Nhiều nạn nhân “dính chiêu” mượn vốn mua khẩu trang xuất khẩu

Thứ năm, 03/12/2020, 10:22 AM

Mượn lý do cần vốn để xuất khẩu mặt hàng khẩu trang, thuốc tây, mỹ phẩm, một chủ tiệm thuốc tây tại phường 8, quận Tân Bình, TPHCM, đã mượn hàng chục tỷ đồng của nhiều người rồi bặt vô âm tín.

Empty

COVID chưa qua, nỗi đau đã tới 

Ngày 25/11, 15 người ở TPHCM đã có đơn phản ánh việc bị bà B.T.T.L., sinh năm 1971, chủ nhà thuốc Đ.Đ. trên đường Phú Hòa, phường 8, quận Tân Bình, huy động vốn hơn 13 tỷ đồng để xuất khẩu khẩu trang, thuốc tây, mỹ phẩm… trong mùa dịch COVID-19, nhưng bặt vô âm tín từ nhiều tuần nay. 

Chị N.H.Đ., 56 tuổi, ngụ phường 9, quận Tân Bình, cho biết bà L. kinh doanh thuốc tây đã 28 năm và có mối thâm tình với chị. Tháng 2/2020, ngay lúc dịch COVID-19 bùng phát, bà L. nói đang có mối sản xuất và xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài nhưng không đủ vốn. Bà L. đề nghị chị Đ. hùn vốn để được chia lãi. Nghĩ bà L. sẽ không lừa mình nên đã đưa cho bà L. 185.000 triệu đồng. Bà L. viết giấy mượn nợ. 

Tháng 4/2020, đến ngày đáo hạn nợ, bà L. cho biết đơn hàng nhiều, cần thêm vốn, nên bảo chị Đ. đưa thêm vốn. Tổng cộng, chị Đ. đã đưa cho bà L. 1,05 tỷ đồng (có giấy xác nhận viết tay). 

“Bà L. nói mỗi thùng khẩu trang lời 500.000-1.000.000 đồng. Với số tiền 185 triệu đồng của tôi, sau 30 ngày mượn sẽ đưa tiền lãi 5-6 triệu đồng, tính ra cao hơn lãi gửi ngân hàng.

Những tháng đầu, L. đều trả lãi đúng hạn, nhưng tới ngày 21/6 thì hứa nhưng không trả với lý do hàng chưa đầy container nên chưa xuất đi được. Khi nào xuất được sẽ thanh toán cả gốc lẫn lãi. Tôi thấy có vấn đề nên yêu cầu lấy lại tiền gốc. Bà L. hứa đến cả trăm lần nhưng không trả. Ngày 15/9, bà bỏ trốn, điện thoại không liên lạc được” - chị Đ. thảng thốt. 

Empty

Bằng cách thức vay mượn trên, đến nay không ít người đã trở thành nạn nhân của bà L., trong đó có bà V.T.T.T., 50 tuổi, ngụ ở phường 9, quận Tân Bình, đã trút hết tiền dành dụm và vay mượn thêm của con cháu để đưa cho bà L. với tổng cộng 3,2 tỷ đồng.

Đau đớn hơn, bà D.T.N., vừa là hàng xóm vừa là bạn bè của bà L., sau khi gom góp hàng trăm triệu đồng đưa cho bà L. và đang đứng trước nguy cơ bị mất, đã quẫn trí mà tự vẫn vào ngày 21/11. 

Các nạn nhân đã có đơn kêu cứu gửi Công an phường 8, quận Tân Bình (nơi bà L. có cửa tiệm kinh doanh thuốc tây) và Công an huyện Bến Lức, Công an TPHCM. Nhiều khổ chủ cho biết, dù bị mất một số tiền lớn, nhưng vẫn đang giấu gia đình, người thân. 

Cảnh giác khi cho vay mượn tiền

Ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã có thông báo về việc nhận được đơn tố giác bà L. có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Đ.Đ.N., đại diện cho nhóm 15 nạn nhân. Sau khi xem xét nội dung đơn, đơn vị này đã chuyển đơn đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM để xem xét, giải quyết. 

Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM), hoạt động cho vay, mượn tiền (hoặc tài sản) là những hoạt động diễn ra thường xuyên trong xã hội do nhu cầu của hai bên hoặc nhiều bên.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi các bên thì các hoạt động vay, mượn phải thể hiện rõ ràng những nội dung như họ tên, địa chỉ, số tiền (hoặc tài sản), thời hạn, lãi suất, mục đích vay mượn, tài sản thế chấp, chữ ký, điểm chỉ của các bên và đồng thời nên ra cơ quan công chứng chứng thực hợp đồng vay mượn để đảm bảo tính pháp lý và cuối cùng là các bên có xác nhận đã giao nhận tiền (hoặc tài sản).

Nếu có bên vi phạm thỏa thuận quyền và nghĩa vụ vay mượn thì bên còn lại có quyền khởi kiện hoặc tố giác đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Empty

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác như vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175.

Do đó, nếu những người cho mượn tiền cho rằng bà L. có những hành vi như điều 175 quy định thì có quyền tố giác đến công an địa phương nơi xảy ra vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hoài An

 

Theo phunuonline