Nhiều triển vọng cho tăng trưởng kinh tế 2024

Thứ ba, 30/01/2024, 14:46 PM

Dù còn nhiều thách thức và rủi ro phải đối mặt, nhưng triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam rất khả quan.

Bức tranh kinh tế: Sáng tối đan xen

Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng UOB cho rằng tình hình kinh tế năm nay vẫn còn nhiều thử thách và rủi ro. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được hỗ trợ từ sự phục hồi của ngành công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng ổn định của thị trường lớn là Trung Quốc cũng như các thị trường trong khu vực.

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng được ngân hàng này đánh giá là yếu tố tích cực cho Việt Nam.

“Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, sát với mục tiêu chính thức của Chính phủ là 6 - 6,5%. Chúng tôi dự đoán áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng, với dự báo CPI sẽ tiếp tục tăng ở mức 3,7% vào năm 2024, từ mức 3,25% vào năm 2023”, báo cáo nêu.

UOB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 khoảng 6%

UOB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 khoảng 6%

Về thách thức, UOB cho rằng xung đột quanh khu vực Biển Đỏ - khu vực chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hằng năm đã khiến các công ty vận tải toàn cầu phải định tuyến lại quanh mũi Hảo Vọng. Do đó, kéo dài hành trình, gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển, làm cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển.

UOB cho rằng thách thức thứ 2 cần xem xét là việc Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp đa quốc gia từ ngày 1.1.2024.

“Với sự thay đổi hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ cần tính đến chi phí thuế cao hơn trong kế hoạch kinh doanh trong tương lai của mình. Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp để bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu, chẳng hạn như giảm chi và nâng cao năng suất lao động, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến đầu tư”, chuyên gia Ngân hàng UOB nhận định.

Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), những tín hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại nhờ động lực chính đến từ việc hoạt động xuất khẩu phục hồi kéo theo tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, nới lỏng chính sách tiền tệ và sự phục hồi của tiêu dùng nội địa nhờ các biện pháp kích cầu.

Cụ thể, với xuất khẩu, kỳ vọng xuất khẩu sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn trong nửa sau của năm nhờ các yếu tố: Triển vọng kinh tế tại 2 nước đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc khởi sắc hơn trong nửa cuối năm; thương mại toàn cầu 2024 cải thiện (WTO kỳ vọng tăng trưởng 3,3% so với mức 0,8% của năm 2023, IMF nâng dự báo lên 3,5%); tăng trưởng tồn kho tại Mỹ và EU chạm đáy, kỳ vọng số đơn hàng xuất khẩu sẽ cải thiện khi các quốc gia này chủ động tăng tồn kho.

Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro như rủi ro địa chính trị khiến giá cước vận tải, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao; thói quen tiêu dùng thay đổi trong môi trường lãi suất cao tại các nước đối tác thương mại; lộ trình tăng giá điện ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, nguồn cung điện chưa ổn định…

Một số rủi ro đến từ cước vận tải cao, gián đoạn chuỗi cung ứng

Một số rủi ro đến từ cước vận tải cao, gián đoạn chuỗi cung ứng

KBSV cũng đánh giá hoạt động đầu tư công cả năm 2023 là khả quan với mức tăng trưởng 2 chữ số, không chỉ là một bước tiến đáng kể mà còn đóng đóng vai trò như một cơ sở vững chắc cho kế hoạch trung hạn để bứt phá mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.

Thêm nữa, đơn vị này cũng cho rằng các chính sách được triển khai từ năm trước sẽ thẩm thấu và phát huy tác dụng rõ nét trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ tác động không nhỏ làm ấm lên cầu nội địa và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, với dự báo lạm phát và tỷ giá nhiều khả năng không chịu áp lực lớn, KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều kiện để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 0,75 - 1% so với mức cuối năm 2023.

Kịch bản nào cho tăng trưởng 2024?

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, có 2 kịch bản với tăng trưởng GDP trong năm 2024. Ở kịch bản thứ nhất, đó là tăng trưởng GDP không đạt như kỳ vọng và sẽ đạt con số từ 5,5 - 6,5% với các điều kiện chúng ta vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng giao thương quốc tế vẫn trì trệ, nền kinh tế thế giới tăng trưởng không như mong muốn, lạm phát vẫn cao.

Ở kịch bản thứ 2, đó là khi nền kinh tế thế giới được cải thiện tốt hơn, lạm phát thấp hơn, lãi suất được các quốc gia trên thế giới hạ xuống, nhu cầu giao thương quốc tế tăng lên, khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ tốt hơn. Cộng với điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, giá trị đồng tiền Việt Nam tiếp tục được giữ vững như hiện nay, các cân đối vĩ mô về nợ vay và các vấn đề khác tốt hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng GDP có thể đạt được từ 6,2 - 7% trong năm 2024 này.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, kịch bản thứ nhất, dự báo tăng trưởng năm 2024 có thể đạt mức 6,13%; xuất khẩu cả năm tăng 4,02%; thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở mức 5,64 tỉ USD; lạm phát bình quân 3,94%.

Kịch bản thứ 2, tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức 6,48%; xuất khẩu cả năm tăng 5,19%; thặng dư thương mại 6,26 tỉ USD; lạm phát bình quân 3,72%.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

WB cho rằng môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Theo 1thegioi.vn