinh thì thật khó truy xuất nguồn gốc. Kể cả việc nghi ngờ đó là hàng kém chất lượng nhập ngoại nhưng cũng không có căn cứ để khẳng định sản phẩm đó không phải là hàng của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2019 của Chính phủ mới đây (ngày 1/3), Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận còn tình trạng hàng Việt bị đội lốt xuất xứ, qua đó hưởng ưu đãi thuế ở các hiệp định thương mại tự do. Ông Hải cũng cho biết, không những có tình trạng tiêu thụ tại thị trường trong nước mà một số mặt hàng còn đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3. Theo ông Hải, nếu cộng đồng doanh nghiệp không cẩn thận thì chỉ vài doanh nghiệp được hưởng lợi (ưu đãi thuế xuất khẩu) nhưng nhiều ngành nghề khác và nhiều doanh nghiệp khác sẽ bị ảnh hưởng.
Khác với trước kia, khi mà nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đội lốt hàng nước ngoài để bán tại Việt Nam, thì nay thị trường lại rơi vào tình thế ngược lại. Mừng là hàng hóa của Việt Nam ngày càng đạt chất lượng cao hơn, nhưng đó cũng chỉ là “niềm vui bé nhỏ” trước các nguy cơ khác còn lớn hơn rất nhiều khi hàng Việt bị đội lốt. Ở đây, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng rất lớn, từ hải quan cửa khẩu cho đến quản lý thị trường trong nước. Khó nhưng không phải không làm được nếu thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát và đặc biệt là khâu xử phạt. Thật lo khi thực tế hàng kém chất lượng từ bên ngoài tràn vào thị trường trong nước đội lốt hàng Việt, nhưng lại lo hơn khi chưa thấy có các vụ đánh tráo thương hiệu bị phạt nặng, kể cả đem ra xét xử công khai.
Mà nếu mãi vẫn như thế, có nghĩa là chỉ dừng lại ở mức “lo lắng” và “lên án” thì tình hình vẫn không thể thay đổi. Doanh nghiệp làm ăn chân chính, người lao động chân chính, người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi. Và lớn hơn nữa là sản xuất trong nước có nguy cơ “mắc kẹt” ngay trên sân nhà bởi cái thế “nội công ngoại kích” rất đáng buồn kia.
Miên Thảo
- Sau Tết nguyên đán, nghìn tỷ vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ ETF
- Hội nghị xúc tiến thị trường Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thu hút hơn 60 hãng bay và công ty lữ hành
- Tivi Asanzo: Chiếm lĩnh thị trường nội, vươn ra thế giới
- Bị phát hiện chứa chất cấm, Golean Detox vẫn 'đại náo' thị trường
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm