Thái Hòa: "2 năm qua, tôi không có thu nhập, phải xài tiết kiệm"

Thứ bảy, 25/08/2018, 16:41 PM

Thái Hòa không bao giờ nghĩ mình là "ông vua phòng vé" bởi theo anh, dù nó là cách gọi yêu thương và mỹ miều đến đâu thì với những người ghét anh, nó chỉ là con dao dùng để đâm anh.

Thái Hòa từ nam diễn viên với ngoại hình hạn chế bỗng chốc vụt sáng trở thành ông vua phòng vé Việt với những bộ phim doanh thu triệu USD như Để mai tính, Tèo em, Quả tim máu.

Sau 2 năm vắng bóng bởi thất bại liên tiếp từ Fan cuồng và Vệ sĩ Sài Gòn, Thái Hòa chính thức tái xuất với Chàng vợ của em. Lần trở lại này, anh vẫn như xưa, vẫn là diễn viên bình dân, chân thật, cởi mở và đầy tâm huyết.

Tiền bạc chỉ là thứ yếu

- Điều gì khiến Thái Hòa sau 2 năm ẩn tích đã quyết định trở lại màn ảnh rộng với "Chàng vợ của em"?

Phim anh Charlie Nguyễn làm mà kêu là tôi không bao giờ từ chối. Đó là sự gắn kết đặc biệt giữa tôi và anh ấy. Chất lượng, sự đầu tư nghiêm túc, đẳng cấp của anh Charlie là điều không cần phải nghi ngờ. Thậm chí nếu thấy vai diễn hợp với tôi mà anh Charlie Nguyễn không kêu thì tôi cũng phải “ép” để anh ấy giao cho mình.

Thông thường, diễn viên khi chọn vai sẽ phải tính toán nhiều thứ từ đạo diễn, kịch bản, cát-xê. Nhưng với anh Charlie Nguyễn thì khi anh đã đặt niềm tin vào tôi thì bất cứ vai nào tôi cũng đều nhận lời mặc dù có thể kịch bạn đó tôi không thích. Bởi lòng tin tôi đặt vào anh Charlie lớn lắm.

- Bộ phim vừa công chiếu đã được khen là phim mà Charlie Nguyễn làm tốt nhất trong vài năm gần đây, cũng như sự cứu vãn cho danh xưng "ông vua phòng vé" của anh sau bom xịt "Fan cuồng" và "Tèo em"?

Kịch bản phim này rất hay, có thể xem là tốt nhất trong những kịch bản anh Charlie Nguyễn đang có thế nên hai anh em quyết định làm liền. Không có bất kỳ lý do gì tôi phải từ chối vai diễn này.  

Ở phim Chàng vợ của em, tôi không phải vai chính. Thật ra tôi cũng không thích đóng vai chính, ở tuyến phụ thì mình thoải mái sáng tạo nhiều hơn. Nhân vật của tôi trong phim này khá hay, có nhiều đất diễn, nhiều cung bậc cảm xúc, có hài, có bi có tình yêu, tình anh em đan xen một cách hài hòa.'

Empty

- Nhiều người cũng cho rằng bộ đôi Charlie - Thái Hòa đã hết thời, quá cũ và quá nhàm, không còn là hai cái tên bảo chứng phòng vé nữa. Sao anh không thử tìm kiếm một vị đạo diễn mới để hợp tác, biết đâu có thể thay đổi và làm mới chính mình?

Tôi vẫn hợp tác được những đạo diễn khác như đạo diễn Dustin Nguyễn (Lửa Phật), Lưu Huỳnh (Lấy chồng người ta). Tôi nghĩ là không cần phải làm việc với đạo diễn khác thì mới có thể làm mới mình được.

Ngay cả khi cộng tác với người mới mà mình không đủ sức để thay đổi thì mình vẫn “cũ” như vậy thôi. Quan trọng cũ hay mới là do mình thôi. Chính người đạo diễn họ cũng phải nỗ lực thay đổi và phát triển qua từng dự án mà.

- Anh chưa chịu hợp tác với những đạo diễn mới là do anh không mở lòng với họ hay họ không đáp ứng đủ những tiêu chí hợp tác anh đề ra?

Tiêu chí của tôi vừa khó vừa dễ. Tôi khó về vai diễn nhưng rất dễ về tiền bạc. Cát-xê là cái tôi đặt sau cùng trong các tiêu chí nhận vai. Chỉ cần có kịch bản thú vị, vai diễn hay, ê-kíp giỏi là yếu tố tiền bạc sẽ dễ dàng thỏa thuận. Kịch bản, vai diễn sẽ là yếu tố quyết định chọn lựa của tôi chứ không phải là đạo diễn già hay trẻ, tiền nhiều hay tiền ít.

Như thời trước lúc tôi đang được “giá”, cát-xê cũng lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng khi anh Lưu Huỳnh mời đóng Lấy chồng người ta, cát-xê tụt xuống thấp hơn 10 lần, tôi vẫn nhận lời. Trong giới có những tên tuổi tôi luôn đặt nhiều niềm tin như anh Lưu Huỳnh, Victor Vũ, Đức Thịnh, Hàm Trần.

Trong 2 năm qua cũng có nhiều lời mời đóng phim nhưng vì nhiều lý do khiến tôi không nhận lời. Tôi cũng không đến nỗi khó tính mà chỉ hay xét nét, suy tính trước sau. Tôi không dám mạo hiểm nhiều khi nhận vai diễn mà bản thân không yên tâm về đạo diễn, ê kíp hay kịch bản. Trong thời gian tới, tôi nghĩ mình phải thay đổi suy nghĩ này và đánh liều hơn.

2 năm qua không xem phim Việt

- Trong 2 năm "ở ẩn", anh có đặc biệt chú ý đến dự án phim Việt nào không?

Trong 2 năm qua, tôi hầu như không xem phim Việt và cũng không chú ý đặc biệt đến phim nào cả. Xem phim Việt, tôi chú trọng vào ê kíp và chỉ theo dõi vài dự án của các ê kíp quen thuộc.

Có thể có những phim chưa hay nhưng sự đầu tư của họ không bao giờ làm mình thất vọng. Đối với tôi thì cái đó dễ chịu hơn. Xem trúng những bộ phim làm vì tiền, cẩu thả, hời hợt tôi rất khó chịu và bực mình.

- Nói thẳng như vậy, anh không sợ động chạm đồng nghiệp sao?

Không sợ, chuyện này bình thường mà. Thật ra những dự án tốt tôi vẫn muốn theo dõi như trường hợp Em chưa 18. Chứ những dự án mà mình đã biết về quan niệm làm phim, sự đầu tư về chất lượng, thời gian của họ có vấn đề thì mình cần phải đi xem làm gì nữa.

Mình làm trong nghề nên nắm được nhiều thông tin bên lề hơn khán giả bên ngoài nên cũng tránh được trường hợp vô rạp xem mà mệt mỏi, tức tối và cảm thấy bị phản bội.

- Nhiều bộ phim Việt hiện nay chất lượng không cao, nội dung làng nhàng, diễn xuất bình thường nhưng vẫn được doanh thu cao, góc nhìn của anh về những dự án đó như thế nào?

Góc nhìn của tôi là tôi nhìn ngược về chính tôi. Vì tôi cũng có nhiều phim mà người ta nói nhảm nhưng vẫn có doanh thu cao. Có thể những bộ phim đó nội dung chưa sâu sắc nhưng lại đánh trúng thị hiếu của khán giả. Nhiều người cũng chỉ cần giải trí đơn thuần thôi và khi phim đã tiếp cận được đối tượng đó thì thành công là điều dễ hiểu.

Đối với tôi, chuyện doanh thu cao không thể nói lên được là bộ phim đó hay. Bởi vì tôi quan niệm phim hay ở góc độ khác. Ranh giới và sự khác biệt giữa phim nghệ thuật và phim thương mại là câu chuyện muôn thuở của điện ảnh thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tất nhiên, tôi vẫn mong sẽ có nhiều phim vừa tốt vừa tiếp cận được số đông khán giả.

Chính những bộ phim tốt mới có thể cứu được nền điện ảnh Việt vì khi khán giả đã xem được nhiều phim hay thì hà cớ gì họ phải bỏ tiền ủng hộ những phim dở? Và khi những phim cẩu thả, hời hợt không thể sống thì buộc các đạo diễn, nhà sản xuất phải nghiêm túc, đầu tư hơn trong việc làm phim.

Bây giờ không còn là thời đại “giải cứu hay ủng hộ phim Việt”, khán giả đâu còn có suy nghĩ “Ừ, phim Việt vậy là được rồi”. Thậm chí, tôi thấy nhiều người xem phim nước ngoài còn bao dung hơn cả với phim Việt. Chính sự đòi hỏi cao hơn ở khán giả khiến chúng tôi làm phim càng ngày càng cảm thấy khó khăn, áp lực. Muốn tồn tại thì phải ráng làm phim cho tốt.

 

 "Tôi không đóng hài thì cũng chẳng ai quan tâm"

- Là diễn viên được đào tạo bài bản, năng lực diễn xuất tâm lý của anh đều được mọi người ghi nhận. Nhưng vì sao anh không đa dạng hóa bản thân mà lại chỉ chuyên đóng những vai hài hước?

Chắc vì tôi làm mấy loại vai khác người ta không xem mà cũng không chú ý. Như với Lửa Phật, Lấy chồng người ta hay vài phim truyền hình nổi bật như Cha rơi, Mắt lụa, Tình cù lần, tôi đâu có đóng hài đâu mà người ta có xem hay quan tâm đâu. Nên giờ ai hỏi tôi sao không thay đổi thì cũng không biết trả lời như thế nào.

Nhưng có lẽ ở mọi người thích nhìn thấy tôi trên màn ảnh ở những vai hài. Một phần nữa là các bộ phim tâm lý, không hài thì lại ít tạo được hiệu ứng rộng rãi nên nhiều khán giả không biết tới một “Thái Hòa không hài”.

- Nói như vậy có nghĩa anh không dám làm mới bản thân khi phải cố chạy theo thị hiếu và đòi hỏi của khán giả khi họ chỉ muốn thấy “Thái Hòa diễn hài”?

Dĩ nhiên là diễn viên thì tôi thích hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau, diễn được nhiều thể loại từ hài đến bi, chính diện đến phản diện. Còn về chuyện làm mới, tôi không nghĩ thay đổi thể loại là làm mới bản thân.

Làm mới hay không là khi mình nắm bắt được nhân vật và xây dựng nó thành công là nó đã mới rồi. Với tôi, chuyện tôi đóng hài, làm phim hài cũng không phải chạy theo thị hiếu mà là bản thân tôi thích và làm tốt nhất ở thể loại đó.

- Có khi nào diễn hài hoài, anh bị nhàm chán và đi vào lối mòn không?

Không. Thật ra những vai diễn mà tôi không đóng hài thì mới thấy rất chán. Chán vì mình làm không được tốt như người ta. Khi mình đóng hài, tiếng cười mà mình đem lại cho họ làm cho mình thấy sướng. Còn tôi nghĩ việc nhân vật lặp đi lặp lại mới dễ nhàm chán. Ví dụ như vai Hội trong Để Hội tính, đó là vai tôi hoàn toàn không hài lòng về mình.

Thế nên có đi vào lối mòn hay không nằm ở việc bản thân có chịu tìm tòi vào vai diễn hay không. Vì mỗi nhân vật đều có đời sống, suy nghĩ tâm tư tình cảm khác nhau. Lối mòn chỉ là khi mình đi đến sự giới hạn của bản thân. Chắc chắn, cũng sẽ tới lúc tôi đi đến giai đoạn đó nhưng chắc giờ chưa phải đâu.

Tôi nghĩ sự cũ kỹ đầu tiên đến từ cảm xúc của mình với nghề. Khi mình làm nghề thời gian dài thì nhiều khi sẽ bị chai lì với diễn xuất. Nhưng khi mà mình trả mình lại sự tươi mới ban đầu thì đó là cách để bản thân “sống” trở lại.

Hiện tại, tôi vướng phải tình cảnh tương tự khi phải cố trả mình lại với trạng thái tươi trẻ bản đầu mà chưa được. Tôi đang đau đầu tìm hướng đi vào vai diễn mới trong Hồn Papa da con gái mà chưa được, thậm chí mất ăn mất ngủ.

Nói đến đây, Thái Hòa dừng lại dụi mắt chốc lát. Anh bảo đang ngồi đây nói chuyện nhưng mắt anh đang cay xè chỉ chực chờ xụp xuống vì thiếu ngủ. Anh bảo nhiều ngày này, anh mất ăn mất ngủ vì lâm vào tình trạng căng thẳng cực độ trước khi bắt đầu vai diễn mới.

Nói đến đây, Thái Hòa dừng lại dụi mắt chốc lát. Anh bảo đang ngồi đây nói chuyện nhưng mắt anh đang cay xè chỉ chực chờ xụp xuống vì thiếu ngủ. Anh bảo nhiều ngày này, anh mất ăn mất ngủ vì lâm vào tình trạng căng thẳng cực độ trước khi bắt đầu vai diễn mới."Danh xưng 'ông vua phòng vé' là con dao để đâm tôi"

- Cảm xúc của anh như thế nào khi từ vị trí “ông vua phòng vé” lại liên tục có phim là bom xịt phòng vé?

Cũng không hẳn đợi tới Fan cuồng hay Vệ sĩ Sài Gòn tôi mới nhận lấy thất bại doanh thu mà ngay cả cái thời mọi người tôn sùng gọi tôi là “ông hoàng phòng vé” thì phim tôi đóng cũng thua lỗ “thấy mồ” như Lửa Phật, Lấy chồng người ta.

Tôi nghĩ đó là vòng lặp bình thường ở diễn viên. Bởi đâu phải lúc nào phim mình làm ra cũng đánh trúng tâm lý số đông, được mọi người đón nhận. Cảm giác “lên xuống” này đi với tôi từ lúc mới vào nghề đến giờ.

 2 năm qua, tôi đi chơi với gia đình nhiều hơn, chủ yếu dùng tiền tiết kiệm. Thu nhập của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều nếu không muốn nói là không có kiếm thêm được bao nhiêu.Thái HòaĐiều quan trọng là mình đừng đánh mất bản thân mình qua những thất bại đó. Mình cũng không được phép cẩu thả, hời hợt dù phim có được đón nhận như thế nào đi chăng nữa. Đó là bài học từ thầy Công Ninh lúc tôi còn đi học và nó ảnh hưởng đến tôi rất nhiều đến tận bây giờ.

- Dù có thể đã quen với thất bại nhưng hẳn đó vẫn là cú sốc lớn khiến anh chùn bước, đánh mất đi sự tự tin của một diễn viên từng làm khuynh đảo phòng vé suốt nhiều năm?

 Gặp thất bại dĩ nhiên là mình không vui rồi. Nhưng nó lại cho mình sức mạnh và có ý nghĩa lớn hơn cả thành công. Sự tung hô đôi khi sẽ làm cho mình ngộ nhận, xao nhãng về bản thân. Còn thất bại cho mình nhiều trăn trở hơn, giúp mình nhìn thấy bản thân rõ ràng hơn.

Như khi bạn tập tạ, cơ bắp phải mỏi, phải đau thì mình mới đô được. Giờ chắc tôi cũng hơi “đô đô” rồi (cười lớn).

Thú thật trong cuộc sống của tôi thì số lần thất bại nhiều hơn hẳn thành công, chỉ có điều thành công thì nó văng lên báo còn thất bại thì cái nào lớn quá người ta mới chú ý. Ngày xưa khi mới bước chân vào trường sân khấu, tôi là cậu ấm trong một gia đình khá giả, muốn bao nhiêu tiền cũng có.

Chính vì vậy mà tôi ỷ lại và sống không nên người. Sau đó, gia đình gặp khó khăn, bản thân bị đẩy vào đường cùng thì lúc đó tôi lại biết cách để trưởng thành và nên người hơn.

- Anh có thể chia sẻ thêm về giai đoạn ''không nên người'' ngày trước của mình không?

Lúc còn trẻ, khi có gia đình lo lắng hết cho mọi thứ thì tôi đâu phải đi kiếm tiền, chỉ việc xài tiền sẵn có. Rồi tôi lại đâm ra xài trong những việc không đứng đắn, sa ngã vào những cái không tốt.

Còn khi gia đình cạn kiệt tài chính, tôi phải vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền trang trải. Lúc đó mình mới biết quý trọng đồng tiền hơn vì thấy nó kiếm khó quá.

- Tới thời điểm này, thành công có, thất bại cũng không ít thì anh nghĩ như thế nào về danh xưng “ông vua phòng vé” mà mọi người từng đặt cho anh?

Đó là một mỹ từ, biệt danh mà những người thích mình đặt cho mình. Nhưng nó cũng là con dao để một số người không thích mình dùng nó để “đâm” mình. Thế nên, tôi nghĩ danh xưng này chẳng có gì quan trọng, tôi cũng không quan tâm lắm. Không có ông hoàng nào mà mặt cà tàng, tướng cà tơn như tôi hết (cười).

Không phải tới lúc người ta gọi tôi là ông vua thì tôi mới có áp lực mà lúc nào cũng có hết. Hơn nữa áp lực lớn nhất, mệt mỏi nhất là đến từ sự tin tưởng, trông cậy của ê-kíp, kỳ vọng của khán giả chứ không phải từ danh xưng mà báo chí đặt cho. Nhưng nói gì đi nữa thì thất bại cũng rất khó nuốt lắm. Đâu ai muốn thất bại đâu, mệt mỏi lắm chứ. 

- Cụ thể thì nó khó nuốt với anh như thế nào?

Để tôi kể một câu chuyện nhỏ minh họa cho câu trả lời của mình. Chuyện diễn ra cách đây khá nhiều năm khi tôi còn đi diễn trong nhóm tấu hài. Cuộc chơi lúc đấy nó không lớn như phim ảnh, mức độ lan tỏa cũng không rộng.

Lúc đó tôi, Đức Thịnh, Trung lùn làm chung và lập ra nhóm hài 3 chú nhóc. Ba đứa mới bắt đầu tập tành làm một tiểu phẩm dài 10 phút. Nhưng khi tiết mục đó chưa hoàn thành thì chúng tôi được gọi đi diễn.

Chúng tôi quyết định lấy tiểu phẩm đó diễn luôn mặc dù vẫn chưa tập dợt kỹ và bản thân cũng cảm thấy chưa ổn. Và kết quả đó là một suất diễn thất bại tệ hại.

10 phút đứng trên sân khấu mà chúng tôi cảm giác nó dài kinh khủng. Tối về, cả bọn suy sụp còn tôi thì nằm mơ gặp ác mộng về vở diễn đó. Trong mơ, tôi phải trốn tránh khán giả, chui nhủi trên chính cái sân khấu của mình. Sáng hôm sau thức dậy, tôi đâm ra bệnh luôn. Giấc mơ đó đến nay vẫn ám ảnh tôi không ngừng.

Đó là bài học to lớn mà mỗi khi làm gì, tôi đều phải cân nhắc mình đã thật sự sẵn sàng để ra mắt công chúng hay chưa. Bởi ở một tiểu phẩm 10 phút nhỏ xíu mà đã khiến tôi ám ảnh mệt mỏi như vậy thì việc gặp thất bại với bộ phim mà mình làm trong mấy tháng trời nó còn kinh khủng đến nhường nào.

 Chưa bao giờ thấy

 Chưa bao giờ thấy "đã" về vai diễn của mình

- 2 năm rời xa màn ảnh, anh làm gì?

2 năm qua, tôi đi chơi với gia đình nhiều hơn và dành thời gian suy nghĩ sâu xa hơn về nghề trong tương lai. Thu nhập của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều nếu không muốn nói là không có kiếm thêm được bao nhiêu.

Bởi trong suốt 2 năm, tôi không làm gì hết mà, chủ yếu tiêu vào tiền tiết kiệm của mình. Trong thời gian qua, nhiều khi tôi cũng muốn làm này làm kia nhưng cảm thấy chưa sẵn sàng để quay lại, chưa có đủ hứng thú mạnh mẽ nên thôi, cứ chờ vậy.

- Trong 2 năm qua, điện ảnh đã thay đổi và phát triển rất nhiều, anh không sợ mình bị thụt lùi và không bắt kịp dòng chảy làm phim?

Tôi không đặt nhiệm vụ lần này mình trở lại phải gây bất ngờ, phải chứng tỏ thế này thế kia. Mục tiêu đó nó mông lung lắm và hoàn toàn không tốt cho vai trò diễn viên. Vì khi suy nghĩ như vậy thì không thể tập trung vào nhân vật. Lúc đó mình chỉ muốn người ta nhắc về Thái Hòa chứ không phải là nhân vật mà Thái Hòa đóng.

- Trong thời gian anh vắng bóng thì làng điện ảnh nổi lên những tên tuổi cũng rất duyên dáng, hài hước và được yêu mến trên màn ảnh rộng đặc biệt là Kiều Minh Tuấn trong "Em chưa 18", anh có sợ vị trí của mình bị đe dọa?

Tôi chả bao giờ phải đặt mình vào thế cạnh tranh với ai hết. Trước giờ, nhiều người cũng so sánh tôi với những người khác nhưng họ so sánh cho vui vậy chứ đâu ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi nghĩ mình cứ là mình và cố gắng làm bản thân hài lòng là tốt lắm rồi.

Tiếc là từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ chinh phục được chính bản thân. Tôi chưa bao giờ làm được vai diễn nào cảm thấy đã và hài lòng hết mực.

Mục tiêu đó đối với tôi mới là quan trọng nhất còn chuyện có ai đó ngoi lên, được yêu mến thì đó là chuyện của người ta. Mình có kéo người ta xuống được đâu. Hơn nữa, tôi cũng không bao giờ nghĩ bản thân đã ở trên đỉnh rồi để gọi là bị đe dọa.

Những vai diễn từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ xem nó là đỉnh cao. Chỉ có duy nhất vai Hội trong Để mai tính là gần đạt được cảm giác “đã” với tôi nhưng vẫn chưa tới. Còn những vai khác trên sân khấu hay màn ảnh thì mặc dù đã làm cho khán giả yêu thích, cười ngoặt nghẽo nhưng nó vẫn chưa thỏa mãn được với bản thân tôi.

 

 "Các con dạy tôi thành người trách nhiệm"

- Bây giờ Thái Hòa trở lại với một ngoại hình có phần già dặn hơn xưa, anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng anh đã bắt đầu có dấu hiệu xuống sức?

Ai mà chẳng già. Tôi cũng già, diễn viên nào cũng già và khán giả cũng già. Nhưng điều đó không phải là thứ tôi phải sợ. Vì tôi không phải là diễn viên sống nhờ vào nhan sắc. Mà cái tôi sợ nhất là sợ già về cảm xúc, chai lì với cuộc sống.

- Ở tuổi 44, anh cảm thấy mình khác như thế nào so với trước đây?

Tôi thấy mình có trách nhiệm hơn. Cuộc sống của tôi bây giờ ngoài mình ra thì nó còn ảnh hưởng đến nhiều người nữa. Tôi phải có trách nhiệm với gia đình, vợ con, đồng nghiệp và đặc biệt là với bản thân.

Ở độ tuổi này tôi bắt đầu nhìn nhận rõ hơn về vai trò của bản thân. Như lúc có thằng Bôm, tôi còn rất trẻ, tôi không đủ sức để hiểu và nói chuyện với con cũng như dạy dỗ nó. Tôi chưa nhận thức đầy đủ về trách nghiệm của người cha.

Bây giờ, Bôm 15 tuổi rồi, tôi không ở gần nó thì việc hiểu và dạy con càng khó hơn. Tôi chỉ có thể thông qua những hành động, suy nghĩ của bản thân để tạo sức ảnh hưởng cho con.

Tôi nhận ra được rằng dạy con không chỉ thông qua lời nói, không phải mình bắt con ngồi đối diện mình bắt con phải thế này thế kia. Dạy con phải thông qua chính việc làm của người cha. Đặc biệt với con trai thì nó sẽ càng phải nhìn cha nó ở khía cạnh công việc để học theo.

Như tôi ham tiền, đóng phim ẩu, nhận việc cẩu thả, chụp giật thì làm sao mình có thể dạy cho Bôm cách sống và làm việc tử tế. Bôm bây giờ đã trưởng thành rất nhiều và nó sẽ nhìn vào chính công việc của tôi để nhìn nhận về cha. Còn cậu con nhỏ Nemo, tôi phải tìm cách dạy dỗ nó từ những cái nhỏ nhặt, không phải cứ quát tháo, la rầy là được.

Chính việc tôi ý thực được trách nhiệm nhiều hơn về hai đứa con khiến tôi phải quay ngược lại để có trách nhiệm hơn với chính bản thân. Giống như hai đứa con đang dạy ngược lại tôi để mình có thể đi đúng con đường trở thành người đàn ông bản lĩnh và người cha tốt hơn.

- Vậy hiện tại, mối quan hệ của anh với vợ cũ Cát Phượng và Bôm như thế nào?

Với tôi, Cát Phượng là mẹ của Bôm bây giờ, là người trực tiếp nuôi dưỡng con thì dĩ nhiên tôi phải dành sự mang ơn cho cô ấy. Thậm chí tôi cũng phải biết ơn Kiều Minh Tuấn vì đã thay tôi ở bên cạnh dạy dỗ Bôm suốt thời gian qua.

Và người mà tôi mang ơn nhiều nhất chính là Bôm. Bôm không hề oán trách tôi bất kỳ điều gì hết. Nó hiểu và thông cảm với tôi. Chứ nếu Bôm trách móc, oán hận tôi thì chắc là tôi khó có thể thanh thản mà làm tiếp tục làm nghề.

- Anh cân đối thời gian dành cho hai con như thế nào để chúng không phải tị nạnh với nhau về tình cảm của cha?

Khi nào rảnh là tôi đều thu xếp dẫn cả Bôm và Nemo đi chơi với nhau. Nhiều khi tôi cũng đưa Bôm về ngủ với Nemo để anh em nó gặp nhau gắn kết tình cảm. Hai anh em thương nhau lắm. Đó cũng là cái phước mà tôi may mắn có được. Tôi luôn nói thẳng với Bôm rằng con không được may mắn như Nemo có đủ cha đủ mẹ chung một mái nhà. Điều đó là sự thật và không thể né tránh.

Điều kiện của Nemo bây giờ cũng tốt hơn Bôm ngày xưa nhiều. Nhưng Bôm cũng rất đàn ông và hiểu được hoàn cảnh của mình và thông cảm cho cha mẹ. Vợ tôi cũng hay nói với tôi là: “Đôi khi sự bất hạnh nó cũng là món quà”.

Nói đến đoạn này, bé Nemo (con của Thái Hòa) chạy đến bên cha, nhìn cha say sưa. Anh cũng trao lại con ánh nhìn trìu mến cùng ánh mắt rất đỗi tự hào. Anh nhanh nhảu khoe rằng: “Thằng nhóc này thần tượng tôi lắm. Tôi đi đâu là nó đi theo đó, nhìn tôi mọi lúc. Cứ chốc chốc là chạy lại bên cha coi cha đang làm gì”. - Trên phim ảnh, anh mang tiếng cười đến cho mọi người vậy còn trong gia đình, anh là người chồng, người cha như thế nào?

Nói đến đoạn này, bé Nemo (con của Thái Hòa) chạy đến bên cha, nhìn cha say sưa. Anh cũng trao lại con ánh nhìn trìu mến cùng ánh mắt rất đỗi tự hào. Anh nhanh nhảu khoe rằng: “Thằng nhóc này thần tượng tôi lắm. Tôi đi đâu là nó đi theo đó, nhìn tôi mọi lúc. Cứ chốc chốc là chạy lại bên cha coi cha đang làm gì”. - Trên phim ảnh, anh mang tiếng cười đến cho mọi người vậy còn trong gia đình, anh là người chồng, người cha như thế nào?

Trong gia đình, tôi nói rất nhiều và hay làm cho mọi người cười nhưng cũng nhiều khi lại đem đến tiếng khóc. Tôi cũng là con người mà, cũng phải có nhiều sai lầm và làm cho người khác buồn. Lúc hẹn hò thì tôi cũng hay làm vợ khóc còn bây giờ đã là vợ chồng thì tôi cũng không nhớ có làm cho cô ấy khóc lần nào chưa. Hoặc nhiều khi vợ khóc chỗ nào mà tôi không thấy.

Tôi không phải người đàn ông hoàn hảo, đặc biệt với người có cảm xúc đi trước suy nghĩ như tôi thì càng dễ phạm sai lầm. Nhưng quan trọng là tôi nhận ra được khi nào mình làm sai. Đặc biệt là càng ngày, tôi càng dễ dàng đưa ra lời xin lỗi hơn trước. Hồi trẻ tôi chả bao giờ xin lỗi ai mặc dù biết mình làm sai.

Khi làm sai bất kỳ chuyện gì trước mặt con thì tôi phải mạnh dạn xin lỗi để làm gương cho con. Tính tình tôi trước giờ rất cộc và ở Nemo, tôi thấy được con có chiều hướng giống mình nên tôi phải kiềm chế bản thân và dạy con làm chủ cảm xúc.

Có những lúc tôi thể hiện sự nóng nảy thì tôi phải xin lỗi nó ngay lập tức. Việc tôi chịu hạ cái tôi mình xuống, dễ dàng xin lỗi hơn đến từ trách nhiệm của người cha.

Zing News

https://vtc.vn/thai-hoa-2-nam-qua-toi-khong-co-thu-nhap-phai-xai-tiet-kiem-d422470.html