Nói không với thực phẩm giả, kém chất lượng
“Nói không với thực phẩm giả, kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” là chủ đề của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (ATTP) năm 2019 sẽ diễn ra trên toàn quốc từ ngày 15/4-15/5.
Nói không với thực phẩm giả...
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP và chính quyền các cấp ở địa phương đã quyết liệt triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATTP. Công tác thông tin truyền thông về ATTP được đẩy mạnh góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra; một lượng lớn không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2018 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có giá trị hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm. Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố nhiều vụ liên quan đến các vi phạm về ATTP.
Chính vì vậy, để tăng cường hơn nữa, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP Trung ương đã chọn chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2019 là “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
Các hoạt động chính
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong công tác bảo đảm ATTP của các ban chỉ đạo liên ngành ATTP địa phương, quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở cấp quận/huyện/xã/phường trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tại địa phương: Căn cứ vào kế hoạch triển khai Tháng hành động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh, ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra Tháng hành động tại địa phương và thực hiện từ tuyến tỉnh đến quận/huyện/phường/xã; chuẩn bị nội dung báo cáo của địa phương với các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã xây dựng.
Trong tháng hành động, các đoàn thanh tra, kiểm tra với đầy đủ thành phần chuyên môn và đủ thẩm quyền, đủ dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, sẽ xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
3 mục tiêu lớn
Theo Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP Trung ương: Tháng hành động vì ATTP năm 2019 nhằm 3 mục tiêu:
1- Tăng cường giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực về các vấn đề liên quan đến ATTP.
2 - Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
3 - Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
ANH TRINH (Nguồn: Cục ATTP - Bộ Y tế)
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm