Răng vẩu và “bóng ma ngực lép”
Một nha sĩ sáng nay vừa nói với tôi, rằng ông không nhìn thấy bất cứ mối liên quan nào giữa những chiếc răng vẩu và điều kiện sức khỏe.
“Quy định răng vẩu không được lái tàu cứ như thể chuyện tiếu lâm vậy. Mà để sáng tác ra được chuyện tiếu lâm này thì tác giả hoặc phải rất duy mỹ, hoặc não bộ xếp không đều”.
Dự thảo thông tư của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn nhân viên làm việc trong ngành đường sắt ngay lập tức gây bão dư luận.
Và lý do là đây: Với lái tàu, phụ lái tàu, tiêu chuẩn tuyển của nam giới phải cao từ 1,64m trở lên, cân nặng từ 52kg, vòng ngực trung bình từ 80cm, lực bóp tay thuận từ 37kg. Tương tự, nữ là cao từ 1,58m, cân nặng từ 47kg, vòng ngực trung bình từ 75cm.
Trong phụ lục về tiêu chuẩn chức năng sinh lý, bệnh tật, các trường hợp bị lác, dị dạng vành tai, viêm mũi mạn tính, viêm mũi dị ứng, nói lắp, răng vẩu, răng sâu men, ngà trên 3 cái, khớp cắn di lệch, cắt một thận, bệnh tâm thần phân liệt, bệnh giun chỉ, viêm dạ dày, trĩ... đều không đủ điều kiện tuyển.
Đặc biệt, với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục, nếu nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... được xếp vào không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.
Vậy là “bóng ma ngực lép” năm nào lại trở về.
Cũng phải thông cảm cho những nhà làm luật. Họ phải rào đón tình huống. Họ phải lường trước. Họ phải nhìn thấy xa hơn... Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu một thuyền viên đau ruột thừa giữa biển, sẽ không thể tưởng tượng nổi nếu một phi công có tiền sử về thần kinh...
Nhưng còn giun chỉ, còn nói lắp, còn răng vẩu?
Nói cho công bằng, răng thực hiện chức năng nhai xé. Và những người có hàm răng không đều nhau có thể bất lợi về cân bằng lực khi thực hiện chức năng này. Nhưng đây hoàn toàn không phải là bệnh tật, không có bất cứ nghiên cứu nào cho thấy nó chi phối sức khỏe mà chỉ là vấn đề thẩm mỹ. Một tiếp viên hàng không có thể kỳ cục với hàm răng không đều, nhưng đặt nó làm tiêu chuẩn sức khỏe, nhất là cho nghề như lái tàu, lái xe thì rõ ràng đó là một đề xuất thiếu cơ sở khoa học, nếu như không nói là miệt thị, phân biệt như cách dân gian hay quá đà “ăn đu đủ không cần thìa”.
Hơn cả, trong bảng liệt kê phía trên, rất nhiều là tình trạng bệnh lý mang tính thời điểm (chứ không phải là mãn tính), rất nhiều là khiếm khuyết cơ thể không hề ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý cần và đủ cho một công việc ở ngành đường sắt.
Và trên hết, luật không thể tước đoạt quyền lao động chính đáng nhân danh các khiếm khuyết.
Anh Đào
-
Con trai dùng điện thoại của mẹ chuyển khoản 200 triệu đồng để... mua đồ chơi
-
"Ngôi sao" phòng vé ít ai ngờ
-
Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1 nói gì về những phát ngôn của "giáo viên xin laptop bất thành"?
-
Lộ diện "Chị đẹp" 2024
-
Từ vụ cựu Á hậu Quế Vân thừa nhận mua giải: Có thể xử lý?
-
Từ vụ TikToker tố bị chủ quán phở miệt thị: Cảnh báo văn hóa ứng xử cõi mạng