Phiếu đặt chỗ mua bán căn hộ dự án De La Sol: Đẩy phần thiệt cho khách hàng
Để thu tiền của khách hàng tại dự án De La Sol, Công ty Việt Hưng Phú (100% vốn của CapitaLand) đã ký kết với khách hàng 2 phiếu: “Phiếu đặt chỗ có hoàn lại” và “Phiếu đặt chỗ mua bán căn hộ”. Tuy vậy, tại 2 tờ phiếu này có nhiều điều khoản mà khách hàng hoàn toàn phải gánh chịu thiệt thòi.
Như Báo Người Tiêu Dùng đã có bài viết “CapitaLand giăng bẫy tại dự án De La Sol?”, cuối năm 2017 Tập đoàn Bất động sản CapitaLand (Singapore) thông báo đã mua lại dự án căn hộ có tổng giá trị đầu tư 177 triệu USD tại Q.4, TP.HCM. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, tiền thân dự án này do CTCP Đầu tư Sản xuất Kinh doanh Sài Gòn Cửu Long làm chủ đầu tư. Sau đó chuyển nhượng lại cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Hưng Phú (Công ty Việt Hưng Phú) vào ngày 2/8/2017. Công ty Việt Hưng Phú được CapitaLand giới thiệu là đơn vị sở hữu 100% vốn và đổi tên dự án thành De La Sol.
Dự án De La Sol hiện nay mới chỉ được cấp giấy phép thi công giai đoạn 1 là phần ngầm của công trình. Tại sự kiện ra mắt hồi đầu tháng 6/2018, CapitaLand công bố các tòa tháp dự án và giới thiệu cho khách hàng mặt bằng căn hộ. Nếu khách hàng để ý thì trong bản vẽ thiết mặt bằng căn hộ có ghi khuyến cáo: “Mặt bằng này có thể được thay đổi theo phê duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tỷ lệ không nhất thiết phải là tiêu chuẩn khi công ty hoàn thiện”. Như vậy, diện tích các căn hộ trên bản vẽ chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, CaptitaLand vẫn báo giá và thu tiền của khách hàng dựa trên diện tích chưa chắc chắn này.
Trong một thông tin khác, hiện nay, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và chiều cao công trình dự án De La Sol là chưa được xác định. Việc đưa ra mã số căn hộ và tiến hành giao dịch với khách hàng bằng hình thức đặt cọc rõ ràng đẩy cho khách hàng phần thiệt thòi.
“Phiếu đặt chỗ mua bán căn hộ” được Công ty Việt Hưng Phú ký với khách hàng cũng lập lờ, khó hiểu. Luật sư Phùng Thanh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Về bản chất thì “Phiếu đặt chỗ mua bán căn hộ” là hợp đồng đặt cọc để mua bán tài sản hình thành trong tương lai.
Theo nội dung “Phiếu đặt chỗ mua bán căn hộ” cho thấy dự án chưa đủ điều kiện để mở bán. Vì nếu đủ điều kiện mở bán thì chủ đầu tư và khách hàng sẽ ký hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai trong đó có điều khoản đặt cọc chứ không phải chỉ giữ chỗ như trường hợp này. Một khi không đủ điều kiện mà chủ đầu tư mở bán thì thỏa thuận đó sẽ bị vô hiệu. Lúc đó các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nghĩa là chủ đầu tư sẽ trả lại tiền cho khách hàng.
Theo thông lệ tiền giữ chỗ / đặt chỗ được chủ đầu tư hoàn trả lại cho khách hàng trong vòng 3 ngày kể từ ngày khách hàng từ chối mua. Tuy nhiên, “Phiếu đặt chỗ mua bán căn hộ” không thể hiện nội dung đó mà đang mập mờ giữa tiền giữ chỗ và tiền cọc. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là chủ đầu tư từ chối trả tiền giữ chỗ và khi đó sẽ xảy ra tranh chấp. Thường số tiền này không quá lớn nên chủ đầu tư thừa biết sẽ không có khách hàng nào đi kiện tụng để lấy lại tiền giữ chỗ vì chi phí kiện tụng nhiều khi còn cao hơn tiền giữ chỗ.
“Phiếu đặt chỗ mua bán căn hộ” không viện dẫn đến hợp đồng mẫu nên trong hợp đồng chính thức sẽ có nhiều điều khoản ngoài sự hình dung, suy nghĩ của khách hàng. Khách hàng luôn là người chịu thiệt và miễn cưỡng chấp nhận các điều khoản mà chủ đầu tư đưa ra vì đã lỡ đặt cọc rồi. Ví dụ: Không cam kết thời hạn bàn giao; và chế tài khi giao nhà trễ không tương xứng với chế tài khi khách hàng thanh toán trễ hạn; các chế tài mà chủ đầu tư đưa ra không hợp lý; phí quản lý quá cao; trang thiết bị sử dụng cho căn hộ không giống như chủng loại, nhãn hiệu dùng cho nhà mẫu…
Do đó, để tránh bị “hớ” khi ký hợp đồng thì khi thanh toán tiền giữ chỗ, khách hàng cũng cần phải tham khảo nội dung hợp đồng mẫu và yêu cầu chủ đầu tư ghi rõ vào phiếu giữ chỗ: “Hợp đồng mẫu là một phần không thể tách rời của “Phiếu đặt chỗ mua bán căn hộ” và nội dung khi ký kết hợp đồng sau này phải giống như nội dung đã được chủ đầu tư đưa ra trong hợp đồng mẫu, trừ khi có sự thỏa thuận khác giữa các bên”.
Nguyên Vũ
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội