'Tên lửa đẩy và trạm quỹ đạo' - cơ chế của vaccine Covid-19 từ Nga
Vaccine chống Covid-19 của Nga được đưa vào cơ thể người theo cách tương tự quá trình phóng vệ tinh Sputnik vào vũ trụ - cũng chính là cái tên mà vaccine đã được đặt theo.
Sự xuất hiện của vaccine đầu tiên ngăn chặn sự lây nhiễm virus corona chủng mới đã thu hút sự quan tâm của quốc tế, vì loại thuốc này hứa hẹn không chỉ chấm dứt các ca mắc và tử vong do Covid-19, mà còn là công cụ phục hồi kinh tế của một quốc gia.
Sau gần nửa năm thế giới chìm trong cuộc chiến chống Covid-19, việc Nga công bố vaccine đầu tiên chữa Covid-19 thực sự thắp lên tia hy vọng. Tuy nhiên, tin tức về nó không xuất hiện theo cách tích cực trên báo chí phương Tây. Vaccine Sputnik V bị nghi ngờ cả về tính an toàn lẫn hiệu quả, hay thậm chí là cả sự tồn tại của nó.
Nhiều người trong số họ chỉ ra rằng vaccine Sputnik V chưa hoàn tất tất cả giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, với quy mô thử nghiệm trên người ở mức rất hạn chế: với 76 người.
Trong khi đó, các thành viên của Viện Nghiên cứu Gamaleya của Nga, những người làm ra vaccine này tự tin vào hiệu quả của nó và đã tự nguyện tiêm cho mình, theo trang tin Sputnik.
"Như cách phóng vệ tinh"
Sergei Tsarenko, Phó trưởng Khoa Gây mê và Hồi sức tại Bệnh viện Thành phố Moscow số 52 và là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, nói rằng dù các bác sĩ Nga đã tìm ra phác đồ chữa trị cho bệnh nhân Covid-19, nó vẫn chỉ áp dụng được với các ca bệnh nặng.
“Cho đến nay, kháng thể chống Covid-19 chỉ có thể được hình thành ở một người mắc bệnh sau đó phục hồi. Nhưng ở đây có một biện pháp an toàn hơn hẳn là tiêm chủng, hay tạo miễn dịch”, ông Tsarenko giải thích.
“Các chuyên gia của Viện Gamaleya đã tạo ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả. Trong cộng đồng nghiên cứu vi sinh vật học, viện này được xem như chiếc ‘Mercedes’ trong ngành công nghiệp ôtô”’.
Vaccine Sputnik V về cơ bản bao gồm hai thành phần. Đầu tiên là chủng virus Adeno vô hại, có chức năng như một “tên lửa đẩy”, mang theo thành phần thứ hai là một đoạn của bộ gen Covid-19 vào cơ thể người - có thể xem như một "trạm quỹ đạo" được đi cùng "tên lửa đẩy".
Ông Tsarenko diễn giải quá trình theo thuật ngữ không gian mà chính cái tên của vaccine được đặt theo - Sputnik V. Khi đó, cơ thể con người sẽ nhận ra mối đe dọa từ virus corona và sản sinh ra kháng thể. Nhưng đó chỉ là phản ứng ngắn hạn và do vậy, cần tiêm mũi thứ hai.
“Để làm cho kháng thể phát huy tác dụng lâu hơn, một đoạn gen tương tự sẽ được đưa vào cơ thể người sau 3 tuần, đồng thời sử dụng một ‘tên lửa đẩy’ khác. Kết quả là, cơ thể sẽ không sản sinh ra kháng thể mạnh với một trong hai chủng virus Adeno mà tạo ra bức thành chống chọi mạnh mẽ trước virus corona”.
Phương pháp này còn được gọi là "vector virus", từ lâu được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Gamaleya và kể từ đó được áp dụng để thử nghiệm nhiều loại vaccine. Cụ thể là vaccine ngừa Ebola và chủng khác của virus corona - MERS.
Nguy cơ biến chứng?
Về các biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân Covid-19 giữa 2 lần tiêm, bác sĩ Tsarenko cho biết hiện tượng tăng cường phụ thuộc vào kháng thể (ADE), hay tăng nặng bệnh lý phụ thuộc kháng thể, chỉ nghe có vẻ kinh khủng đối với những người không có chuyên môn về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông giải thích rằng hiện tượng này chỉ mới được phát hiện ở những bệnh nhân sốt xuất huyết và không liên quan đến việc tiêm chủng, điều mà các nhà virus học đã biết rõ.
Bác sĩ Nga cũng chất vấn việc ai tài trợ cho “các chuyên gia độc lập” đang đặt ra nghi vấn về ngoại thuốc của Nga, liệu đó có phải các nhà sản xuất vaccine khác hay các công ty sản xuất thuốc chống virus khác không.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 11/8, ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, tổ chức phụ trách đầu tư vào các doanh nghiệp y tế, cho biết Nga đã nhận đơn đặt vaccine Sputnik V từ hơn 20 quốc gia, với tổng cộng khoảng 1 tỷ liều.
Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sẽ chỉ xác nhận an toàn cho vaccine Sputnik V của Nga sau khi vaccine này trải qua quy trình đánh giá dữ liệu an toàn và hiệu quả.
"Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế Nga và thảo luận về khả năng WHO xác nhận tính an toàn và hiệu quả của vaccine", AFP trích lời Tarik Jasarevic, người phát ngôn của WHO, cho biết.
"Xác nhận an toàn và hiệu quả của bất cứ loại vaccine nào đều bao gồm xem xét và đánh giá tất cả dữ liệu".
Ông Jasarevic cho biết quy trình đánh giá của WHO dựa trên thông tin thu thập được qua thử nghiệm lâm sàng. Đại diện WHO khẳng định tốc độ phát triển nhanh của một số loại vaccine là điều đáng khích lệ và hy vọng những loại vaccine này sẽ được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
"Mặc dù vậy, đẩy nhanh quá trình (phát triển) không đồng nghĩa với làm ảnh hưởng tới tính an toàn", ông Jasarevic nói.
Hạnh Vũ
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội