Những chiêu lừa đảo trên không gian mạng nhắm vào người cao tuổi

Thứ tư, 24/01/2024, 15:08 PM

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Google cung cấp thông tin về những chiêu lừa đảo trên không gian mạng cùng cách phòng tránh để người cao tuổi không bị "sập bẫy".

Người cao tuổi cần tỉnh táo trước các chiêu lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Cục An toàn thông tin

Người cao tuổi cần tỉnh táo trước các chiêu lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Cục An toàn thông tin

Theo các chuyên gia, Internet đã và đang là công cụ giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin, liên lạc và khám phá kiến thức mới. Tuy vậy, Internet cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và cạm bẫy.

Cùng với các nhóm đối tượng khác như trẻ em, sinh viên hay người lao động thu nhập thấp, thời gian qua, nhóm người cao tuổi cũng là 1 trong những đối tượng mà các nhóm tấn công lừa đảo nhắm tới.

Nguyên nhân là do người cao tuổi thường ít được tiếp cận, cập nhật các thông tin liên quan đến chống lừa đảo, vì thế, họ không có đủ sức đề kháng để ứng phó các thủ đoạn lừa đảo tinh vi của kẻ xấu.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) những hình thức lừa đảo phổ biến nhắm đến nhóm đối tượng người cao tuổi như:

- Giả danh cơ quan pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.

- Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

- Mạo danh bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân đang nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu nạn nhân đóng phí để chiếm đoạt.

- Hack Facebook, Zalo... chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản hoặc giả danh người trong video nhờ sử dụng công nghệ (deepfake) nhắn tin cho bạn bè người thân hỏi mượn tiền.

- Giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm viện cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền ngay để mổ gấp.

- Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ” quảng cáo tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ để chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc lấy lý do thông tin kê khai không đầy đủ, chiếm đoạt tiền làm thủ tục visa.

- Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng, giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả lại số tiền kèm lãi suất cao.

- Đánh cắp thông tin Căn cước công dân (CCCD) đi vay tín dụng, sử dụng thông tin trên CCCD đăng ký mã số thuế ảo, vay tiền từ các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Lừa đảo lấy cắp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập bằng các đường link lừa đảo và phần mềm độc hại như quảng cáo, cảnh báo virus.

Theo Cục An toàn thông tin, người cao tuổi cần nắm vững 3 nguyên tắc phòng tránh lừa đảo trực tuyến: Chậm lại; kiểm tra tại chỗ; dừng lại không gửi.

Những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của người dân. Vì vậy, hãy dành thời gian và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu.

Thêm vào đó, cần tìm hiểu thêm để xác thực thông tin đang nhận được. Nếu người dân nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy tra cứu số ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đến và liên hệ lại trực tiếp.

Không một cá nhân hoặc cơ quan nào yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ. Vì vậy, nếu người dân cảm thấy giao dịch này không đáng tin, hãy dừng lại vì nó có thể là lừa đảo.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản hoặc mật khẩu trực tiếp qua email, tin nhắn SMS hoặc điện thoại. Không thực hiện chuyển tiền trước khi xác nhận trực tiếp với người thân, bạn bè. Cuối cùng, tuyệt đối không mở các tệp đính kèm từ các email lạ, tin nhắn mạng xã hội.

Theo laodong.vn

largeer