Quản lý Grab vẫn “ông nói gà, bà nói vịt”
TP - Dù Uber, Grab vào Việt Nam hoạt động là thí điểm, nhưng thời gian loại hình này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới taxi truyền thống, khách hàng, quyền lợi lái xe (không được đóng bảo hiểm xã hội).
Sáng 13/7, Bộ GTVT tiếp tục họp bàn về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ðây có thể là phiên họp mở rộng cuối cùng để các bên góp ý cho dự thảo liên quan tới quản lý taxi công nghệ (như Uber, Grab) trước khi Bộ GTVT chốt trình Thủ tướng vào cuối tháng này.
Grab lỗ vẫn khuyến mại khủng
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT)- đơn vị trực tiếp xây dựng Dự thảo Nghị định cho biết, dù ít ngày nữa phải trình Thủ tướng, nhưng tới nay vẫn còn 9/21 nội dung sửa đổi có ý kiến khác nhau, như: Quy định số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải; xe hợp đồng du lịch không được đón trả khách thường xuyên tại một điểm; xe hợp đồng phải gửi thông tin về Sở GTVT địa phương... Ðặc biệt, nội dung bất đồng lớn nhất là về taxi sử dụng phần mềm tính cước, gọi xe công nghệ.
Hiện có 2 xu hướng ứng dụng phần mềm đặt xe, một hình thức như Grab, Uber (đơn vị quản lý phần mềm ký hợp đồng với lái xe, định giá cước, điều xe...); một xu hướng phần mềm chỉ kết nối hành khách với hãng vận tải (như Emddi...), việc định giá cước, điều xe, quản lý do các hãng vận tải trực tiếp thực hiện.
Ðại diện các hãng vận tải, hiệp hội taxi một mực đề nghị Bộ GTVT đưa vào các quy định xác định Grab và các hãng công nghệ gọi xe là taxi. Ðồng thời, buộc các hãng này phải đóng bảo hiểm cho lái xe, đóng thuế cho nhà nước như các hãng taxi đang phải thực hiện, để đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Ông Trương Ðình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun (TPHCM) thậm chí gay gắt với việc lấy “quả núi” 4.0 (cách mạng công nghiệp) để áp lên “mô đất” taxi. Dùng lý do công nghệ để che chắn cho các hệ lụy do xe taxi điện tử thí điểm tạo ra. “Trong khi Grab báo lỗ, mỗi ngày vẫn chi hơn 2 tỷ đồng khuyến mại. Ðó rõ ràng là cách làm để chèn ép, tiêu diệt doanh nghiệp khác”, ông Quý gay gắt. Nhờ đó, Grab đã tăng số lượng xe tại TPHCM từ khoảng 4.000 xe năm 2014-2015, lên 34.000 xe vào tháng 3/2018.
Grab cũng là taxi
Về phần mình, đại diện Grab nêu quan điểm, Dự thảo Nghị định định nghĩa kinh doanh vận tải gồm cả đơn vị cung cấp phần mềm kết nối là chưa hợp lý, đi ngược xu hướng thế giới. Tương tự, ông Ðào Kiến Quốc, đại diện nhóm nghiên cứu Ðại học Quốc gia Hà Nội (đơn vị phát triển ứng dụng đặt xe Emddi) nêu quan điểm, không thể gộp chung các ứng dụng đặt xe đều là kinh doanh vận tải. Ông phân tích, ứng dụng Emddi chỉ như sàn giao dịch cho các hãng vận tải sử dụng kết nối với khách hàng, các đơn vị tự tính giá, điều xe, quản lý tài xế... Ðiều này khiến hoạt động của Emddi khác Grab, Uber, nên không thể gộp làm một. Ðại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội Thương mại điện tử... cũng đồng tình quan điểm này.
Ðại diện Bộ Tư pháp góp ý, Bộ GTVT cần bóc tách phần nào không liên quan tới ký hợp đồng lái xe, điều hành xe, quyết định giá cước... sẽ xem là công nghệ (như Emddi); nhưng nếu anh tham gia vào bất kể phần như thế sẽ thành kinh doanh vận tải (như Grab, Uber đang làm). “Chỉ có như vậy mới có giải pháp để quản lý, đảm bảo công bằng trong kinh doanh”, vị này nói. Ông cũng đề nghị các hãng taxi truyền thống tự thay đổi, không thể cứ đề xuất cấm taxi công nghệ để bảo vệ taxi truyền thống.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dù Uber, Grab vào Việt Nam hoạt động là thí điểm, nhưng thời gian loại hình này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới taxi truyền thống, khách hàng, quyền lợi lái xe (không được đóng bảo hiểm xã hội). Ranh giới giữa công nghệ và vận tải, xe hợp đồng và xe taxi rất mong manh, tạo nên các vấn đề rất bức xúc, nên nghị định mới phải điều chỉnh, để tất cả cùng phát triển.
Ông Thể ủng hộ ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, nhưng phải đảm bảo quyền lợi người dân, lái xe, an toàn giao thông và nghĩa vụ thuế với nhà nước. “Bản chất của Grab, Uber và taxi truyền thống là như nhau, đều kinh doanh vận tải, nên phải đảm bảo công bằng”, ông Thể nói.
Ông thừa nhận, thời gian qua do Uber, Grab là loại hình mới, nên quản lý có phần lỏng lẻo, nhưng nay đã nắm rõ cần giải pháp để quản lý. Uber, Grab hoạt động tại Việt Nam phải chấp hành pháp luật Việt Nam, đóng thuế cho nhà nước và có trách nhiệm với hành khách, lái xe.
Ông Thể ủng hộ ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, nhưng phải đảm bảo quyền lợi người dân, lái xe, an toàn giao thông và nghĩa vụ thuế với nhà nước. “Bản chất của Grab, Uber và taxi truyền thống là như nhau, đều kinh doanh vận tải, nên phải đảm bảo công bằng”, ông Thể nói.
Sẽ gắn phù hiệu taxi cho xe Grab
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi lại định nghĩa về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, bổ sung thêm kinh doanh các công đoạn vận tải cũng là kinh doanh vận tải, như quyết định giá cước (kể cả qua phần mềm). Với định nghĩa này, Grab đương nhiên sẽ thành vận tải taxi, do tự quyết giá cước, điều động xe. Taxi công nghệ cũng phải gắn phù hiệu “xe taxi” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe như taxi truyền thống; gắn hộp đèn (mào) chữ “taxi đện tử” cố định trên nóc xe...
LÊ HỮU VIỆT
-
Con trai dùng điện thoại của mẹ chuyển khoản 200 triệu đồng để... mua đồ chơi
-
"Ngôi sao" phòng vé ít ai ngờ
-
Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1 nói gì về những phát ngôn của "giáo viên xin laptop bất thành"?
-
Lộ diện "Chị đẹp" 2024
-
Từ vụ cựu Á hậu Quế Vân thừa nhận mua giải: Có thể xử lý?
-
Từ vụ TikToker tố bị chủ quán phở miệt thị: Cảnh báo văn hóa ứng xử cõi mạng