Rà soát các nguồn thu còn dư địa để bù hụt thu ngân sách

Thứ sáu, 14/08/2020, 16:39 PM

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Tổng cục Thuế đang đưa ra các giải pháp gấp rút, đặc biệt rà soát lại các nguồn thu còn dư địa như: Thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng Internet… để bù đắp khoản hụt thu.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu. Ảnh: Công Thử/TTXVN.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu. Ảnh: Công Thử/TTXVN.

Nhằm nuôi dưỡng nguồn thu cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi COVID-19, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. 

Các cơ quan thuế đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế, từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục. Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật.

“Tổng cục Thuế sẽ triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Tập trung thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế, hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước”, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế công Huy nói.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị, các cục thuế thực hiện rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu do dịch COVID-19 gây ra như: Thu từ đất, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, Internet.

Tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra... phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng Internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Tổng cục Thuế yêu cầu tiếp tục duy trì Tổ thường trực đánh giá tác động của dịch COVID-19, tại cơ quan thuế các cấp. Tổng cục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp theo dõi sát sao tình hình sức khỏe doanh nghiệp, người nộp thuế, đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham mưu kịp thời các giải pháp hỗ trợ, giúp người nộp thuế sớm vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn.

Trước đó, báo cáo nhanh của Tổng cục Thuế cho biết: Thu ngân sách 7 tháng năm 2020 ước đạt 666.080 tỷ đồng, bằng 53,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 7 là tháng thứ 3 liên tiếp số thu do Tổng cục Thuế quản lý đạt thấp hơn so với cùng kỳ (5 tháng số thu đạt 499.832 tỷ đồng, bằng 39,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019; 6 tháng thu đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2019).

Theo ông Nguyễn Đức Huy, ngoài nguyên nhân dịch bệnh, còn một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách, đó là việc Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế bị ảnh hưởng của dịch bệnh.“Việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6/2020, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp sau quyết toán năm 2019 và thuế TNDN tạm nộp quý I và quý II/2020, tiền thuê đất đối với các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách trong 7 tháng đầu năm, đặc biệt từ tháng 4 đến nay”, ông Nguyễn Đức Huy nói.

Đến ngày 31/7 toàn hệ thống thuế đã thu được 16.372 tỷ đồng nợ thuế. Trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.466 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế là 4.906 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 7/2020 là 106.790 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019; tăng 23,6% so với thời điểm ngày 31/12/2019. Trong đó, nợ thuế có khả năng thu là 59.531 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019; tăng 40,8% so với thời điểm ngày 31/12/2019.

Trước tình hình nợ thuế có chiều hướng tăng, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tích cực thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, đến 31/7/2020 thu đạt 16.372 tỷ đồng, bằng 38,7% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.466 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 4.906 tỷ đồng.

Để giảm số tiền nợ thuế, cũng như xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi, Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 8 sẽ có công văn chỉ đạo các cục thuế triển khai thực hiện Thông tư số 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ. Đồng thời, tổ chức tập huấn Nghị quyết số 94/2019/QH14, Thông tư số 69/2020/TT-BTC cho cơ quan thuế, cán bộ thuế để triên khai thực hiện xử lý nợ thống nhất trong toàn ngành Thuế; đồng thời thảo luận về các nội dung sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Minh Phương

Theo baotintuc.vn