Tăng tỷ lệ hàng nội trên thị trường

Thứ tư, 21/12/2022, 12:20 PM

Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần. Để phục vụ nhu cầu của thị trường, các nhà bán lẻ, doanh nghiệp (DN) đã đồng loạt đưa lên kệ các mặt hàng phục vụ Tết “made in Vietnam” chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Hàng nội phục vụ Tết đa dạng trên các kênh siêu thị. Ảnh: Quang Vinh

Hàng nội phục vụ Tết đa dạng trên các kênh siêu thị. Ảnh: Quang Vinh

Giỏ hàng Tết nội lên ngôi

Cuối năm là thời điểm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thường chuẩn bị những món quà Tết ý nghĩa dành tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay tri ân đối tác, khách hàng. Vì vậy, năm nào vào dịp này thị trường giỏ quà Tết cũng rất sôi động. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán của người tiêu dùng, nhiều DN kinh doanh quà Tết, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chợ mạng... đã đồng loạt tung ra thị trường các sản phẩm giỏ quà Tết đa dạng từ mẫu mã đến giá cả.

Theo chị Trần Thanh Hương, chủ một đại lý hàng hóa ở phố Bà Triệu (Hà Nội), tuy còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thị trường quà Tết đã rất sôi động. Đề cập về xu hướng chọn quà Tết năm nay chị Hương cho biết, người tiêu dùng có xu hướng mua những giỏ quà Tết nội nhiều hơn, đặc biệt là những giỏ quà Tết hàng nông sản Việt bảo vệ sức khỏe như tổ yến, đông trùng hạ thảo. Những giỏ quà này có giá từ 700.000 đồng - 2 triệu đồng tùy giỏ thiết kế.

Khảo sát tại Big C Thăng Long (Hà Nội), các giỏ quà Tết có giá từ 300.000 đồng- 2 triệu đồng/giỏ tùy loại. Trong đó mức giá từ 400.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng khá phổ biến. Tương tự tại MM Mega Market, hệ thống phân phối sản phẩm giỏ quà Tết Quý Mão 2023 có giá từ 399.000 đồng/giỏ đến hơn 2 triệu đồng/giỏ và chia quà tặng theo các chủ đề: Sum vầy, An khang, Phú quý.

Thị trường giỏ quà Tết cũng khá sôi động và hấp dẫn, nhất là trên “chợ mạng”. Chỉ cần gõ tìm kiếm “giỏ quà Tết” trên google sẽ hiện ra vô vàn thông tin về sản phẩm. Mức giá khá mềm chỉ dao động từ 250.000 đồng - 2 triệu đồng/giỏ tùy yêu cầu của khách hàng.

Tăng tỷ lệ hàng nội địa

Khảo sát mới đây của Bộ Công thương cho thấy, hiện hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60-96%.

Đại diện AEON Việt Nam cam kết nghiên cứu các danh mục sản phẩm phong phú hơn, phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án: “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài” mà Bộ Công thương ký hợp tác (MOU) với Tập đoàn AEON.

Trong thời gian tới, để chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được lan tỏa sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới. Điều này nhằm nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Tương tự, đại diện siêu thị Co.opmart Hà Đông cũng thông tin, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” hiện có đến trên 90% hàng hóa đang bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart là hàng Việt. Hơn nữa, hệ thống siêu thị Co.opmart luôn ưu tiên bày bán nhiều hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước, đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng VietGap, GlobalGap.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng trong nước tin dùng, cho thấy chất lượng của sản phẩm hàng hóa trong nước ngày càng được nâng lên. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung bởi cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng “khó tính” hơn. Và với các doanh nghiệp trong nước, khai thác tốt thị trường nội địa với 100 triệu dân sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.

KHANH LÊ – AN BÌNH

Theo daidoanket.vn

largeer