Sống xanh để bước xa

Thứ ba, 06/03/2018, 16:12 PM

Cách đây ba năm, Trần Thị Khánh Trang, 27 tuổi, lọt vào danh sách 100 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới (Top 100 Leading Global Thinkers 2015) của tạp chí uy tín Mỹ Foreign Policy, nhờ sáng kiến dùng rơm trồng nấm giúp hạn chế việc đốt rơm rạ gây hại môi trường. Sau những danh hiệu và giải thưởng quốc tế, hiện mô hình mạng lưới hộ dân trồng nấm của Trang vẫn chỉ dừng ở mức… 10 người. Nhưng khi đã thành công ở những mục tiêu “nhỏ” này, thì việc mở rộng quy mô kinh doanh không phải là vấn đề vượt quá tầm với.

Khánh Trang là nhà sáng lập, kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xanh bền vững Fargreen Việt Nam.

CEO Trần Thị Khánh Trang

CEO Trần Thị Khánh Trang

Hằng năm, nông dân Việt Nam đốt hàng chục triệu tấn rơm để bắt đầu vụ mùa tiếp theo. Hành động này tạo ra các lớp khói dày và góp phần làm Trái đất nóng lên. Nhưng người nông dân không thể nghĩ tới môi trường khi họ còn bị ràng buộc bởi thu nhập.

Vậy làm sao thuyết phục họ thay đổi thói quen này? Không bắt đầu từ việc thay đổi hành vi, Trang đặt câu hỏi: “Họ sẽ được gì nếu ngừng đốt rơm?”.

Dự án Fargreen được lập ra để cùng nông dân tận dụng phế phẩm rơm rạ trồng nấm chất lượng cao; qua đó, tạo thêm việc làm cho người dân vào thời điểm nông nhàn. Còn mùn nấm sau thu hoạch sẽ được tận dụng làm phân hữu cơ; có tác dụng cải tạo đất, thay thế được phân hóa học - như một kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha công bố năm 2016 (*).

“Nông dân trồng nấm và tận dụng nguồn thải cải tạo đất, trồng lúa, trồng rau xen canh, sau đó họ quay trở lại cải tạo đất ruộng để trồng được những vụ mùa tốt hơn. Nó là một vòng tròn khép kín nhưng luôn mở rộng và phát triển. Sau nấm, hiện chúng tôi đã bắt đầu mở sang trồng rau củ và lúa”, Khánh Trang chia sẻ với Người Đô Thị. 

Đầu năm 2015, thông qua hợp tác với 10 nông dân ở tỉnh Hải Dương, Fargreen đã có mùa thu hoạch nấm thử nghiệm đầu tiên đầy thành công. Mỗi cá nhân tham gia đã kiếm được thêm khoảng 50 ngàn đồng/ngày, trong khi thu nhập thông thường hằng ngày là hơn 100 ngàn đồng.

Tạp chí Foreign Policy đã kết luận trong đoạn giới thiệu về Khánh Trang như sau: “Nếu được nhân rộng trên toàn Việt Nam và cả ở những quốc gia trồng lúa khác, mô hình này có thể cải thiện đời sống nông dân và làm giảm thiểu lượng khí thải độc hại”. Thời gian đó, có tới 80 - 90% lượng nấm Việt Nam đến từ các nước khác, như Trung Quốc.

“Một mô hình chưa từng thấy”

Hiện nay, mô hình Fargreen đang được thực hiện tại xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, Thái Bình, có quy mô mạng lưới 10 hộ dân, cùng một danh sách nhiều nông dân khác đăng ký chờ được tham gia. Thử việc hai tháng, sau đó tăng lương.

Đến nay, thu nhập bình quân mỗi nông dân tham gia dao động 2 - 5 triệu đồng/tháng, bằng 50 - 100% thu nhập thông thường của họ. Điều kiện tham gia: muốn làm, và có gian nhà trống để “nuôi” nấm. Fargreen đầu tư cải tạo lại cơ sở vật chất cho nông dân, khoảng trên dưới 10 triệu đồng tùy diện tích, từ 20 - 60m2. Mọi khâu ban đầu như xử lý cơ chất rơm rạ, cấy giống, nuôi hệ sợi... đều được thực hiện tại xưởng sản xuất của Fargreen. Nấm được trồng trong các thùng nhựa tái chế sạch, đựng bơ sữa ở châu Âu. Khi nấm chuẩn bị ra quả thể, chúng sẽ được chuyển về cho các hộ nông dân chăm sóc và thu hoạch. 

Empty

“Chúng tôi muốn làm mô hình đơn giản nhất, để nông dân chỉ chuyên vào khâu họ có thể làm tốt nhất, và chỉ họ mới có thể làm tốt nhất: hái nấm vào thời điểm đẹp nhất và tốt nhất, rồi mang đến nơi đóng gói của Fargreen. Điều này, máy móc không thay thế được”, Trần Thị Khánh Trang cho biết. 

Các sản phẩm làm tự nhiên, không sử dụng hóa chất, không để tác động bên ngoài vào quá nhiều. Vì vậy, một hệ thống cảm biến về độ ẩm môi trường, không khí, nồng độ CO2, độ ẩm cơ chất được đầu tư ở xưởng sản xuất của Công ty. Thông tin càng chính xác, xử lý càng nhanh. Đặc biệt, Fargreen thuê chính người nông dân trồng nấm làm việc trong xưởng sản xuất.

Sắp tới, hệ thống cảm biến này sẽ được trang bị trong nhà họ. Công nghệ đã đến với người nông dân. Fargreen không thuê kỹ sư để giám sát, quản lý và liên kết các hộ dân, mà lấy chính người dân địa phương, đào tạo họ thực hiện công việc này. Bà Lưu Thị Sim, người quản lý hộ dân hiện nay của Fargreen, 60 tuổi, bằng tuổi mẹ Khánh Trang, có nhiều chục năm bám ruộng và chưa bao giờ đụng vào chiếc máy tính. Nhưng hiện nay, bà đã có thể sử dụng email, thành thạo các phần mềm văn phòng như Word, Excel, Powerpoint; các ứng dụng giao tiếp và quản lý công việc như Skype và Slack…

Mọi việc vẫn quay về triết lý: đơn giản và hiệu quả. 

Đóng gói nấm sò

Đóng gói nấm sò

Nhận xét về Fargreen, Edward Paterson, một nhà khoa học về nông nghiệp đến từ Úc, đã đến làm tình nguyện tại Công ty từ tháng 2 - 7.2017 cho biết: đây là một mô hình trước đây ông chưa từng thấy. Đó là mối quan hệ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Những người nông dân được thuê để nuôi trồng nấm và rau củ, công việc này bổ sung vào nguồn thu nhập của họ từ những hoạt động nông nghiệp khác. Họ thậm chí chỉ tham gia làm việc với Fargreen vài giờ mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Điều này cho phép họ có rất nhiều thời gian để tiếp tục các công việc làm nông thường ngày của mình. Vì thế, công việc tại Fargreen được coi như bổ sung, chứ không phải thay thế công việc của người nông dân.

“Uber” trong nông nghiệp 

Sinh ra trong một gia đình lao động bình thường, tuổi thơ chứng kiến nhiều vất vả mưu sinh của cha mẹ, Trần Thị Khánh Trang là người đầu tiên trong gia đình học đại học, và sau đó giành học bổng toàn phần du học ở nước ngoài. Cô tự tạo được một con đường độc lập cho riêng mình. Một cô gái khiêm tốn, giản dị, nhiệt tâm và vui vẻ.

Fargreen khởi nguồn từ đề án khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh doanh nghiệp xã hội (Global Social & Sustainable Enterprise MBA) của Trang tại Đại học Tổng hợp bang Colorado, Mỹ. Trang cười bảo, cô không làm gì cả ngoài việc nói cho mọi người biết mình đang làm gì và thiếu gì; và mời gọi mọi người tới giúp đỡ, có thể bằng sức lực, tài chính, tư vấn...

Cô mua cà phê mời bạn chung lớp giỏi về thuyết trình, để bạn dạy cách mình đứng lên diễn đạt trôi chảy và thuyết phục mọi người về Fargreen. Cô rủ bạn bè tham gia dự án. Cô tìm sự hỗ trợ từ thầy cô, nhà trường, các vườn ươm doanh nhân trẻ ở Mỹ, các tổ chức đỡ đầu cho những người trẻ khởi nghiệp vì môi trường và xã hội như Echoing Green, TED, hay ở các cuộc thi khởi nghiệp ở Mỹ và quốc tế; ở các tổ chức tình nguyện quốc tế...

Trang tận dụng tất cả nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ mình xây dựng và phát triển Fargreen, cùng với tổng giá trị những học bổng tìm được cho tới nay: khoảng 300 ngàn USD.

Vào mùa thu gom rơm nguyên liệu

Vào mùa thu gom rơm nguyên liệu

Như một “uber” trong nông nghiệp, Fargreen tận dụng tất cả những phần còn nhàn rỗi và trống ở vùng địa phương triển khai dự án, lẫn linh động. Một gia đình có con cháu đã rời quê đi làm xa, chỉ còn lại người già, không còn sức lao động nhưng có chỗ trống trồng nấm và muốn tham gia, Công ty sẽ chủ động kết nối họ với nông dân khác có sức lao động nhưng thiếu “mặt bằng”. Trong dự định mở rộng mạng lưới ở đồng bằng sông Cửu Long do nhu cầu đa dạng sản phẩm của đối tác trong miền Nam, Trang nhìn thấy cơ hội tận dụng được hệ thống hậu cần rất phát triển ở đây, một không gian lớn hơn để phát triển nấm… 

Là “fan cuồng” của sự hợp tác, Trang nói, nó giúp Fargreen đi rất nhẹ chân. Ở mọi khâu, ai làm tốt hơn, Công ty đều outsource (thuê ngoài) phần đó. Fargreen làm việc với Trung tâm Nghiên cứu nấm của Đại học Nông nghiệp Hà Nội, vì “muốn gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường, thì phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất là hạt giống”. Việc này còn là một sự “cộng sinh”, vừa giúp thúc đẩy năng lực nghiên cứu, vốn còn yếu trên thị trường Việt Nam hiện nay; cũng vừa là cơ hội để Fargreen tìm tài năng và đam mê nông nghiệp về sau, giải quyết vấn đề khó khăn nhất hiện nay của Công ty… Hướng tới thị trường cao cấp và khó tính, Fargreen cũng đang tìm kiếm thêm hợp tác nghiên cứu để có thể tự động hóa nhiều hơn, nhằm tăng năng suất các khâu ở nhà máy trước khi nấm đến với nông dân.

Khánh Trang (ngồi thứ hai từ trái) tại diễn đàn về an ninh lương thực và  biến đổi khí hậu năm 2015, được tổ chức bởi tổ chức Nông lương thế giới (FAO)

Khánh Trang (ngồi thứ hai từ trái) tại diễn đàn về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu năm 2015, được tổ chức bởi tổ chức Nông lương thế giới (FAO)

Hiện nay, sản phẩm của Fargreen có giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường 10 - 20%. Trang cho biết, nếu Fargreen không đảm bảo trả công xứng đáng cho nông dân, cho các trường đại học để họ có thể tiếp tục nghiên cứu giúp Fargreen phát triển hơn, thì Công ty không thể có sản phẩm tốt được. Vì vậy, thay vì hạ giá sản phẩm, mở thị trường ra đại trà, Fargreen đi theo hướng giúp được cho nhiều người có thu nhập tốt hơn, để họ có thể mua được sản phẩm của mình.

Đảo ngược vấn đề, để bước xa

Trước khi có Fargreen, Trang từng có năm năm làm việc tại các tổ chức phi chính phủ (NGO), đi nhiều nơi ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Mối quan hệ giữa người bản xứ với NGO là kiểu của người được hưởng lợi và người đi làm vấn đề phát triển. Nhưng Trang tâm sự, cô luôn nung nấu ý nghĩ muốn đảo ngược quan hệ đó. Tại sao có những tổ chức nước ngoài nhìn thấy vấn đề của mình, còn mình là người Việt Nam lại không thể tự nhìn ra và tìm cách giải quyết?

Năm 2012, khi biết đến loại hình doanh nghiệp xã hội, khái niệm này vẫn còn khá mới trên thế giới, Trang đã tìm học bổng để đi học. Cô bảo, NGO hoạt động dựa vào các nguồn tài trợ, khi nguồn này hết, dự án cũng bị đóng cửa. Vì vậy, dự án không được bền lâu do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cảm hứng của nhà tài trợ. Nhưng nếu làm doanh nghiệp, tức mình tự tạo ra các giá trị, có thu nhập và nuôi sống được bản thân, thì mình có thể thực hiện được ước mơ mãi mãi. “Đối với tôi, đó là một giải pháp bền vững hơn khi muốn làm về các vấn đề phát triển”, Trang nói.

Thực tế hiện nay, có rất ít mô hình làm việc với nông dân thành công trong thời gian dài, do vấn đề về truyền đạt công nghệ. Vì vậy Trang cho biết, cô không nghĩ sẽ chuyển giao công nghệ cho từng hộ nông dân, mà muốn khuyến khích những công ty start-up do nông dân lập ra, để họ có thể quản lý mạng lưới của họ. Fargreen sẽ nhượng quyền mô hình, và họ sẽ là một trong những vệ tinh phát triển của Fargreen.

Fargreen đặt mục tiêu hòa vốn sau năm 2019. Tới năm 2022, Công ty sẽ bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm; đồng thời mở rộng mạng lưới sản xuất vệ tinh gồm 1.000 nông dân tham gia, và xử lý ít nhất 1.000 tấn rơm rạ sau thu hoạch mỗi năm. Đây cũng là cam kết của Fargreen khi gia nhập liên minh Business Call to Action (một sáng kiến toàn cầu được tổ chức bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, nhằm hỗ trợ lĩnh vực tư nhân chống lại đói nghèo bằng các giải pháp kinh tế). 

Khánh Trang thảo luận cùng quản lý mạng lưới hộ dân tại vườn rau

Khánh Trang thảo luận cùng quản lý mạng lưới hộ dân tại vườn rau

Chia sẻ lý do mạng lưới các hộ dân của Fargreen hiện mới ở con số khiêm tốn, Trang cho biết: đây là chiến lược chủ đích, bởi Fargreen không phải là một tổ chức nhân đạo bảo vệ môi trường, mà là một doanh nghiệp xã hội. Việc tự kiến tạo giá trị và sống sót bằng chính đôi chân của mình, hay việc xây dựng một doanh nghiệp đúng nghĩa sẽ giúp công việc của nhóm được tồn tại dài lâu, cùng với những tác động tích cực lên xã hội và môi trường bền vững.

“Fargreen đang trong những năm đầu non trẻ của một start-up, việc tập trung không nằm ở phát triển nóng theo chiều rộng, mà là chiều sâu: xây dựng thành công mô hình nhỏ, đẹp và có khả năng mở rộng cao, đồng thời kiến tạo một thương hiệu có tầm ảnh hưởng. Khi đã thành công ở những mục tiêu “nhỏ” này, việc mở rộng theo chiều rộng không phải là vấn đề vượt quá tầm với”, Khánh Trang nói. 

Dự định năm 2021, Fargreen sẽ nhân rộng mô hình khép kín của mình sang các nước lân cận như Thái Lan, Philippines và Ấn Độ. Trang bảo, các nước bạn cũng đang trăn trở về những vấn đề tương tự. Vậy tại sao khi mình đã tìm ra một giải pháp tại vùng này, mà không cùng nhau kết hợp và nhân rộng nó ở những vùng khác? Vì một Trái đất an lành… 

Lê Quỳnh

Theo nguoidothi