Sau khi hợp tác với Thaco, HAG đã bớt khó

Chủ nhật, 07/04/2019, 10:31 AM

Việc hợp tác với Thaco kể từ thỏa thuận ký ngày 8-8-2018 đang giúp Hoàng Anh Gia Lai dần giải quyết chứ chưa thể hoàn toàn thoát khỏi những khó khăn về nợ.

Đầu tư vào dự án trồng cây ăn trái hiện đang đem lại nguồn thu nhập chính cho HAGL.

Đầu tư vào dự án trồng cây ăn trái hiện đang đem lại nguồn thu nhập chính cho HAGL.

Doanh thu khởi sắc

Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) mới đây đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2018 đã qua kiểm toán. Điểm nổi bật là lợi nhuận sau thuế của tập đoàn tăng nhẹ so với mức của báo cáo tự lập trước đó.

Cụ thể, doanh thu của HAG năm 2018 đạt 5.388 tỉ đồng, tăng hơn 11% so với thực hiện năm 2017, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 2.374 tỉ đồng, tăng 37%. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí lãi vay chưa giảm nhiều, ghi nhận đến 1.533 tỉ đồng (tương đương mỗi ngày phải trả hơn 4 tỉ đồng). Chi phí chuyển đổi vườn cây và khoản khác đã khiến tập đoàn lỗ hơn 893 tỉ đồng trong năm vừa qua (năm 2017 lỗ khác chỉ hơn 399 tỉ đồng). Kết quả là lợi nhuận sau thuế hợp nhất còn 6,2 tỉ đồng (tăng nhẹ so với tự lập), giảm mạnh so với mức 371,6 tỉ đồng năm ngoái. Đặc biệt, BCTC kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 117,5 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số tự lập là 52,5 tỉ đồng. Xác định trái cây sẽ là mảng chủ lực thời gian tới, tính đến cuối năm 2018 mảng này ghi nhận tỷ trọng doanh thu lớn nhất cho tập đoàn với hơn 2.897 tỉ đồng, tương đương hơn 50% tổng doanh thu của tập đoàn. 

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận đang dần có sự tăng trưởng tích cực trở lại nhưng nỗi lo lớn nhất của nhà đầu tư đối với HAG nằm ở gánh nặng nợ. Thậm chí, yếu tố này còn khiến kiểm toán liên tục nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAG.

Tính đến ngày 31-12-2018, HAG còn lỗ lũy kế hơn 36 tỉ đồng và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Đồng thời, theo ý kiến của kiểm toán, tập đoàn này năm qua cũng vi phạm một số điều khoản của khoản vay và trái phiếu (thiếu tài sản đảm bảo liên quan đến cao su, cọ, bò...). Tính đến ngày 31-12-2018, diện tích trồng cây cao su thực tế tại các công ty con của HAG là 44.497 héc ta, nhỏ hơn 70.643 héc đã đăng ký trong hợp đồng đặt mua trái phiếu 1.394 tỉ đồng với trái chủ là VPBank. Ngoài ra, hệ số thanh toán hiện hành của HAG cũng nhỏ hơn 1, vi phạm quy định đặt mua trong hợp đồng trái phiếu 300 tỉ đồng với trái chủ là CTCP Việt Golden Farm là hệ số này phải lớn hơn 1.

Nợ chưa giảm nhiều

Vào cuối năm 2018, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của HAG là gần 21.800 tỉ đồng, giảm khoảng 1.000 tỉ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, áp lực nợ tại HAG đang lớn hơn khi nợ vay ngắn hạn hiện tăng lên con số 7.000 tỉ đồng dù nợ dài hạn giảm hơn 5.000 tỉ đồng, xuống còn 14.800 tỉ đồng. Việc dịch chuyển cơ cấu nợ từ nợ dài hạn sang ngắn hạn chủ yếu là do sự gia tăng mạnh từ các khoản trái phiếu chuyển đổi cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Agrico (ghi nhận 2.218 tỉ đồng) được Thaco mua lại và các khoản vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả.

Hiện HAG đang vay ngắn hạn ngân hàng gần 913 tỉ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, trong đó vay TPBank 600 tỉ đồng, vay Ngân hàng liên doanh Lào - Việt 207 tỉ đồng. Các khoản vay này chịu lãi suất thả nổi và được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, nhà xưởng và văn phòng, máy móc thiết bị, vườn cao su và vườn cây cọ dầu. Đồng thời, HAG cũng đang vay một số cá nhân với tổng giá trị vay ngắn hạn gần 1.427 tỉ đồng, trong đó vay Thaco 746 tỉ và vay “bầu” Đức 613 tỉ đồng. Cùng với đó, HAG cũng đang vay dài hạn cá nhân “bầu” Đức 130 tỉ đồng.

Về vay dài hạn, tổng giá trị vốn vay dài hạn ngân hàng tính đến cuối năm 2018 xấp xỉ 6.143 tỉ đồng, trong đó vay BIDV 2.522 tỉ đồng, HDBank 1.334 tỉ đồng, Ngân hàng liên doanh Lào - Việt 1.031 tỉ đồng, Sacombank 1.004 tỉ đồng. Các khoản vay dài hạn thông qua trái phiếu vào thời điểm 31-12-2018 tổng cộng đạt 10.938 tỉ đồng, giảm khoảng 400 tỉ đồng so với đầu năm 2018.  

Nhìn vào những kết quả nêu trên có thể thấy việc hợp tác với Thaco kể từ thỏa thuận ký ngày 8-8-2018 mới chỉ giúp HAG giải quyết được phần nào chứ chưa hoàn toàn thoát khỏi những khó khăn về nợ. Trong thỏa thuận ký hồi năm ngoái, hai bên thống nhất: Thaco sẽ đầu tư 3.800 tỉ đồng để sở hữu 35% HAGL Agrico, 4.000 tỉ đồng để sở hữu 65% HAGL Land và cam kết sẽ cơ cấu lại các khoản nợ vay khoảng 14.000 tỉ đồng. Có thêm sự hỗ trợ tài chính từ Thaco, HAG được kỳ vọng sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào dự án trồng cây ăn trái hiện đang đem lại nguồn thu nhập chính cho công ty cũng như dự án HAGL Myanmar giai đoạn 2. Tin vui gần nhất về sự hợp tác này là Thaco cam kết rót thêm vốn để xây dựng nhà máy chế biến trái cây công suất 500.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, giúp các sản phẩm của HAG có thể gia tăng hàm lượng chế biến sâu, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Về phía Thaco, việc đầu tư vào nông nghiệp và bất động sản phù hợp với định hướng phát triển của công ty, khi Thaco đang hướng tới mô hình siêu tập đoàn với nhiều ngành kinh doanh khác nhau như ô tô, logistics, bán lẻ, nông nghiệp và bất động sản... Năm 2018 doanh thu từ bất động sản ước đạt 30-35% tổng doanh thu của Thaco. Việc sở hữu 65% HAGL Land sẽ giúp Thaco mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản hơn.

Linh Trang

Theo thesaigontimes.vn