Sản phẩm của Nhật Cường bị phàn nàn
Việc Nhật Cường Mobile giữ im lặng khiến nhiều khách hàng từng mua các sản phẩm điện tử tại đây lo lắng về chính sách bảo hành, sửa chữa
Ngày 10-5, một ngày sau khi lực lượng thuộc Bộ Công an khám xét, chuỗi cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) vẫn đóng cửa im lìm. Bên cạnh đó, toàn bộ các kênh truyền thông của doanh nghiệp này như 2 website thông tin về sản phẩm, dịch vụ bán hàng, bảo hành (nhatcuong.com.vn và dienthoaididong.vn) đều không thể truy cập. Fanpage Nhật Cường Mobile có hàng trăm ngàn lượt theo dõi cũng biến mất.
"Ôm trọn" nhiều dự án
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, ngoài hệ thống cửa hàng Nhật Cường Mobile tại Hà Nội, Công ty Nhật Cường còn có một đơn vị thành viên khác là Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) cung cấp giải pháp công nghệ, phần mềm, nền tảng số. Trên hồ sơ của Tổng cục Thuế, Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software có cùng địa chỉ đăng ký tại 39-41 phố Lý Quốc Sư. Người đại diện cho cả 2 công ty này là ông Bùi Quang Huy.
Nhật Cường Software chính là doanh nghiệp cung cấp hàng loạt sản phẩm cho chính quyền điện tử của TP Hà Nội như: Cơ sở dữ liệu dân cư; phần mềm Dịch vụ công trực tuyến; phần mềm Một cửa điện tử. Trong lĩnh vực y tế có phần mềm Quản lý bệnh viện (BV) toàn diện MESO: Quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, Đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân. Giữa năm 2018, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ thí điểm phần mềm Đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân tại 5 BV: Xanh Pôn, Đức Giang, Đống Đa, Hà Đông và Thanh Nhàn và đến tháng 10-2018, sẽ triển khai đồng bộ tại các BV công lập của TP.
Theo khảo sát của chúng tôi, vào ngày 10-5, chiếc máy khảo sát được đặt tại khu vực tiếp đón bệnh nhân của BV Đa khoa Đống Đa đã ngừng hoạt động. Phía trên máy được dán dòng chữ "Xin mời đánh giá chất lượng", khi được hỏi thì một nhân viên BV cho biết máy đang gặp sự cố.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo BV Đa khoa Đống Đa cho biết máy khảo sát trên do Nhật Cường Software lắp đặt và cài phần mềm. Việc máy không hoạt động theo vị này không phải do hỏng mà là sau thời gian thí điểm, đơn vị lắp đặt đã ngừng triển khai nhưng chưa chuyển đi. Khi được hỏi về việc đánh giá sự hài lòng, vị lãnh đạo BV cho biết cũng có bệnh nhân sử dụng phần mềm để đánh giá, tuy nhiên không nói cụ thể về kết quả.
Tại BV Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), chiếc máy này cũng được đặt tại vị trí tiếp đón bệnh nhân nhưng người dân không mặn mà đánh giá vì không có hướng dẫn cụ thể, khó sử dụng. Chúng tôi khảo sát hơn 1 giờ tại đây với nhiều lượt bệnh nhân qua lại nhưng không có ai dừng ở chiếc máy để sử dụng phần mềm này.
Tháng 8-2018, phần mềm Quản lý bệnh viện toàn diện MESO cũng đã chính thức được triển khai tại BV Đa khoa Đức Giang. Một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết đơn vị chỉ mới triển khai thí điểm phần mềm Đánh giá sự hài lòng của người bệnh tại một số BV ở TP Hà Nội, chưa triển khai đồng bộ tại tất cả các BV của TP như kế hoạch ban đầu do vướng một số vấn đề về tài chính, phương án.
Thường xuyên bị trục trặc
Trong lĩnh vực giáo dục tại Hà Nội, Nhật Cường Software cung cấp phần mềm Quản lý giáo dục EDO gồm nhiều phân hệ quản lý. Trong đó, doanh nghiệp này quảng bá sản phẩm Sổ liên lạc điện tử (PINO), được xem là đột phá để kết nối giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đánh giá phần mềm này khó sử dụng, ít thông tin và thường xuyên gặp trục trặc.
Chị Bích Hà (ở Hà Nội), có con học tiểu học, cho biết ban đầu nhà trường cũng phổ biến về Sổ liên lạc điện tử PINO bằng cách tải ứng dụng về điện thoại hoặc truy cập trang web, tuy nhiên, phần mềm này khó sử dụng. "Nhiều lúc tôi gõ đúng mã số học sinh, đúng mật khẩu nhưng không đăng nhập được. Ngoài ra, thông tin tại đây cũng nghèo nàn nên tôi thường hỏi thẳng cô giáo các thông tin học tập của con mình" - chị Hà nói. Bên cạnh đó, việc cập nhật các thông tin như: kết quả học tập, điểm thi, điểm danh chưa được kịp thời, hay các sự cố nghẽn mạng, đăng nhập khiến nhiều phụ huynh không hài lòng về sổ liên lạc điện tử do Nhật Cường Software xây dựng và phát triển.
Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này cũng chưa đưa ra bất cứ thông báo nào về sự việc Bộ Công an khám xét, thu giữ một số tài liệu tại chuỗi cửa hàng ở Hà Nội. Việc Nhật Cường Mobile giữ im lặng đang khiến nhiều khách hàng từng mua các sản phẩm điện tử tại đây lo lắng về chính sách bảo hành, sửa chữa. Hiện các đầu số đường dây nóng, tổng đài bán hàng và chăm sóc khách hàng (19001234), sửa chữa và bảo hành (19006688), góp ý và khiếu nại (18006009) của Nhật Cường Mobile đều bị ngắt kết nối.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được lựa chọn để thực hiện lắp đặt hệ thống camera an ninh tại 2 phường thuộc quận Long Biên (Hà Nội) với số tiền khoảng hơn 1 tỉ đồng theo hình thức chỉ định thầu.
Nhật Cường phải chịu trách nhiệm dân sự
Về vấn đề bảo hành sản phẩm, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết Nhật Cường Mobile vẫn phải cử người đại diện pháp luật để điều hành doanh nghiệp hoạt động, chịu trách nhiệm dân sự với khách hàng, đối tác cũng như thực hiện các hợp đồng với đối tác. Theo ông Hòe, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (doanh nghiệp). Tuy nhiên trước khi có phán quyết của tòa án, doanh nghiệp Nhật Cường phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dân sự nêu trên.
M.Chiến
Minh Chiến - Ngọc Dung
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm