Nhiều doanh nghiệp ngần ngại mở cửa lại
Được phép hoạt động lại nhưng một số doanh nghiệp cho biết đang ở thế tiến thoái lưỡng nan "không mở cũng chết, mở cũng chết vì càng làm càng lỗ".
"Từ khi cho hoạt động trở lại, quán xá vẫn đìu hiu lắm" ông Dominic Vũ, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận xét. Liên minh này là tổ chức gồm các doanh nghiệp trong ngành ăn uống, dịch vụ, bán lẻ... hình thành đầu tháng 10, trong bối cảnh cộng đồng SME gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn giãn cách xã hội tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Theo quan sát của ông, chỉ khoảng 10-20% hàng quán ăn uống mở trở lại.
Ông Dominic Vũ cho rằng, nguyên nhân là chi phí sản xuất bị tăng mạnh sau dịch nhưng doanh thu, lợi nhuận không đáng kể. Mặt khác, các chính sách chống dịch vẫn còn nhiều bất định, có sự khác nhau giữa các địa phương. "Những điều này khiến chủ doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý lo lắng, thận trọng trước việc tái hoạt động", ông nói.
Ông Lý Nhất Hiếu, chủ 3 nhà hàng cao cấp tại TP HCM, thừa nhận doanh nghiệp đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan trước việc mở lại. "Không mở cũng chết, mở cũng chết vì càng làm càng lỗ", ông nói.
Thời gian trước, ông đếm từng ngày chờ quyết định mở cửa của thành phố vì việc dừng kinh doanh 5 tháng trong đợt Covid-19 lần thứ tư khiến ông mất trắng hàng tỷ đồng.
"Chi phí thuê mặt bằng dù được giảm một nửa còn hơn 300 triệu một tháng cộng với tiền duy trì, bảo dưỡng nhà hàng suốt thời gian qua gần 2 tỷ đồng", ông nói. Dù phát sốt khi mỗi ngày tỉnh dậy là mất tiền, ông không dám trả mặt bằng vì những khoản đầu tư, sửa chữa trước đó cũng là tiền tỷ. Ông cũng từng bán xe, chạy vạy khắp nơi để 2 lần hỗ trợ cho nhân viên khi các đơn đề nghị lên phía bảo hiểm chưa được xử lý.
Nhưng tình hình hiện tại khiến ông nhận thấy việc mở cửa trở lại không dễ dàng. Theo đó, doanh nghiệp đang đối diện với bài toán khó tuyển dụng lao động. Dịch bệnh kéo dài khiến cấu trúc nhân sự của ông Hiếu bị đứt gãy.
"Một số nhân viên chịu không nổi đã về quê tránh dịch. Có người thì bỏ ra bán online hủ tiếu, bánh canh, có người chạy qua làm cả shipper", ông nói. Việc tuyển dụng mới hiện nay theo ông là rất khó, đặc biệt với những nhân sự đặc thù, có tay nghề cao như đầu bếp, phụ bếp. "Người trở lại thành phố hiện không dễ gì", ông nói.
Doanh nghiệp cũng đối diện với việc chuỗi cung ứng hàng hoá vẫn chưa thực sự thông suốt trở lại, dẫn đến hàng vừa khan vừa đắt với giá nhập tăng vài chục phần trăm. Việc giao đồ ăn trong thành phố cũng trở nên đắt đỏ. "Một đĩa cơm thời trước dịch bán hơn 120.000-130.000 giờ cộng cả ship là hơn 200.000 rất bất hợp lý. Chúng tôi buộc phải hạ giá thành xuống. Doanh thu có, nhưng lợi nhuận bằng 0", ông chia sẻ về tình hình cầm cự bằng cách bán online gần đây.
Ngoài ra, quy định nhà hàng chỉ phục vụ tại chỗ tối đa cho 20 người và mỗi người phải cách nhau 2m cũng khiến doanh nghiệp chật vật, khó lòng thực hiện được. Hay việc mở lại cũng khiến doanh nghiệp đối diện với chi phí đau đầu nhất là mặt bằng. "Khi nhà hàng còn đóng cửa, chủ nhà cũng không đành đoạn nào thu đủ tiền. Nhưng mở lại rồi, đâu còn lý do gì nữa", ông nói. Trong khi đó, sức mua của thành phố dù mở trở lại nhưng vẫn còn hạn chế khi không có du khách, người lao động chưa trở lại, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cũng tỏ ra đồng tình với nhận định doanh nghiệp khó khăn khi quay trở lại sản xuất.
"Mở cửa phải mở đồng bộ. Nếu TP HCM mở mà các tỉnh khác vẫn đang còn thắt chặt thì doanh nghiệp khó lòng sản xuất lại được", ông Nguyên nói về gốc rễ của việc lao động, hàng hoá khan hiếm, đắt đỏ.
Ông cũng cho rằng cần có sự thống nhất về các biện pháp chống dịch trên cả nước. Ông đánh giá, dù tinh thần là Việt Nam rất khó đạt được trạng thái "zero Covid-19", phải dần chung sống với dịch, nhiều địa phương vẫn giữ tư duy cũ, ra các văn bản, quy định riêng kiểm soát dịch, từ đó hạn chế tốc độ mở cửa của doanh nghiệp.
Đơn cử như Hậu Giang, hàng hoá đi vào tỉnh bắt buộc phải đi qua một điểm trung chuyển rồi mới được đi tiếp trong khi lái xe đã được chích ngừa vaccine hai mũi. Điều này làm tăng chi phí không đáng có cho doanh nghiệp. "Quan điểm là chích vaccine rồi thì nên tạo điều kiện cho người ta đi. Chúng ta kiểm soát dịch chứ không phải kiểm soát xe", ông nói.
Mặt khác, ông cho rằng người lao động nếu đã chích đủ 2 mũi vaccine, thậm chí 1 mũi, thì nên tạo điều kiện cho người ta ra vào tỉnh để đi làm. Bởi nếu nhân lực không có thì nguyên liệu có về nhiều đi nữa nhà máy cũng "bó tay". Theo ông, nếu vấn đề lao động, hàng hoá được lưu chuyển trơn tru, "cơ thể sẽ dần hồi sinh".
Phương Ánh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở