Tạo điều kiện tối đa để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển

Thứ năm, 28/09/2023, 14:25 PM

Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu, hầu hết các quốc gia có tiềm lực công nghệ đều đã xây dựng chiến lược hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Hà Nội có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Internet

Hà Nội có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Internet

Tiềm năng và cơ hội hợp tác ngành bán dẫn

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, trong hơn 30 năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam và là nguốn vốn quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao….

Trong tiến trình chung đó, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhờ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng của Thủ đô, đồng thời, Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.

"Hà Nội luôn với tinh thần cầu thị và sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn", ông Quân nhấn mạnh.

Chia sẻ về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại TP. Hà Nội, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, với vị thế trung tâm, hạ tầng đồng bộ, nhân lực tập trung, cơ chế chính sách đặc thù… ; là trung tâm kinh tế và hội tụ nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ bên cạnh những tiềm năng to lớn, đa dạng và vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng nên có điều kiện tổng hợp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Hệ thống cơ sở đào tạo và hạ tầng đang từng bước cải thiện, hiện đại hóa sẽ hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án có hiệu quả…Tính đến nay, Hà Nội đã quan hệ hợp tác với 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, số dự án có hiệu lực là 7.226 dự án, với tổng vốn đăng ký là 62,5 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước).

Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD. Đặc biệt, Hà Nội hướng đến việc thu hút vốn đầu tư FDI có chọn lọc, chủ yếu tập trung vào: Dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường; sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cam kết, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn

Chia sẻ về định hướng thu hút vốn FDI thời gian tới, ông Vũ Duy Tuấn cho biết, Hà Nội hướng đến việc thu hút vốn đầu tư FDI có chọn lọc, tập trung vào các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường; sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện tại Hà Nội có: 11 khu công nghiệp (2.930 ha) đã xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy là 60%; 1 khu công nghiệp (368 ha) đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (Khu công nghiệp Nam Hà Nội, giai đoạn II); 3 khu công nghiệp (663,4 ha) đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư (khu công nghiệp cao sinh học, khu công nghiệp Quang Minh II, khu công nghiệp sạch Sóc Sơn); 3 khu công nghiệp (586,8 ha) đã có quy hoạch, đang triển khai một phần công tác chuẩn bị đầu tư (khu công nghiệp Đông Anh, khu công nghiệp Bắc Thường Tín, khu công nghiệp Phụng Hiệp).

"Để thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài việc ban hành các chính sách toàn diện và hạ tầng đồng bộ, Hà Nội sẽ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong khu công nghiệp, như: Ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi về thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất đai, ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về phát triển thị trường…", ông Vũ Duy Tuấn nhấn mạnh.

Mới đây, tại tọa đàm "Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, khu vực trung tâm Thành phố hiện nay đã duy trì ổn định, thậm chí phải giảm bớt để dịch chuyển sang lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, đối với khu vực ngoại đô hiện còn quỹ đất rất lớn. Thành phố đang tập trung phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng về giao thông với các tuyến đường vành đai, các tuyến metro để kết nối giao thông với khu vực nội đô.

Thành phố cũng đang tiếp tục định hướng phát triển thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, tập trung phát triển 25 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp hiện đã được lấp đầy và đang hoạt động. Đối với 15 khu công nghiệp còn lại đang được triển khai các định hướng đầu tư, phát triển hạ tầng, hệ thống phụ trợ để thu hút đầu tư.

Về cơ chế chính sách, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, hiện nay Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị định số 74 của Chính phủ đang trong quá trình sửa đổi và hoàn thiện. Vì vậy, những vấn đề về cơ chế chính sách sẽ được cập nhật vào hai văn bản quy phạm pháp luật này để làm sao thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Tăng cường giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp'Tăng lực' cho công nghiệp hỗ trợ"Hà Nội cam kết sẽ đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp, trên cơ sở những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn, Thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển trên địa bàn Thành phố nói riêng và cả nước nói chung", Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.

Theo baochinhphu.vn

largeer