Phần còn lại của thế giới thiếu vắc-xin trầm trọng, người Úc chần chừ để chờ tiêm vắc-xin Pfizer dù không thiếu AstraZeneca

Thứ ba, 14/09/2021, 09:39 AM

Dù tỷ lệ tiêm chủng đang tăng lên, nhưng giới chức Úc vẫn nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm. Nguyên nhân của sự chần chừ là do nhiều người từ chối tiêm vắc-xin AstraZeneca và cố gắng... chờ vắc-xin Pfizer.

photo1631528494810-16315284949131916170943

Đợt bùng phát dịch bệnh ở New South Wales - bang đông dân nhất nước Úc đang có dấu hiệu đạt đỉnh. Thủ hiến bang NSW - Gladys Berejiklian, mới đây cho biết bang này ghi nhận 7 ca tử vong và 1.257 ca nhiễm mới trong 1 đêm. Con số này đã đưa số ca nhiễm trung bình 7 ngày xuống mức thấp nhất kể từ thứ Tư tuần trước.

Chính quyền bang NSW cho biết tốc độ tiêm mũi 1 của họ đã đạt gần 80% và đang kêu gọi những người chưa tiêm chủng nên thực hiện sớm, hoặc có nguy cơ không được hưởng những lợi thế khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Cho đến nay, khoảng 46% người dân của toàn bang NSW đã được tiêm chủng, cao hơn mức trung bình toàn quốc là 42%.

Bà Berejiklian phát biểu: "Đối với những người lựa chọn không tiêm vắc-xin, đó là lựa chọn của các bạn. Tuy nhiên, các bạn sẽ không được tự do hoàn toàn khi tỷ lệ tiêm đạt 80%. Tỷ lệ tiêm của Úc dang tăng lên, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại một chút. Do đó, chúng tôi khuyến khích mọi người chủ động đi tiêm."

Kể từ tháng 6, các bác sĩ ở Úc chứng kiến số người hủy lịch hẹn tiêm vắc-xin tăng cao vì lo ngại về vắc-xin AstraZeneca. Nguyên nhân là do hồi tháng 6 chính phủ Úc cập nhật hướng dẫn về việc tiêm vắc-xin, khuyến cáo chỉ những người trên 60 tuổi tiêm vắc-xin AstraZeneca vì có một số trường hợp bị đông máu. Theo đó, người dưới 60 tuổi được khuyến cáo tiêm vắc-xin Pfizer - loại đang khan hiếm tại quốc gia này.

Việc từ chối tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào, kể cả AstraZeneca - đang là loại vắc-xin được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, dường như là một trường hợp đáng chú ý với một quốc gia vẫn đang chiến đấu với Covid-19. Tuy nhiên, Úc lại là một trong số ít quốc gia có số ca nhiễm không quá cao. Bởi vậy, ngay cả khi dịch bùng phát ở Sydney hay Melbourne, thì người dân có vẻ lo ngại về chứng máu đông hơn là nhiễm nCoV.

Song, việc người dân chần chừ tiêm vắc-xin lại là một vấn đề kéo dài trong nhiều tháng và có thể cản trở tốc độ tiêm chủng của quốc gia này.

Bác sĩ Karen Price - chủ tịch của Đại học Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Úc, cho biết: "Nhiều người đang hủy bỏ những cuộc hẹn tiêm vắc-xin. Điều này chắc chắn tạo rào cản lớn đối với việc triển khai vắc-xin."

Bà nói thêm: "Người dân Úc cần phải lấy lại niềm tin vào việc này, vì đây thực sự là điều quan trọng để tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng. Chúng tôi còn rất nhiều người lớn tuổi chưa được tiêm và vẫn chứng kiến tình trạng lây nhiễm cộng đồng."

Trước đó, cho đến tháng 4, chính phủ Úc chủ yếu dựa vào nguồn vắc-xin AstraZeneca để tiêm chủng cho người dân. Các phòng thí nghiệm địa phương đã được thành lập để sản xuất loại vắc-xin này. Tuy nhiên, khi có những thông tin về tình trạng đông máu và giảm tiểu cầu - thường là hiếm gặp, chính phủ khuyến cáo người dân dưới 50 tuổi nên tiêm một loại vắc-xin khác.

Số người gặp triệu chứng đông máu ở độ tuổi hơn 50 tại Úc là khoảng 2,7 trường hợp/100.000 mũi tiêm đầu tiên. Độ tuổi dưới 50 là 3,1 trường hợp/100.000 liều. Song, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ như vậy vẫn là cực kỳ thấp và người dân không nên chần chừ trong bối cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, số liệu thống kê lại không đủ để xoa dịu tâm lý sợ hãi của một số người. Bác sĩ Todd Cameron - một bác sĩ đa khoa ở Melbourne, cho biết khách của ông muốn được tiêm vắc-xin Pfizer, hàng trăm cuộc hẹn tiêm AstraZeneca đã bị hủy bỏ.

Ông cho biết: "Vấn đề ở đây là công chúng đang có tâm lý có 2 loại vắc-xin, một loạt tốt và một loại ‘ít tốt’ hơn. Do đó, họ luôn đặt câu hỏi rằng tại sao không chờ để tiêm loại tốt?"

Dù rủi ro khi tiêm AstraZeneca thường được so sánh với những rủi ro hiếm gặp khác, ví dụ khả năng tử vong do sét đánh hoặc tai nạn xe hơi. Theo thống kê, những trường hợp trên thậm chí còn có nguy cơ gây tử vong cao hơn so với việc tiêm AstraZeneca. Song, bác sĩ Cameron cho biết, người đến tiêm cuối cùng vẫn so sánh giữa AstraZeneca và Pfizer.

Cho đến nay, Úc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào AstraZeneca để triển khai chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, chính phủ nước này cần phải đưa ra thông điệp tích cực hơn về sức khỏe cộng đồng để đạt được mục tiêu của mình.

Bác sĩ Cameron cho hay: "Chúng tôi cảm thấy mình như một người biện hộ cho thông báo của chính phủ. Úc hoàn toàn không có thông điệp sức khỏe cộng động hiệu quả về vắc-xin."

Úc đang nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của biến thể Delta, khiến gần 1 nửa trong số 25 triệu người dân bị phong toả. Tổng số ca nhiễm của Úc là khoảng 75.300, trong đó có 1.098 ca tử vong.

Tham khảo Reuters, BBC

Vu Lam

Theo doanhnghieptiepthi.vn