Thời trang Việt sau khi Zara, H&M đổ bộ?

Thứ bảy, 25/11/2017, 14:40 PM

Giải pháp nào cho ngành bán lẻ thời trang Việt Nam trước cuộc đổ bộ của các thương hiệu thời trang quốc tế vào thị trường Việt Nam là một trong số các câu hỏi đầy ái ngại trong thời gian gần đây.

Zara

Thương hiệu thời trang Zara của tập đoàn Inditex có trụ sở tại Tây Ban Nha đã chính thức vào “chung mâm” bán lẻ các sản phẩm thời trang dành cho giới trẻ tại Việt Nam. Zara có chuỗi cửa hàng toàn cầu rất lớn nên có lợi thế nhờ quy mô, sản lượng sản xuất và bán hàng trên mỗi mẫu sản phẩm là lớn nên giá thành sản xuất rẻ.

Đối đầu với kẻ mạnh

Bất kỳ thị trường nào Zara đặt chân đến, các cửa hàng của hãng này đều được đầu tư rất đẹp, hoành tráng, cao cấp như các cửa hàng bán các sản phẩm hàng hiệu xa xỉ nhưng giá bán sản phẩm thời trang của Zara lại rẻ hơn rất nhiều lần so với hàng hiệu xa xỉ. Cho nên có một giai thoại rằng các thương hiệu cao cấp cực kỳ ghét và sợ hãi khi cửa hàng Zara đứng ngay cạnh mình. Và ngược lại, Zara thì cực kỳ thích đứng cạnh những thương hiệu có giá vài ngàn đến vài chục ngàn đô cho mỗi sản phẩm thời trang.

Zara là một thương hiệu toàn cầu, thương hiệu rất mạnh, khả năng tài chính lớn do thương hiệu kinh doanh thành công nhiều năm tại nhiều quốc gia. Thương hiệu vẫn tiếp tục mở rộng ra các thị trường mới nổi. Zara cũng có một lượng fan rất lớn tại thị trường Việt Nam nhờ thương mại điện tử, mua hàng theo hình thức xách tay.

Mẫu mã sản phẩm của Zara luôn mang tính xu hướng, thời trang, tốc độ ra mẫu nhanh, đây là lợi thế rất mạnh của Zara mà khó lòng có thể có một doanh nghiệp Việt nào có thể theo kịp.

Không chỉ Zara, H&M cũng đã đến Việt Nam. Với những thế mạnh như quy mô toàn cầu, tính phản ứng nhanh, có trong tay hàng trăm nhà thiết kế, khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong vòng 2 tuần kể từ khi nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách hàng, tiềm lực tài chính mạnh, các đối tác về nguyên liệu, sản xuất rất mạnh… liệu các thương hiệu thời trang ngoại dễ dàng đè bẹp các nhãn hàng thời trang Việt? Và đứng trước các đối thủ mạnh như vậy thì doanh nghiệp Việt sẽ phải đối phó như thế nào?

Đấu tranh hay tránh đâu?

Câu trả lời có thể tham khảo là: Tìm các lợi thế của doanh nghiệp, khai thác các bất lợi của đối thủ.

Theo ông Nguyễn Phan Anh, Chuyên gia Marketing Online, các sản phẩm của Zara và các thương hiệu khác tương tự (ví dụ như H&M) được sản xuất, gia công tại Việt Nam và Trung Quốc là chủ đạo. Nên các chủ thương hiệu Việt Nam có thể có lợi thế về sản xuất ngay trong tay mình. Sản xuất tại chỗ với chi phí sản xuất hợp lý.

Giá bán lẻ các sản phẩm thương hiệu Zara, H&M… được coi là phân khúc bình dân tại thị trường các quốc gia có thu nhập cao ví như châu Âu, Mỹ, Nhật, Singapore… Nhưng tại Việt Nam, với mức giá bán lẻ hiện tại thì giá đó không hề bình dân mà là thuộc phân khúc cao, trên mức bình dân. Đây không phải là lợi thế tuyệt đối của họ. Các thương hiệu và doanh nghiệp Việt có thể khai thác yếu tố này bằng cách đầu tư vào các cửa hàng cho đẹp, mẫu mã sản phẩm phong phú và đa dạng và phải rất thời trang (doanh nghiệp nên đầu tư vào thiết kế mẫu mã, nguồn nguyên liệu sản phẩm, nghiên cứu xu hướng thời trang…) và bán với giá rẻ hơn.

Với chi phí thuê mặt bằng cao (vì Zara, H&M và các nhãn hiệu khác thuê tại các trung tâm thương mại lớn, diện tích lớn, địa điểm đắc địa) khiến cho giá thành bán lẻ sản phẩm có thể bị đội lên nhiều lần. Và để có lợi nhuận, chi phí sản xuất có thể suy đoán là khá thấp. Vì thế, có thể chất lượng sản phẩm xét theo tiêu chí nguồn nguyên liệu, chất liệu sẽ không thực sự cao cấp.

Ngoài ra, theo ông Phan Anh, Zara, H&M và các thương hiệu tương tự sẽ có chiến lược phân phối là tập trung vào khu vực thành phố lớn, hướng tới đối tượng là người tiêu dùng trẻ tuổi và trung niên sẵn sàng chi tiền cho các xu hướng mới, bộ sưu tập mới nhằm thể hiện gu sành điệu và khẳng định đẳng cấp, lối sống nên các doanh nghiệp Việt cần tìm chiến lược “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để phát triển thương hiệu và chuỗi bán lẻ của mình. Ví dụ như thời trang công sở giá bình dân đúng nghĩa, thời trang trẻ em, đồ lót trẻ em có chất lượng, và hướng tới các thị trường nông thôn - dù quy mô nhỏ và sức mua yếu, nhưng doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu vững chắc.

Những nguyên tắc thành công của các thương hiệu Zara, H&M các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu thật kỹ và áp dụng theo chiến lược “kẻ đi sau” để học hỏi và áp dụng nhanh hơn. Lựa chọn các thị trường ngách, sản phẩm ngách hoặc ăn theo để có thể có cơ hội thành công tốt hơn ngay từ bây giờ và trong tương lai.

Nên nhớ, cuộc chiến còn chưa bắt đầu!

Theo Tú Thị - NTD