Những rào cản lớn nhất trong xuất khẩu cá tra Việt Nam

Thứ ba, 26/06/2018, 11:52 AM

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018 cá tra Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với 3 rào cản lớn tại hai thị trường trọng điểm là Mỹ và EU:

Vụ kiện chống bán phá giá

Ngày 20/3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của Kết luận sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 - POR13 (từ ngày 1/8/2015 - 31/7/2016). Theo quyết định này, Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO) là bị đơn duy nhất bắt buộc trong POR13 có mức thuế 3,87 USD/kg.

Cá tra Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn mới. Ảnh: diendankinhdoanh

Cá tra Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn mới. Ảnh: diendankinhdoanh

Trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện “Chống bán phá giá” thì đây là lần đầu tiên DOC yêu cầu bị đơn bắt buộc thực hiện việc thay đổi cách kê khai hồ sơ có nhiều khác biệt so với các kỳ trước. Doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã nộp hồ sơ đúng hạn nhưng DOC đã không xem xét một cách đầy đủ dẫn đến việc áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn khiến cho mức thuế bị tăng cao một cách vô lý.

Trước tình hình này, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT) để yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các thông tin tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này.

Hàng rào kỹ thuật Farmbill (hóa đơn nông nghiệp)

Sau giai đoạn chuyển tiếp của chương trình thanh tra cá da trơn kết thúc, kể từ ngày 2/8/2017, FSIS (dịch vụ kiểm tra và an toàn thực phẩm) đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm và bao bì tất cả các lô hàng cá tra xuất khẩu vào Mỹ tại các nhà kho. Ngày 23/2/2018, USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã công bố Việt Nam hoàn tất và đạt tính tương đồng về mặt hồ sơ theo Đạo luật thanh tra cá da trơn của Mỹ. Sau khi chấp nhận về mặt hồ sơ, FSIS tiến hành kiểm tra thực địa (bước quan trọng và có tính quyết định để xác định tính tương đồng) để xác định doanh nghiệp nào đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Song song với việc cố gắng để được công nhận tương đương, hiện nay Việt Nam đã nộp đơn khiếu kiện chương trình thanh tra cá da trơn và yêu cầu tham vấn tới WTO.

Từ ngày 13 - 26/5/2018, đoàn của USDA đã tiến hành đánh giá toàn bộ các cơ sở kiểm nghiệm, việc kiểm soát an toàn thực phẩm của cơ quan thẩm quyền Việt Nam (NAFIQAD), kiểm tra điều kiện nuôi và sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu.

Truyền thông bôi nhọ tại EU

Đầu năm 2017, một chương trình truyền hình của Tây Ban Nha đã đưa tin sai sự thật về quy trình sản xuất và chế biến cá tra Việt Nam, điều này đã làm cho một số nhà bán lẻ châu Âu quyết định không bán cá tra Việt Nam và người tiêu dùng ở các nước liên minh châu Âu hoang mang, e ngại.

Tính đến hết tháng 4/2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 611,6 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 110,7 triệu USD, tăng 22,7%; xuất khẩu cá tra sang EU đạt 59 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2017. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ký hợp đồng với Công ty Globally Cool thực hiện chiến dịch quảng bá cá tra tại thị trường này từ tháng 3 - 12/2017.

Tuy nhiên, VASEP cho hay những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường lớn truyền thống này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng thị trường.

Liên Nguyễn

Tổng hợp

Theo NTD

largeer