Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bị giun phổi chuột xâm nhập vào não sau khi ăn ốc bươu vàng 'tái'

Thứ ba, 29/04/2025 13:22 (GMT+7)

Sau khi ăn món ốc bươu vàng chế biến tái (chưa nấu chín), người phụ nữ rơi vào tình trạng đau đầu, méo miệng và được phát hiện có giun phổi chuột xâm nhập vào não.

Ngày 29/4, đại diện khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TP HCM) cho biết, các bác sĩ vừa phát hiện một trường hợp nhiễm giun ký sinh nguy hiểm trên não.

Nữ bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân là chị K.L (43 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp). Khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, chị L. có ăn món ốc bươu vàng tái (không nấu chín). Sau đó, chị cảm thấy đau đầu âm ỉ, mệt mỏi, buồn nôn và đau cổ vai gáy.

Tưởng cảm cúm thông thường nhưng uống thuốc không khỏi. Trải qua 4 ngày liên tiếp, tình trạng đau đầu ngày một nặng nề hơn khiến chị L. phải nhập viện.

Thời điểm vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, bệnh nhân có các triệu chứng như đau đầu dữ dội về đêm, méo miệng, lé mắt, nhìn đôi, ngứa ran tay chân.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Khắc Giáp, cho biết qua theo dõi, ê-kíp điều trị nghi ngờ đây không phải bệnh lý thông thường, mà có thể liên quan đến tình trạng nhiễm trùng thần kinh. Người bệnh nhanh chóng được xét nghiệm máu, ghi nhận tỷ lệ bạch cầu ái toan (một loại tế bào miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm ký sinh trùng) tăng cao. Đồng thời, kết quả MRI sọ não cho thấy có viêm màng não lan tỏa.

Chị L. tiếp tục được chỉ định chọc dịch não tủy để làm xét nghiệm PCR, cho kết quả dương tính với Angiostrongylus cantonensis (còn gọi là giun phổi chuột), một loại giun tròn ký sinh được truyền giữa chuột và động vật thân mềm (như ốc), có thể xâm nhập vào não người gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương.

Sau khi xác định nhiễm giun phổi chuột, các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp đã nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân nhiễm giun phổi chuột sẽ rơi vào tình trạng đau đầu, nhìn mờ, yếu liệt của người phụ nữ sẽ nặng hơn, để lại tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí gây tử vong.

"Thời gian nhập viện và chẩn đoán sớm, cùng với các xét nghiệm kỹ thuật cao là yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ điều trị thành công cho người bệnh", bác sĩ Giáp cho biết.

Chị L. được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn bằng thuốc kháng viêm liều cao và thuốc đặc trị ký sinh trùng.

Sau hai tuần theo dõi liên tục, tình trạng của chị cải thiện rõ rệt, cơn đau đầu giảm hẳn, các triệu chứng méo miệng, nhìn đôi cũng biến mất. Bệnh nhân được cho xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn