Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT: Cần có nhiều sản phẩm "made in Vietnam" để cạnh tranh với Google, Facebook
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao để cạnh tranh với Google, Facebook.
Ngày 8/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại trụ sở của Bộ tại số 18 phố Nguyễn Du, Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành cường quốc phát triển phần mềm, ngành viễn thông nằm trong top 10 quốc gia phát triển về viễn thông như những năm 2008 - 2010; top 30 thế giới về công nghệ thông tin; top 20 về an ninh thông tin, an ninh mạng; top 5 về công nghệ thiết bị viễn thông, sản xuất được vi mạch Việt Nam xuất khẩu; công nghiệp quốc phòng an ninh nằm trong top 20; công nghệ phần mềm trở thành cường quốc phần mềm, xuất khẩu phần mềm; công nghiệp nội dung số đạt gần 30% doanh thu viễn thông...
Để đạt được những mục tiêu đó, ông Hùng cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu, sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao để cạnh tranh với Google, Facebook. Đồng thời, có chính sách để đưa sản phẩm, thiết bị viễn thông "made in Vietnam" vào mạng lưới viễn thông.
"Hiện nay, doanh thu của mạng xã hội nước ngoài đoạt 370 triệu USD. Tuy nhiên, thị phần của doanh nghiệp nước ngoài như Google đạt 135 triệu USD với 35 triệu người dùng, Facebook 235 triệu USD với 60 triệu người dùng còn thị phần phần của doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ với 436 mạng xã hội trong nước. Ngay đơn vị có tên tuổi nhất như Zalo với 40 triệu người dùng thì doanh thu cũng chỉ đạt 7 triệu USD" - ông Hùng chia sẻ.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, Việt Nam cần có hệ sinh thái số bao gồm: Mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus. Trong đó, trọng tâm là mạng xã hội Việt Nam và công cụ tìm kiếm.
Việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam sẽ huy động chủ yếu là các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp. Không nhất thiết là doanh nghiệp nhà nước, nhưng phải là doanh nghiệp Việt Nam. Bộ sẽ đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam, tạo điều kiện phát triển giai đoạn đầu. Mục tiêu là đến năm 2022 phấn đấu bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (khoảng 60 triệu tài khoản).
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT thông tin thêm, nếu không có hệ sinh thái nội dung số Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam, chúng ta không có sức mạnh đàm phán với Facebook, Google. Họ sẽ tiếp tục không tuân thủ pháp luật Việt Nam trong khi chúng ta lại không dám cắt dịch vụ.
Ngoài ra, Bộ TT&TT kính đề nghị Thủ tướng giao Bộ TT&TT xây dựng chiến lược phát triển Công nghệ AI quốc gia, công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0; cho phép Bộ TT&TT nghiên cứu đề xuất việc Việt Nam trở thành đối tác quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF về Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ TT&TT kính đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ TT&TT đầu tư xây dựng một số phòng Lab, Trung tâm sáng tạo 4.0, phục vụ cho cộng đồng startup đặt tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và trường cao đẳng Công nghệ thông tin Việt – Hàn; cho phép Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa chuẩn kỹ năng CNTT, 4.0 vào chương trình giáo dục, đào tạo từ cấp phổ thông đến cấp dạy nghề và đại học. Đây chính là căn bản đề Việt Nam chuyển đổi số, phát triển 4.0 thành công.
Tùng Lâm
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam