Siêu thị, cửa hàng hiện đại “về quê”
Mô hình bán lẻ hiện đại về tỉnh mang đến cho người dân nhiều lựa chọn và làm nên cuộc cách mạng mua sắm
Ngày càng nhiều siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại và cả cửa hàng tiện lợi "đổ" về các tỉnh để khai thác thị phần còn để mở tại những địa bàn này.
Sức hút từ những thị trường mới
Khi thị trường bán lẻ tại các thành thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đã gần như bão hòa với sự tham gia dày đặc của cả doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội địa lẫn nước ngoài, các nhà bán lẻ buộc phải mở rộng phạm vi hoạt động để mở rộng độ phủ và khai thác tiềm năng, lợi thế của những vùng đất mới.
Nhanh chân nhất có thể kể đến các nhà bán lẻ nội địa và Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op là điển hình. Trong năm 2018, ngoài rất nhiều cửa hàng Co.op Food, cửa hàng Cheers được mở mới ở nội, ngoại thành TP HCM, có đến 15 siêu thị Co.opmart khai trương đi vào hoạt động tại các tỉnh, trải dài từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, từ nay đến hết tháng 12-2018, có đến 8 siêu thị Co.opmart được khai trương. Trong đó có 2 siêu thị ở Tây Ninh gồm Co.opmart Phước Đông và Co.opmart Châu Thành. Ngoài ra là các Co.opmart ở Trà Vinh, Cần Thơ, Đắk Lắk, Long An, Đà Nẵng, Bình Phước.
Tính đến nay, tổng số siêu thị Saigon Co.op sở hữu đã vượt qua con số 100. Trong đó, số siêu thị ở tỉnh chiếm số lượng không nhỏ. Việc chủ động phát triển hệ thống siêu thị Co.opmart đến các tỉnh/thành được Saigon Co.op thực hiện từ khá sớm, đến nay đã vượt con số 60, phân bổ trên cả 3 miền. Cùng với đó, Saigon Co.op đang đẩy mạnh việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Food tại một số tỉnh/thành. Sau khi đã có mặt tại trung tâm tỉnh/thành phố loại 2, thời gian gần đây thương hiệu "Bạn của mọi nhà" bắt đầu tiến dần ra tuyến huyện.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op đang phát triển mạng lưới trên diện rộng và tiến về tuyến huyện để lấp đầy những khu vực chưa có mô hình bán lẻ hiện đại và người tiêu dùng đang có nhu cầu lớn. "Mạng lưới Co.opmart đã "phủ" ở trung tâm tại tỉnh/thành, giờ tập trung đi về các khu vực lân cận. Các tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp... đều đã có 4-5 Co.opmart trú đóng" - ông Huy cho biết.
Cũng theo ông Huy, đời sống người dân các tỉnh đã cải thiện đáng kể trong vòng 10 năm nay. Người tiêu dùng tuyến huyện có nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại siêu thị, cửa hàng hiện đại. Chẳng hạn trước đây, người dân các huyện vùng xa của Tây Ninh muốn mua sắm ở Co.opmart Tây Ninh phải đi khoảng 50-70 km mới tới nơi thì nay Co.opmart đã có mặt ngay tại địa bàn, rất thuận tiện. Người dân "vùng sâu, vùng xa" thuộc các tỉnh bắt đầu quen dần với hình thức mua sắm hiện đại nên lui tới siêu thị thường xuyên hơn.
Kết nối tiêu thụ nông sản địa phương
Sự có mặt của các nhà bán lẻ hiện đại siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại lớn không chỉ mang lại những trải nghiệm mới lạ, đa dạng cho người tiêu dùng mà còn góp phần tích cực vào việc tiêu thụ sản phẩm địa phương. Thông thường, cùng với cam kết đầu tư, các nhà bán lẻ sẽ phối hợp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, đặc biệt là nông sản và đặc sản vùng miền. Chẳng hạn, các Co.opmart ở Vĩnh Long sẽ hợp tác với các DN, HTX sản xuất tại Vĩnh Long để thu mua trái cây, đặc sản làng nghề đưa vào Co.opmart Vĩnh Long và một số siêu thị khác trong hệ thống. Tương tự, các siêu thị ở Bến Tre, Tây Ninh, Việt Trì (Phú Thọ) cũng kết nối bổ sung lượng lớn đặc sản địa phương, làm phong phú thêm danh mục hàng thuần Việt tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op.
Sự có mặt của bán lẻ hiện đại đã góp phần tích cực vào việc quảng bá và cung ứng rộng rãi các mặt hàng địa phương đến người tiêu dùng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh cho DN địa phương.
Đất "vàng" cho bán lẻ hiện đại
Theo tính toán của các công ty nghiên cứu thị trường, giai đoạn 2018-2021 được xem là thời điểm "vàng" để thị trường bán lẻ tăng trưởng, đáp ứng sự phát triển mạnh của nhu cầu về giải trí (với mức tăng khoảng 10%), tạp hóa hiện đại (tăng khoảng 9% hằng năm) và thời trang (tăng 6%). Ở nông thôn, kênh bán hàng hiện đại đang thu hút người tiêu dùng mua sắm. Với dân số hơn 61 triệu dân, chiếm 64,5% tổng dân số cả nước, nông thôn là mảnh đất màu mỡ của ngành bán lẻ. Nhà bán lẻ trong nước có lợi thế lớn về thương hiệu, được người dân địa phương các tỉnh/thành tin tưởng thương hiệu lẫn nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả, chính sách bảo hành, hậu mãi... mà họ kinh doanh.
3 ngày, khai trương 3 Co.opmart tỉnh
Chỉ trong 3 ngày, 3 Co.opmart mới sẽ liên tiếp phủ sóng tại những huyện, thị trấn, thị xã mà trước đó đã có siêu thị Co.opmart hiện diện tại trung tâm tỉnh. Cụ thể: ngày 29-11 khai trương Co.opmart Phan Rí Cửa tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; ngày 30-11 khai trương Co.opmart Cần Giuộc tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; ngày 1-12 khai trương Co.opmart Buôn Hồ tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Nhân dịp khai trương, các siêu thị này đều tổ chức những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, rút thăm những phần thưởng giá trị cao như xe Honda, tủ lạnh, tivi...
Minh Nhi
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội