Thanh Hóa lập chốt để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Thứ ba, 26/02/2019, 14:08 PM

Tại huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã thành lập nhiều lớp kiểm soát để kiểm tra chặt chẽ 24/24h đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch

Dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lay lan ra nhiều tỉnh ở phía Bắc. Gần nhất, ngày 23/2/2019, tại Thanh Hóa đã phát hiện lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại hộ ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, với 48 con lợn mắc bệnh. Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy toàn bộ 226 con lợn của gia đình ông Lê Văn Thanh đang chăn nuôi.

Ngày 23/2/2019, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa lấy 3 mẫu phủ tạng và 2 mẫu máu từ đàn lợn của hộ ông Thanh và 12 mẫu máu từ đàn lợn của 2 hộ xung quanh hộ ông Thanh.

Ngày 24/2/2019, Chi cục Thú y vùng III  kết luận: 5 bệnh phẩm (3 mẫu phủ tạng và 2 mẫu máu) lấy tại hộ ông Thanh dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Không phát hiện thấy vi rút ASF trên 12 mẫu máu lấy tại 2 hộ xung quanh.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị sát tình hình chống dịch tả lợn châu Phi lây lan tại Thanh Hóa. Ảnh: K.L

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị sát tình hình chống dịch tả lợn châu Phi lây lan tại Thanh Hóa. Ảnh: K.L

Trước tình hình này, ngày 25/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Chi cục Thú y đã thiết lập đường dây nóng, phổ biến rộng rãi trong nhân dân số điện thoại đường dây nóng trực phòng, chống dịch của Chi cục Thú y: 02373.260.009 để nhân dân biết, báo cáo dịch bệnh.

Phân công cán bộ trực dịch bệnh tại văn phòng Chi cục 24/24 giờ; yêu cầu Trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố phân công cán bộ trực tại Trạm 24/24 giờ, đồng thời bám sát địa bàn để phát hiện dịch bệnh kịp thời.

Các biện pháp cấp bách đã được triển khai thực hiện để dập tắt ổ dịch. Chi cục Thú y vùng III đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở NN & PTNT, Chi cục Thú y Thanh Hóa chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch.

Cụ thể, UBND huyện Yên Định đã ban hành Quyết định công bố dịch Dịch tả lợn Châu phi. Tiêu hủy toàn bộ số lợn tại hộ ông ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, hoàn thành công tác tiêu hủy vào 15 giờ ngày 24/2/2019.

Phân công 1 Phó giám đốc Sở, 1 Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cùng 10 cán bộ chuyên môn của Chi cục Thú y trực tiếp tại địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc cùng UBND huyện Yên Định chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội trên địa bàn tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh.

Đồng thời, cấp cho huyện Yên Định 800 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc, 200 bộ bảo hộ phòng chống dịch, 10 bình động cơ phun tiêu độc khử trùng.

Huyện Yên Định đã tổ chức huy động tại chỗ 100 bộ quần áo bảo hộ; 2 tấn vôi; 200 lít hóa chất; 5 bình động cơ và 32 bình bơm điện, bơm tay để phun tiêu độc khử trùng.

Khử trùng tiêu độc tại huyện Yên Định (Thanh Hóa). Ảnh: K.L

Khử trùng tiêu độc tại huyện Yên Định (Thanh Hóa). Ảnh: K.L

Để chống dịch, tại huyện Yên Định đã thành lập 5 chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, 8 chốt kiểm soát quanh vùng đệm, 2 đội kiểm tra lưu động liên ngành gồm công an, thú y, quản lý thị trường để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

Huyện Yên Định cũng đã tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục trên các phương tiện thông tin để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.  

 Kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn, giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn.

Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn, xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn.

Huyện cũng sẽ tiếp tục tổ chức, phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn, nhằm bao vây dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp, không để dịch lây lan.

H.V

Theo baotintuc.vn