Thách thức mới với trường học: chống quay cóp khi thi online

Thứ sáu, 15/10/2021, 10:18 AM

TP HCM: Chuẩn bị cho đợt kiểm tra giữa kỳ I, nhiều trường đổi mới cách ra đề, yêu cầu học sinh bật camera khi làm bài để tránh gian lận.

Từ đầu năm học, TP HCM xác định có thể học trực tuyến đến hết kỳ I. Đây là lần đầu việc kiểm tra định kỳ được các trường thực hiện đại trà bằng hình thức online. Ngoài việc đảm bảo đường truyền như trong mọi buổi học trực tuyến khác, một thách thức mới với thầy cô và các nhà trường trong đợt thi giữa kỳ I - diễn ra bắt đầu từ tuần tới - là đảm bảo công bằng thi cử, chống quay cóp.

Nhiều trường tính đến phương án yêu cầu học sinh bật camera máy tính, điện thoại khi làm bài. Trường THPT Nguyễn Hữu Huân bắt buộc học sinh dùng thiết bị có camera khi thi trực tuyến. Các em được khuyến khích sử dụng hai thiết bị, một chiếc để nhận đề, scan bài làm và chiếc khác để bật camera cho giám thị quan sát. Học sinh và giám thị phải mở camera trong suốt thời gian làm bài. Thí sinh không được nhận các cuộc gọi từ bên ngoài, không tự ý rời khỏi vị trí. Nếu làm mất hình ảnh trên webcam quá 5 phút mà không có lý do chính đáng, học sinh có thể bị 0 điểm.

Ngoài ra, học sinh phải viết tay một bản cam kết theo mẫu rồi chụp và gửi lên phần mềm MS Teams nhằm xác nhận các em hiểu rõ quy định, đồng thời lưu làm mẫu chữ viết. Trước ngày thi, trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các em làm quen thao tác.

Phương án yêu cầu học sinh bật camera khi làm bài kiểm tra cũng được trường THPT Bùi Thị Xuân tính đến. Tuy nhiên, với thí sinh không có webcam, trường sẽ cân nhắc phương án khác, trong đó có việc khuyến khích tinh thần tự giác của học trò.

Ngoài giải pháp công nghệ, các thầy cô cho rằng, việc đổi mới thi cử, ra đề sẽ khắc phục bất cập liên quan tới gian lận. Ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng THPT Thanh Đa cho biết, trường đang lên kế hoạch kiểm tra giữa học kỳ vào đầu tháng 11 tới trên hệ thống K12Online. Đây là ứng dụng dạy học trực tuyến được trường sử dụng từ đầu năm với 1.500 học sinh ở tất cả khối lớp.

Trừ đề môn Văn, các môn còn lại sẽ ra đề theo hình thức trắc nghiệm hoặc kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Để phù hợp kiểm tra trực tuyến, câu hỏi sẽ chú trọng đến kỹ năng giải quyết vấn đề, kiểm tra sự hiểu bài của học sinh. "Số lượng câu hỏi và thời gian sẽ được cân đối, đảm bảo học sinh không thể trao đổi, hỏi bài nhau qua mạng khi kiểm tra", thầy Hân cho biết.

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du - ông Huỳnh Thanh Phú - nhận định, không thể đảm bảo kỳ thi nghiêm túc đơn thuần chỉ bằng công nghệ như lắp camera hoặc hay siết chặt quy chế. Nhà trường có thể đánh giá năng lực của học sinh một cách khách quan, đơn giản và hiệu quả hơn.

Với các môn xã hội, thầy cô giao một dự án cho từng nhóm và có phân chia trách nhiệm để nhóm thực hiện. Với môn khoa học tự nhiên, giáo viên giao các nhóm học sinh xây dựng đề cương bài học hoặc tiến hành làm các thí nghiệm và viết báo cáo. Chẳng hạn với môn Hoá, Sinh, các em có thể thử làm hột vịt muối, làm dưa chua, củ kiệu, thịt đông, trồng rau, nuôi nấm mèo, nấm bào ngư rồi ghi hình, làm bài thu hoạch.

Riêng môn Ngoại ngữ, thầy cô có thể ra một chủ đề chung để các nhóm hùng biện, tranh luận, hoặc cho đề mở để các em có cơ hội tìm kiến thức trên Internet, nâng cao khả năng đọc hiểu. "Cách ra đề như thế phát huy tính sáng tạo của học sinh, hình thành các kỹ năng và tinh thần tự giác. Hơn hết, việc kiểm tra mà không quá gay gắt quy chế, kỹ thuật, giúp học sinh thoải mái hơn. Thầy cô qua đó cũng gửi thông điệp tin tưởng sự trung thực ở các em", ông Phú nói.

THPT Nguyễn Du sẽ cho học sinh làm các bài tập nhóm để lấy điểm định kỳ. Lịch kiểm tra giữa kỳ bắt đầu từ cuối tháng 10, mỗi tuần có ba môn. Khi giao bài tập nhóm, thầy cô sẽ đánh giá hiệu quả, công việc của từng người do nhóm trưởng báo cáo.

"Việc tổ chức kiểm tra như vậy giúp thầy cô chủ động hơn, giảm bớt áp lực, căng thẳng cho các em khi phải học trực tuyến kéo dài. Trong giờ sửa bài, giáo viên có thể kiểm tra ngẫu nhiên để biết học sinh có làm thật hay không. Thầy cô cũng có thể cộng điểm cho học sinh tích cực phát biểu trong quá trình học online", ông Phú cho biết.

Trường THPT Lương Thế Vinh cũng sử dụng hình thức trắc nghiệm để học sinh dễ dàng khi làm bài, giáo viên cũng thuận lợi khi chấm. Ngoài ra, các tổ bộ môn còn đánh giá định kỳ học sinh qua các bài vẽ sơ đồ tư duy, bài tập thiết kế video, Infographic hoặc báo cáo các hoạt động trải nghiệm.

Học sinh trường THPT Đào Duy Anh, TP HCM học trực tuyến tại nhà, tháng 10/2021. Ảnh: Trần Minh

Học sinh trường THPT Đào Duy Anh, TP HCM học trực tuyến tại nhà, tháng 10/2021. Ảnh: Trần Minh

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Hoá học một trường THPT ở quận 7 tán thành quan điểm giáo viên nên đặt niềm tin vào học trò. Kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến này là cơ hội để thầy cô hướng tới sản phẩm đích thực của giáo dục - là năng lực, phẩm chất học sinh.

Về cách ra đề, ông Thanh cho rằng, cần chọn những câu hỏi trắc nghiệm khách quan, chuẩn mực và đánh giá mức thông hiểu. Tức là, học sinh phải hiểu bài mới làm được, không phải học vẹt, học thuộc lòng. Với kiểu ra đề này, thầy cô yên tâm về chất lượng kỳ thi, học sinh cũng không cần phải quay cóp, gian lận.

"Khi dạy học trực tuyến, giáo viên cần quan tâm đến kết quả đánh giá quá trình, của học trò qua mỗi tiết học. Bằng sự tương tác giữa thầy và trò, giáo viên phần nào cũng đã nắm được năng lực học tập của từng em nên tôi tin, kiểm tra online đảm bảo khách quan, công bằng", ông Thanh nói.

Sáu tuần qua, hơn 225.000 học sinh THPT (chiếm 99,8%) tại TP HCM tham gia học trực tuyến, chuẩn bị vào đợt kiểm tra giữa học kỳ I. Theo hướng dẫn đánh giá học sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, trong quá trình dạy trực tuyến, giáo viên cũng có thể trực tiếp kiểm tra, đánh giá qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, bản báo cáo quá trình học tập, bài thu hoạch.

Mạnh Tùng

Theo Vnexpress.net