Phòng ngừa ngộ độc do botulinum, cẩn trọng với thực phẩm hút chân không chưa tiệt trùng

Thứ ba, 23/05/2023, 16:14 PM

Những hộp thực phẩm nếu thấy có dấu hiệu phồng lên, biến dạng thì không nên sử dụng.

Thời gian vừa qua, địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc botulinum. Cụ thể, ngày 20-5, hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo, một người là nam 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày, cả ba đều bị ngộ độc botulinum.

Trước đó ngày 13-5, gia đình bốn người (ngụ TP Thủ Đức) gồm một người dì cùng ba anh em ruột là NVH (14 tuổi), NVĐ (13 tuổi) và NTX (10 tuổi) mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Trong đó có ba trẻ nghi bị ngộ độc botulinum.

Các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc cho người ngộ độc. Ảnh: NGUYÊN VÕ

Các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc cho người ngộ độc. Ảnh: NGUYÊN VÕ

Nhiều nguyên nhân gây ngộ độc

Đánh giá nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc botulinum, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BV Chợ Rẫy) thông tin: nguyên nhân gây bệnh này là do một loại vi khuẩn botulinum gây ra, loại vi khuẩn này sống trong yếm khí, có nghĩa là môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp thì loại vi khuẩn này mới hoạt động được.

Loại vi khuẩn này khi có không khí thì sẽ không phát triển được, do vậy chúng ta có hít phải cũng không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi đặt chúng trong môi trường không có không khí thì nó sẽ tái hoạt trở lại. Việc tái hoạt trở lại sẽ phá vỏ bao bào tử của nó để sản sinh ra chất độc gọi là chất độc botulinum.

Như vậy, khả năng nhiễm loại vi khuẩn này ở khắp mọi nơi mọi lúc, chỉ cần cung cấp cho chúng một môi trường phù hợp để sống, đó chính là môi trường không có oxy.

TS Nguyễn Văn Chung, giảng viên khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết: những loại đồ hộp thanh trùng chưa tốt và chưa đảm bảo, vỏ hộp bị hư hỏng hoặc đồ hộp đã mở không sử dụng và bảo quản đúng cách cũng có khả năng chứa loại vi khuẩn botulinum.

Ngoài ra, các loại thực phẩm đóng bao bì hút chân không nhưng không được tiệt trùng đúng quy cách cũng có thể nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, sử dụng thực phẩm đóng gói thủ công, để lâu ngày trước khi sử dụng cũng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc.

Khâu đóng gói thực phẩm phải theo quy trình chặt chẽ

Để phòng chống ngộ độc do vi khuẩn botulinum, TS-BS Lê Quốc Hùng chia sẻ: Khi mua thực phẩm về chế biến hoặc các nhà chế biến làm các loại thức ăn đóng hộp, chai lọ, thì cần phải thực hiện trong môi trường sạch, tránh bụi bẩn, đất cát bám vào.

Khi đóng gói kín thực phẩm, yêu cầu cần thiết là các nhà sản xuất phải chiếu tia khử khuẩn vào để cho thực phẩm an toàn. Không nên đóng gói thực phẩm ở nhà, vì khi đóng gói ở nhà có khả năng mất an toàn.

"Một biện pháp khác là chúng ta có thể phòng tránh vi khuẩn botulinum đó là sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5% (5% gam muối/100gam thức ăn). Do ở môi trường mặn loại vi khuẩn này không phát triển được. Cạnh đó, khi sử dụng thức ăn, thì chúng ta phải xem hạn sử dụng, với các nhà sản xuất họ có những hạn dùng đảm bảo khoảng thời gian đó không có vi khuẩn phát triển"- TS-BS Lê Quốc Hùng nói.

Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo: Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất.

Chỉ nên sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ưu tiên sử dụng các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng muối, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên sử dụng.

NGUYÊN VÕ

Theo plo.vn