Sai phạm trong đấu thầu tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM: Lùng bùng, chưa thấy hồi kết
Sau 2 văn bản chỉ đạo của của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, việc xử lý vi phạm trong công tác đấu thầu hệ thống xạ trị Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn lùng bùng, chưa thấy hồi kết.
Đùn đẩy “quả bóng” trách nhiệm
Với mục tiêu mua sắm, lắp đặt 2 hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến tính tiên tiến và các thiết bị phụ trợ, với giá dự toán là 240 tỷ đồng, gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh thuộc Dự án Đầu tư trang thiết bị y tế cho khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật về đấu thầu.
Những vi phạm đó đã được chỉ rõ tại Văn bản số 10854/VPCP - V.I chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Báo cáo số 448/BKHĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Báo cáo số 135/BYT-KHTC của Bộ Y tế và Văn bản số 1356/QLĐT-CS của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Cần nhắc lại rằng, điểm 3, Điều 17, Luật Đấu thầu quy định, phải hủy thầu khi hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
Trước đó, nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư y tế Việt Mỹ đã tố bên mời thầu “đẽo chân vừa giày” thông qua việc sửa hồ sơ mời thầu. Nhà thầu Việt Mỹ phản ứng mạnh mẽ khi Bệnh viện Ung bướu lần lượt gia hạn, điều chỉnh hồ sơ mời thầu tới 5 lần, trong đó lần điều chỉnh ngày 15/3/2017 theo Quyết định 523/QĐ-BVUB, hồ sơ mời thầu được điều chỉnh 2 nội dung chính yếu.
Thứ nhất, hồ sơ mời thầu điều chỉnh tiêu chí số lượng hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị, nhưng giữ nguyên giá trị của hợp đồng khiến cho quy mô của gói thầu trong hồ sơ kinh nghiệm bị giảm tới 1/2. Thứ hai, tiêu chí “nhà thầu phải thực hiện toàn bộ, hoặc phần lớn” được thay bằng “nhà thầu đã hoặc đang thực hiện”.
Về tiêu chí kỹ thuật, sau khi Bệnh viện Ung bướu điều chỉnh một số tiêu chí quan trọng, thì có tiêu chí quan trọng lại bị áp điểm đánh giá thấp và có tới 6 tiêu chí quan trọng đã bị “quên” không đưa vào thang chấm điểm. Ngoài ra, chủ đầu tư đã hạ chuẩn một số tiêu chí để nhiều nhà thầu có thể đáp ứng yêu cầu.
Hồ sơ mời thầu gói thầu này bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là “không phù hợp với quy định của pháp luật” vì tiêu chí về hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự không phải là hợp đồng cung cấp hàng hóa có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng hàng hóa của gói thầu đang xét, không đáp ứng yêu cầu về quy mô, không phải là hợp đồng hoàn thành phần lớn hướng dẫn tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đáng ngại nhất là sai phạm nghiêm trọng trong khâu đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả đấu thầu, bên mời thầu đã “lỏng tay” để lọt nhà thầu thắng thầu Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D không đáp ứng về năng lực kinh nghiệm bởi hợp đồng tương tự do nhà thầu này đề xuất trong hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu.
Cụ thể, tại Văn bản số 1356/QLĐT-CS, Cục Quản lý đấu thầu nêu ý kiến liên quan đến việc xác nhận hoàn thành phần lớn khối lượng thực hiện của gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị thuộc Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM của nhà thầu T.D. Theo đó, phạm vi cung cấp của gói thầu này bao gồm cả việc cung cấp, lắp đặt chạy thử thiết bị và tại phần điều kiện cụ thể của hợp đồng quy định khi hàng hóa, thiết bị theo hợp đồng được nhà thầu vận chuyển đến địa điểm lắp đặt và được tư vấn giám sát nghiệm thu, được chủ đầu tư tổ chức kiểm tra, xác nhận, khi đó chủ đầu tư sẽ thanh toán cho nhà thầu 80% giá trị phần thiết bị được xác nhận. Tuy nhiên, trước thời điểm đóng thầu gói thầu trên của Bệnh viện Ung bướu, Công ty T.D chưa được bên tư vấn giám sát nghiệm thu, chưa được chủ đầu tư của gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị tại Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng kiểm tra, xác nhận.
Về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, giá trị hợp đồng lớn nhất của nhà thầu T.D thấp hơn quy định tới hơn 30% và nhà thầu T.D chưa từng cung cấp loại thiết bị theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Từ những kết luận trên, có thể thấy, những vi phạm nêu trên là rất rõ ràng và hướng xử lý cũng quy định rành mạch, nhưng sau gần 10 tháng kể từ ngày vụ việc bị phát hiện, các đơn vị liên quan vẫn tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm giải quyết.
Khó sửa sai, nhiều hệ lụy
Bất luận phương án sửa chữa sai phạm đấu thầu tại bệnh viện Ung bướu thế nào, thì vẫn phải đảm bảo tính thượng tôn pháp luật và không thể xí xoá vi phạm theo kiểu “sự đã rồi”.
Như Báo Đầu tư đã từng phản ánh, bên khiếu nại cứ khiếu nại, cơ quan quản lý cứ ban hành văn bản chỉ đạo, còn chủ đầu tư thì điềm nhiên tiến hành thương thảo và ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Trong khi đó, Công ty T.D cũng vì thế mà… điềm nhiên tiến hành lắp đặt các loại thiết bị, máy móc. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, căn chỉnh thế nào để câu chuyện “sự đã rồi” tại gói thầu này trở lại đúng hành lang pháp luật quy định?
Điều 123, Chương XIII, Nghị định 63/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định về xử lý vi phạm, kiểm tra, giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu: “Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được áp dụng khi có bằng chứng cho thấy tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hoặc làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; Biện pháp đình chỉ được áp dụng để khắc phục ngay vi phạm đã xảy ra và được thực hiện đến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đến trước khi ký kết hợp đồng; trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng sau khi ký kết hợp đồng; Biện pháp tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu do người có thẩm quyền quyết định khi phát hiện các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan”.
Như vậy, câu chuyện đấu thầu hệ thống hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh Bệnh viện Ung bướu chỉ có thể là “tuyên bố cuộc thầu vô hiệu”.
Cùng với quy định trên, Điều 124, Luật Đấu thầu cũng quy định “tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan”. Đây có thể là lý do khiến cho, dù vi phạm đã rõ, nhưng ý chí của các bên liên quan chưa quyết đoán để có giải pháp thấu đáo.
Nếu áp dụng biện pháp vô hiệu cuộc thầu, việc lượng định thiệt hại của các nhà thầu là không hề dễ. Thiệt hại từ vi phạm gây ra cho nhà thầu T.D rất nặng nề, vì hợp đồng đã được ký, hệ thống máy xạ trị gia tốc có giá trị hơn 200 tỷ đồng đã được nhà thầu này nhập khẩu và lắp đặt. Ngoài ra, những thiệt hại về công sức, thời gian và cơ hội kinh doanh của các nhà thầu, về hiệu quả đồng vốn đầu tư công của Nhà nước… cũng là những câu hỏi khó tìm ra câu trả lời.
Không những vậy, những chậm trễ khi xử lý vi phạm của chủ đầu tư và cách tiếp cận vấn đề của cơ quan có thẩm quyền TP.HCM khiến lòng tin của giới nhà thầu về một môi trường đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh sẽ bị xói mòn.
Ngọc Tuấn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội