Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong: Xử lý nghiêm hành vi lừa đảo
Các chế tài pháp luật đã rõ ràng, đủ sức răn đe, nếu phát hiện các hành vi vi phạm, cần kịp thời xử lý nghiêm để răn đe, phòng chống tội phạm
Đại biểu Quốc hội TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM:
Tổng rà soát việc mua bán Kumanthong
Từ những thông tin Báo Người Lao Động nêu trong loạt bài điều tra "Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong", các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nghiên cứu xem những hành vi nêu trong loạt bài thuộc trường hợp vi phạm nào để xử lý.
Mê tín dị đoan luôn biến tướng muôn hình vạn trạng. Hiện tượng buôn bán Kumanthong, khoác lên mình búp bê những câu chuyện huyền bí, lợi dụng mê tín dị đoan hoặc lợi dụng lúc người ta đang gặp khó khăn, bấp bênh về tinh thần rồi trục lợi là rất nguy hiểm. Hơn nữa loại hình kinh doanh này đang diễn ra khá phức tạp và thực tế cũng đã để lại những hậu quả nhất định. Cơ quan pháp luật cần nghiên cứu để có những quy định kiểm soát, xử lý kịp thời hành vi vi phạm.
Báo Người Lao Động thâm nhập điều tra, nêu ra thực trạng để cảnh báo mạnh mẽ cho người dân cũng như để cơ quan quản lý vào cuộc là rất đáng hoan nghênh. Phần còn lại là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Những người kinh doanh búp bê Kumanthong mà bài báo nêu, nếu có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan, dụ dỗ, lừa đảo người nhẹ dạ cả tin khiến nạn nhân thiệt hại về tài sản, tinh thần, sức khỏe, gây bất ổn xã hội..., là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay để tránh trường hợp họ tẩu tán tang vật, gây khó khăn cho việc xác minh, xử lý.
Nhân đây, Bộ Công an, ngành quản lý văn hóa cũng nên tổng rà soát trên cả nước việc buôn bán Kumanthong có dấu hiệu mê tín dị đoan, lừa đảo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để phát triển thành phong trào nuôi Kumanthong vô bổ, nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân và dẫn đến những nguy cơ xấu đối với xã hội.
Đại biểu Quốc hội PHẠM THỊ MINH HIỀN (Phú Yên):
Cần được ngăn chặn sớm
Nhiều năm trước, trào lưu nuôi dưỡng Kumanthong với năng lực được thổi phồng lên đến mức siêu phàm đã tràn lan trên mạng xã hội. Hàng loạt hội, nhóm được lập ra để trao đổi, giao dịch, buôn bán búp bê này. Đáng ngại là không ít người, nhất là độ tuổi thanh thiếu niên, đặt niềm tin thái quá vào sức mạnh của búp bê ma, bỏ khoản tiền không nhỏ để mua về "chăm sóc", "nuôi dưỡng", mong cầu những điều may mắn cho bản thân.
Trước thực trạng này, các ngành công an, hải quan, quản lý thị trường, văn hóa… cần phối hợp ngăn chặn, xử lý một cách kịp thời, quyết liệt hơn nữa. Trong đó, đặc biệt tăng cường kiểm soát trên không gian mạng. Ngành giáo dục cũng cần thường xuyên cập nhật những hiện tượng mới phát sinh ngoài xã hội để sớm có biện pháp giáo dục học sinh có cái nhìn đúng đắn về tín ngưỡng, tránh xa mê tín dị đoan, phấn đấu bằng năng lực của bản thân để đạt được những điều tốt đẹp thay vì mong chờ ở bùa ngải. Nếu không giáo dục, thức tỉnh kịp thời, hệ lụy từ những trào lưu mê tín dị đoan sẽ rất lớn bởi sẽ hình thành một thế hệ có quan điểm, lối sống lệch lạc, ảnh hưởng đến phát triển chung của xã hội.
Những đường dây buôn bán trái phép búp bê ma, bùa chú… không phải mới xuất hiện. Những hoạt động offline của giới kinh doanh và người nuôi Kumanthong cũng được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội nhưng động thái xử lý từ phía cơ quan chức năng dường như còn mờ nhạt, thờ ơ, thiếu nỗ lực ngăn chặn, nghiêm trị những hình thức kinh doanh tâm linh, lừa đảo lòng tin. Hy vọng sau loạt bài của Báo Người Lao Động, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng sẽ mạnh mẽ hơn nữa, nhằm trả lại môi trường trong lành cho thế hệ trẻ phấn đấu, phát triển.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM:
Đừng mắc bẫy bởi những trò ma quái!
Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ liên quan sản phẩm tâm linh sẽ hiện ra hàng loạt cửa hàng online bán hàng giao tận nơi. Những sản phẩm như Kumanthong với những câu chuyện huyền bí được thêu dệt, những clip được dàn dựng kiểu "ma quái" dễ dàng làm người ta tin tưởng, bỏ ra số tiền lớn mua về. Tuy nhiên, đó chỉ là những trò lừa đảo, đánh vào tâm lý con người muốn được giàu sang nhưng lười lao động, muốn thành công nhưng không muốn tốn sức. Chưa kể, những trò mê tín dị đoan có thể khiến con người hiểu sai lệch về tôn giáo tín ngưỡng dẫn đến việc thực hành sai, hệ lụy là hậu quả nặng nề kể cả ảnh hưởng đến tính mạng. Từng có án mạng xảy ra từ những trò mê tín dị đoan và nhiều người phải trả giá bằng những năm tháng tù tội.
Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM):
Chế tài pháp luật rõ ràng, đủ sức răn đe
Kinh doanh búp bê Kumanthong bằng việc bơm thổi sự huyền bí không có thật, truyền bá mê tín dị đoan để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 2 điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Điểm b khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định: Phạt tiền lên đến 20 triệu đồng, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Ngoài ra, người có hành vi truyền bá, mua bán Kumanthong đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy tố về tội "Hành nghề mê tín, dị đoan", có mức án lên đến 10 năm tù. Nếu xác định búp bê Kumanthong được chế tạo từ bộ phận cơ thể người, có thể bị truy tố tội "Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người".
Các chế tài pháp luật đã rõ ràng, đủ sức răn đe, nếu phát hiện các hành vi vi phạm, cần kịp thời xử lý nghiêm để răn đe, phòng chống tội phạm.
Trước tình hình mua bán, truyền bá Kumanthong vào Việt Nam như hiện nay, cần nâng cao nhận thức của người dân thông qua việc tuyên truyền để họ hiểu rằng đây là hình thức mê tín dị đoan, phản khoa học, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội. Chỉ khi người dân nhận thức được rõ ràng bản chất của hình thức này thì mới có thể loại bỏ hoàn toàn việc trục lợi từ hình thức mua bán Kumanthong. Việc quản lý nhà nước đối với môi trường mạng internet, đặt biệt là những nền tảng mạng xã hội được đông đảo người dân sử dụng sẽ góp phần ngăn ngừa tội phạm. Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ những nội dung được phát tán, tuyên truyền trên mạng xã hội.
Nhóm Phóng viên
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội