Siết đầu tư trái phiếu giấu nợ xấu
Đầu tư trái phiếu là một hoạt động bình thường giúp các ngân hàng thương mại kiếm thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, việc tăng đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản làm nảy sinh nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ giấu nợ xấu và làm sai lệch tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra văn bản siết hoạt động này của các ngân hàng thương mại.
Bất động sản chiếm 30% trái phiếu
Trong khoảng 2 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bỗng trở nên sôi động. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng gần 3 lần trong 4 năm qua. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), các doanh nghiệp đã phát hành gần 60.000 tỷ đồng trái phiếu.
Sau lĩnh vực ngân hàng, nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 25-30% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm. Dù đứng thứ hai nhưng nhóm ngành này đưa ra lãi suất trái phiếu thuộc dạng cao nhất, khoảng 9-14%/năm.
Có thể thấy, một số ngân hàng có công ty con là công ty chứng khoán sẽ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nhiều nhất. Điển hình như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)...
Sở dĩ loại trái phiếu này sội động trong thời gian qua vì nhiều lý do. Ngoài việc có lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng, chủ yếu do nguồn vốn dành cho lĩnh vực bất động sản đang bị siết lại. NHNN cũng đang lấy ý kiến dự thảo thay thế Thông tư 36, trong đó có nội dung siết thêm vốn cho vay đối với lĩnh vực này.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo văn bản số 6128/NHNN-TTGSNH của NHNN, một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. Đặc biệt, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc. Cơ quan này cũng lưu ý chuyện mua trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp đảo nợ, gây rủi ro mất an toàn hệ thống vì khả năng giấu bớt nợ xấu.
Bên cạnh việc cảnh báo các ngân hàng thương mại về hoạt động đầu tư trái phiếu trên, NHNN yêu cầu các ngân hàng rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư lớn, giới hạn cấp tín dụng đối với một số khách hàng và người có liên quan. NHNN cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Rủi ro giấu nợ xấu và sai lệch tăng trưởng tín dụng thực
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc khuyến cáo của NHNN qua văn bản 6128 là đúng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản có vốn mỏng, công nợ nhiều, rủi ro vỡ nợ vì thế rất lớn. Bản chất trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng là công nợ, mua trái phiếu đồng nghĩa mua công nợ của họ. Vì thế, trái phiếu này khá rủi ro.
Cho vay trực tiếp hay mua trái phiếu cũng được xem là dư nợ tín dụng. Nếu ngân hàng mua trái phiếu và hạch toán thành khoản đầu tư, một phần khoản cho vay bất động sản được giấu dưới hình thức đầu tư. “Điều này vi phạm nguyên tắc kế toán và làm ‘nhiễu’ room tăng trưởng tín dụng hàng năm được NHNN cấp phép cho các ngân hàng thương mại” - TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Theo thông lệ quốc tế, dư nợ cho vay mỗi lĩnh vực (sản xuất, nông nghiệp, bất động sản...) không quá 10% tổng dư nợ cho vay của một ngân hàng. Tại Việt Nam, các ngân hàng thường không hạch toán khoản cho vay tiêu dùng liên quan bất động sản (như mua nhà, sửa nhà...) vào dư nợ cho vay bất động sản. Do đó, dư nợ cho vay mảng bất động sản ở một số ngân hàng chỉ mới đạt 7-8% tổng dư nợ. Nếu hạch toán đủ, con số này có thể ở mức 10% hoặc cao hơn. Đây cũng có thể là lý do mà NHNN thấy rõ được và ra văn bản cảnh báo.
Còn TS. Bùi Quang Tín thì cho rằng, ngoài lý do trên, có vẻ NHNN lo rằng việc mua trái phiếu này là một hình thức giúp doanh nghiệp đảo nợ, che giấu các khoản nợ xấu. Bởi việc ngân hàng mua trái phiếu cũng là một hình thức cấp tín dụng cho doanh nghiệp. “Việc mua trái phiếu để cấp tín dụng cho doanh nghiệp dễ hơn các quy trình cấp tín dụng thông thường, do đó dễ phát sinh nợ xấu và được che giấu dưới khoản đầu tư của ngân hàng” - TS. Bùi Quang Tín nhận xét.
Khi ra văn bản, chắc hẳn NHNN đã thấy được các dấu hiệu bất thường, dù ở hình thức đầu tư trực tiếp, qua công ty con hay liên kết với các công ty khác. Vì vậy, các ngân hàng thương mại dù đã đạt một số chỉ tiêu an toàn (như Basel II) cũng không nên đầu tư thêm trái phiếu bất động sản. “Cảnh báo này cũng là lời nhắc nhở về khả năng vi phạm hoạt động cho vay đã nêu trong Thông tư 39 trước đây, buộc các ngân hàng phải chủ động chấn chỉnh” - TS. Bùi Quang Tín kết luận.
HOÀNG YẾN
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường