Nhiều sếp Việt nhận lương cao nhưng vẫn có người chỉ nhận 0 đồng
Lương của nhiều lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh lên nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều sếp lớn ở một số công ty sẵn sàng nhận thù lao 0 đồng cho cả năm cống hiến. Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm liền.
2018 là năm giới đầu tư chứng khoán chứng kiến nhiều doanh nghiệp báo lãi kỷ lục. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt sếp lớn được tăng lương, đẩy tổng thu nhập năm 2018 lên tới hàng tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Vingroup là ví dụ điển hình. Trong năm 2018, bình quân mỗi lãnh đạo 3,7 tỷ đồng, tương đương 308 triệu đồng/người/tháng. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trả cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Hồ Hùng Anh 2,7 tỷ đồng (225 triệu đồng mỗi tháng).
Tuy nhiên, những vị đại gia nổi tiếng này đều đứng sau bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Cơ điện lạnh REE. Trong năm qua, bà Thanh có tổng thu nhập từ lương thưởng (chưa tính cổ tức) lên đến 5,6 tỷ đồng (khoảng 467 triệu đồng mỗi tháng).
Trong khi đó, vẫn có không ít sếp lớn của một số công ty sẵn sàng nhận lương 0 đồng. Trong Đại hội cổ đông thường niên 2018 diễn ra vào ngày 16/4, cổ đông CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có thù lao cho HĐQT, ban kiểm soát và mức thưởng cho ban tổng giám đốc trong năm tài chính 2018.
Theo đó, toàn bộ lãnh đạo cấp cao thuộc HĐQT VSI, bao gồm cả Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng sẽ không nhận bất kỳ đồng thù lao nào trong năm 2018. Đây không phải lần đầu tiên bà Phượng nhận mức lương 0 đồng.
CTCP Hùng Vương đã tổ chức đại hội đồng cổ đông sớm. Một trong những nội dung quan trọng Hùng Vương gây chú ý chính là tiếp tục duy trì chính sách không chi trả lương cho các thành viên HĐQT và ban kiểm soát.
Điều đó có nghĩa ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc Hùng Vương đã có khoảng nửa thập kỷ không nhận lương, thưởng cho công việc tại những vị trí cao nhất tại công ty do mình thành lập.
CTCP Tập đoàn Masan cũng duy trì “thói quen” trả lương 0 đồng cho HĐQT và ban kiểm soát. Như vậy, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan “trắng tay” ở vị trí cao nhất công ty.
Không chỉ có vậy, ông Quang cũng không “trông chờ” gì vào cổ tức của Masan dù ông nắm giữ hơn 250 triệu cổ phiếu MSN vì trong năm 2018, Masan tiếp tục không trả cổ tức, điều khiến cổ đông từng nhiều lần ấm ức vì bị khất lần trả cổ tức.
Dù “trắng tay” ở vị trí HĐQT Masan nhưng ông Nguyễn Đăng Quang vẫn kiếm bộn từ vị trí Tổng Giám đốc công ty. Báo cáo tài chính 2018 cho biết công ty này đã chi ra tới 149 tỷ đồng để trả thù lao cho ban quản lý chủ chốt của tập đoàn. Không rõ Masan đánh giá những ai được đưa vào danh sách này nên không xác định được thu nhập của lãnh đạo. Tuy nhiên, ở vị trí tổng giám đốc, chắc chắn thù lao mà ông Quang nhận được không hề khiêm tốn.
Trong khi đó, dù lãnh đạo nhiều công ty nổi tiếng nhưng một số đại gia Việt cũng chịu cảnh nhận lương hẩm hiu. Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc là ví dụ điển hình. Tới nay, Kinh Bắc đã vươn lên từ “đáy” nhưng quỹ lương mà Kinh Bắc dành cho HĐQT vẫn khá khiêm tốn.
Trong năm 2018, Kinh Bắc dành 672 triệu đồng cho các thành viên HĐQT. Bình quân, mỗi lãnh đạo tổng công ty được trả 134,4 triệu đồng/người/năm, tương đương 11,2 triệu đồng/người/tháng. Là Chủ tịch HĐQT, đại gia Đặng Thành Tâm có thể nhận được số tiền nhiều hơn mức trung bình một chút.
CTCP Quốc Cường Gia Lai cũng “nổi tiếng” khi trả dàn lãnh đạo mức lương tượng trưng. Trong năm 2018, bà Nguyễn Thị Như Loan chỉ được trả 9 triệu đồng/tháng cho vị trí Chủ tịch HĐQT, tương đương 108 triệu đồng/năm. Các thành viên HĐQT chỉ nhận 5 triệu đồng/người/tháng, tương đương 60 triệu đồng/năm.
Mức thù lao này được duy trì trong nhiều năm gần đây. Và có thể, trong năm 2019 dàn lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa được tăng lương vì công ty này vẫn còn rất nhiều khó khăn khi nhiều dự án bị đình trệ.
Ở một góc nhìn khác, một dấu hỏi lớn đặt ra là những người đứng đầu doanh nghiệp làm việc không lãnh lương suốt thời gian dài thì họ sẽ sống bằng gì nếu không có kinh tế sân sau hậu thuẫn rất lớn và liệu có bao nhiêu người làm được việc này? Một nghịch lý đang diễn ra là các Sếp làm việc không nhận lương, nhưng cũng có nhiều sếp lãnh lương cả hàng trăm triệu hoặc bạc tỷ trong khi cổ đông lại chờ đợi mỏi mòn không có cổ tức. Vậy tiền vốn của cổ đông chạy đi đâu khi mà báo cáo tài chính của doanh nghiệp lúc nào cũng tròn trịa không lỗ?
Bảo Linh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở