Phụ tùng ô tô giả, nhái tràn lan nguy cơ mất an toàn khi sử dụng
Theo ghi nhận, hiện nay thị trường phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu xuất hiện tràn lan và bày bán công khai gây ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn của người sử dụng.
Ô tô là loại phương tiện giao thông có giá trị và yêu cầu độ an toàn cao. Tại các đô thị lớn, lưu lượng tham gia giao thông của ô tô ngày càng gia tăng. Điều này cũng hình thành thói quen sử dụng, kiểm tra và thay thế phụ tùng thường xuyên của người sử dụng. Cũng chính vì nhu cầu này vấn nạn hàng giả, hàng nhái phụ tùng ô tô của một số nhà sản xuất nổi tiếng đang ở mức đáng lo ngại khi hiện nay các mặt hàng này đang được bày bán công khai không chỉ ở môi trường truyền thống mà còn tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử.
Theo Thông tư mới nhất của Bộ Giao thông vận tải ban hành, phụ tùng, linh kiện ô tô phải đáp ứng 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nghĩa là phải được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành kiểm định, cấp chứng nhận hợp quy mới có thể lưu thông ra thị trường để đưa vào phương tiện sử dụng. Thế nhưng, với hàng ngàn sản phẩm phụ tùng ô tô giả, các đối tượng chẳng cần quan tâm đến bất cứ một giấy tờ nào. Trong khi, những phụ kiện làm giả bị thu giữ chủ yếu nằm ở nhóm các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến độ an toàn phương tiện cũng như độ bền của động cơ như: bàn ép, lá côn, lọc dầu, lọc nhớt, lọc gió.
Mỗi ngày, gara xe của anh Nguyễn Thế Hiển (Hà Nội) nhận sửa chữa và thay mới hàng chục phụ tùng trên các dòng xe thông dụng. Lọc gió, lọc dầu, ác quy, gạt mưa... là những phụ tùng thường xuyên và dễ phải thay thế theo định kỳ.
Anh Hiển cho biết: ''Các sản phẩm phụ tùng thay thế càng phổ thông thì mức độ làm giả càng lớn như lọc gió, lọc dầu, nước mát...''.
Không chỉ các loại phụ tùng xe cơ giới, xe đạp hay xe máy mới bị làm giả. Thực tế cho thấy, đang có một số lượng lớn phụ tùng các loại xe ô tô được làm giả, làm nhái dưới nhiều thương hiệu khác nhau và được bày bán công khai ở thị trường truyền thống, trên các nền tảng online thông qua các trang thương mại điện tử.
Cùng một dòng sản phẩm phụ tùng thay thế cho ô tô, cùng là hàng "giống hệt hãng" chỉ khác nhau là lợi nhuận các sản phẩm "giống hệt hãng" này khi đi từ kho buôn tới các cửa hàng bán lẻ đã tăng lên gấp đôi. Và cũng chỉ có những người bán hàng mới biết, đâu là hàng hãng và đâu là hàng "giống hệt hãng"... Thị trường truyền thống đã mỗi nơi một giá, còn trên các kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử lại có nhiều mức giá không tưởng.
Trên thực tế vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp phụ tùng ô tô làm bị làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường. Mới đây, Đội quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Hai Bà Trưng đã triệt phá 2 vụ sản xuất và kinh doanh mua bán phụ tùng ô tô giả với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chủ hàng phụ tùng giả cho biết, phụ tùng làm giả, làm nhái lại được tiêu thụ chạy hơn so với sản phẩm chính hãng bởi giá rẻ hơn nhiều và có nhiều thợ sửa xe, gara ô tô đặt hàng.
Tại TP HCM, vào cuối năm 2022, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường TP. HCM chia thành nhiều tổ công tác, đồng loạt kiểm tra 9 cửa hàng kinh doanh thiết bị, phụ kiện âm thanh xe hơi tại đường An Dương Vương, phường 4, quận 5.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận rất nhiều sản phẩm là phụ tùng, linh kiện, đồ trang trí ô tô được đựng trong túi ni lông, thùng giấy với nhiều mẫu mã, thương hiệu khác nhau. Ngoài việc phát hiện hàng hóa được bày bán, lực lượng chức năng còn có rất nhiều hàng hóa được lưu trữ trong kho của các cửa hàng. Tại thời điểm làm việc, các chủ cửa hàng chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Sau quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng nhận định nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các mặt hàng có dấu hiệu đã qua sử dụng.
Trước đó Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, phát hiện Hộ kinh doanh Đỗ Thị Ngọc Dung tại Chợ Trung tâm Móng cái – Phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 1550 sản phẩm phụ tùng ô tô có dấu hiệu giả mạo, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện ô tô nói riêng, hàng hóa nói chung xuất hiện chẳng những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn tính mạng của người sử dụng. Dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm phương hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này.
Hành vi sản xuất kinh doanh, mua bán phụ tùng ô tô giả không chỉ vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, uy tín của nhà sản xuất chính hãng. Điều nguy hiểm hơn, những phụ tùng ô tô giả chẳng có cơ quan nào kiểm định về mặt chất lượng. Nếu người tiêu dùng mua phải phụ tùng giả thì sẽ phải tự chịu những rủi ro.
Theo thời gian, việc sử dụng phụ tùng ô tô giả mang đến những hậu quả khó lường, phụ tùng nhanh hỏng, ảnh hưởng đến các bộ phận khác, mất tiền oan vì lại phải đi thay đồ mới, nếu nặng còn không hoạt động được và có nguy cơ gây tai nạn cho tài xế.
Trong số này, những phụ tùng có khả năng mất an toàn trong lĩnh vực ô tô gồm các hệ thống đèn, má phanh, các thanh liên kết… nếu sử dụng phải hàng giả, hàng nhái sẽ rất nguy hiểm cho người lái xe. Thậm chí ngay đến cả một chiếc lọc gió giả cũng có thể gây hại cho người sử dụng vì nếu không thể loại bỏ bụi bẩn, các chất độc hại có thể làm ô nhiễm không khí cho xe.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô
Thông tư 26/2019/TT-BGTVT ban hành 5 Quy chuẩn về phụ tùng, linh kiện ô tô, xe gắn máy.
Theo đó, 05 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô, mô tô, xe gắn máy bao gồm:
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô (QCVN 33:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 33:2011/BGTVT;
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy chì dùng trên xe mô tô, xe gắn máy (QCVN 47:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 47:2012/BGTVT;
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới (QCVN 52:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 52:2013/BGTVT;
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới (QCVN 53:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 53:2013/BGTVT;
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện (QCVN 91:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 91:2015/BGTVT
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam