“Rã đông” thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thứ bảy, 17/06/2023, 10:30 AM

Từ nửa đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu rơi vào cảnh trầm lắng, ảnh hưởng đến nguồn vốn của các doanh nghiệp. Thực tế này đòi hỏi phải có cơ chế ổn định, để “rã đông” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cập nhật thông tin về trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Hiếu

Nhà đầu tư cập nhật thông tin về trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Hiếu

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng trong giới đầu tư khi nhiều vụ việc vi phạm bị cơ quan chức năng xử lý. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro. Từ cuối năm 2022 và sau đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn quy mô lớn gây nên áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, các thị trường trọng yếu gặp không ít khó khăn, nhất là thị trường bất động sản giảm sút nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khách quan, kết hợp với các nguồn vốn khác đều eo hẹp.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thực tế khi có sự cố, một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng pháp lý, nhiều nhà đầu tư nhận thấy rủi ro khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không được kiểm soát, dẫn đến phát hành nguồn tiền không có cơ sở. Phần lớn trái phiếu phát hành riêng lẻ, theo quy định của luật pháp thì chỉ dành cho đối tượng là những người đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Nhưng trên thực tế, phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ rằng giống như gửi ngân hàng. Khi các sai phạm của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị xử lý, nhiều khoản trái phiếu chưa đến kỳ đáo hạn, song nhà đầu tư vẫn ồ ạt rút, làm cho thị trường càng gặp khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định, thị trường trái phiếu của Việt Nam rất non trẻ; do đó, để mở ra cánh cửa giúp doanh nghiệp không rơi vào ngõ cụt, Chính phủ đã có các chính sách xử lý những yêu cầu bức xúc của thị trường này. Những quy định pháp lý mới nhất đã kịp thời giúp doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư có điều kiện, công cụ pháp lý và thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản bảo đảm trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ. Theo hướng đi này, doanh nghiệp phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với những nghĩa vụ như các cam kết của mình với nhà đầu tư. Nhà nước giám sát các doanh nghiệp, giám sát thị trường để bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Các nhà đầu tư cũng phải tôn trọng quy định của pháp luật để Nhà nước hỗ trợ và giám sát thị trường này minh bạch và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

Các văn bản pháp lý hiện hành cũng cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán với trái chủ để gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu lên tối đa hai năm. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dùng tài sản để thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu, dựa trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của nhà đầu tư, đồng thời phải bảo đảm tính pháp lý của tài sản cũng như công bố thông tin liên quan. Đây là điểm rất quan trọng nhằm hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức tín dụng đang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... Đến nay, đã có tới 9 đợt phát hành riêng lẻ diễn ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5-3-2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, chiếm hơn 97% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý đầu năm 2023. Đặc biệt, bất động sản là nhóm chiếm ưu thế về giá trị phát hành (85,55%), còn lại là các ngành: Ngân hàng, xây dựng, hàng tiêu dùng, nông nghiệp...

Theo ông Nguyễn Đức Chi, thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước bảo đảm việc đó được thực hiện. Khi đó, chúng ta có một thị trường trái phiếu thực sự phát triển ổn định, bền vững, góp phần giúp nền kinh tế phát triển hiệu quả.   

HÀ PHONG

Theo hanoimoi.com.vn

largeer