Những ngành có cơ hội việc làm lớn nhất tại Đông Nam Á 10 năm tới
Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 4 năm tới, 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế và 133 triệu việc làm mới được tạo ra trên toàn cầu - kết quả của những phát triển về công nghệ. Và một nơi được dự báo sẽ có sự chuyển đổi đó lớn nhất là Đông Nam Á.
Để bắt kịp xu hướng thay đổi, WEF dự báo Đông Nam Á sẽ chuyển đổi từ ngành nghề nông nghiệp sang dịch vụ trong vài năm tới - điều mà hầu hết nền kinh tế phát triển tốn hàng thập kỷ để thực hiện.
Sự chuyển đổi này có thể dẫn tới sự biến mất của 28 triệu việc làm toàn thời gian tại 6 nền kinh tế hàng đầu trong khu vực trong thập kỷ tới, theo một báo cáo mới từ hãng nghiên cứu Oxford Economics và hãng công nghệ Mỹ Cisco. Con số này tương đương 10% tổng lực lượng lao động của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tất nhiên, trong cuộc chuyển đổi đó, nhiều việc làm mới sẽ ra đời tại những ngành đang phát triển. Tuy nhiên, nó cũng khiến 6,6 triệu người mất việc làm do thiếu các kỹ năng cần thiết để chuyển sang các vị trí khác.
Các ngành được dự báo có nhiều cơ hội việc làm nhất trong thập kỷ tới là những ngành khai thác sự giàu có đang lên của khu vực và nhu cầu sản phẩm, trải nghiệm của người dân tại đây, báo cáo trên chỉ ra.
"Khi công nghệ mới được ứng dụng, năng suất tăng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, làm giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Từ đó, nhu cầu chi tiêu cũng tăng với thu nhập khả dụng tăng lên. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tạo việc làm mới", Naveen Menon, chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á, giải thích.
Cụ thể hơn, những ngành này gồm bán lẻ, sản xuất, xây dựng và vận tải. Các lĩnh vực như công nghệ thông tin (IT), tài chính, nghệ thuật, cũng sẽ có nhiều cơ hội, theo báo cáo trên.
Do phần lớn những ngành này đều cần nhiều kỹ năng và thường xuyên tiếp xúc khách hàng, Menon cho biết người lao động muốn tận dụng cơ hội mới nên tìm cách bổ sung các kỹ năng mới từ bây giờ. Họ nên kết hợp hợp giữa đào tạo chuyên môn và kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, ông chỉ ra.
Bên cạnh đó, những ngành bị mất nhiều việc làm nhất là những ngành đòi hỏi kỹ năng thấp và chịu ảnh hưởng của công nghệ tự động hóa, báo cáo trên cho biết. Đây chủ yếu là những công việc đòi hỏi nhiều sức lao động như vệ sinh, điều khiển máy, lao động thương mại.
Dù diễn ra trên phạm vi toàn cầu, sự chuyển đổi trên được dự báo sẽ đặc biệt khó khăn cho người lao động tại Đông Nam Á - khu vực từ lâu đã phụ thuộc vào ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp chiếm tới 75 triệu việc làm tại 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN. 1/3 số này là người lao động với công việc lặp lại và dễ bị thay thể bởi công nghệ tự động hóa. Những thay đổi lớn dự báo diễn ra trong vài năm tới sẽ tạo ra nhiều thách thức cho cả người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Menon, tình hình việc làm tại khu vực vẫn có nhiều lý do để lạc quan.
"Kết quả của sự thay đổi này là người lao động tại ASEAN sẽ có được những việc làm giá trị cao hơn và hài lòng hơn so với hiện nay", Menon nói và nhận định sẽ có những hiệu ứng dây chuyền rộng hơn nữa tại Đông Nam Á - khu vực có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. "Điều này sẽ giúp duy trì tăng trưởng dài hạn cho khu vực".
HOÀI THU
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội