Nhiều doanh nghiệp chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay vì tòa án
Trong môi trường thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi những mâu thuẫn, tranh chấp về các vấn đề như: Chi phí, chậm trả, chuyển giá, gian lận thương mại... Trước nay những trường hợp này nếu không tự hòa giải, các bên tranh chấp thường đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết. Tuy nhiên với nhiều bất cập về thời gian, chi phí, đã khiến doanh nghiệp hướng sang lựa chọn hình thức giải quyết mới là sử dụng trọng tài thương mại.
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp (các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010) do các bên thỏa thuận, được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống thông qua Tòa án.
Ông Phan Ngọc Thành, chủ doanh nghiệp nông sản Thiên Phúc, gặp vấn đề về thanh toán với doanh nghiệp nước ngoài, vì không tự thỏa thuận được nên đã lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết.
“Lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp có lợi hơn nhiều cho doanh nghiệp thay vì đưa nhau ra tòa. Ví dụ 1 vụ kiện tòa án xử 1-2 năm thì với hình thức trọng tài chỉ mất khoảng 6 tháng. Không chỉ tiết kiệm thời gian hình thức trọng tài còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hình thức này có các chuyên gia đầu ngành, minh bạch, độc lập, không bị chi phối... Đây là các yếu tố để doanh nghiệp tin tưởng” - ông Thành nói.
Đây là xu hướng và cũng là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp khi gặp rắc rối về kiện tụng. Một số đơn vị trọng tài uy tín ở Việt Nam mà doanh nghiệp hay tìm đến là Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương, Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính Ngân hàng Việt Nam, Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính, Trung tâm trọng tài Thương mại Đông Dương, Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)...
Lý do mà các doanh nghiệp chọn hình thức giải quyết tranh chấp này là chi phí giảm 30%, thời gian giảm một nửa và rút gọn tối đa các quy trình về thủ tục trong quá trình tố tụng và giải quyết tranh chấp.
Việc sử dụng hình thức trọng tài còn được nhận định lợi thế hơn tòa án ở chỗ khi ra tòa án các hợp đồng tranh chấp nhiều bên đến từ nhiều quốc gia sẽ vướng phải tính pháp lý của từng quốc gia, dẫn đến khó xử lý. Trong khi đó, các trọng tài là một tổ gồm những cá nhân có chuyên môn, trình độ đa quốc gia (được công nhận), độc lập, minh bạch và vụ việc cũng được xử lý chính xác và nhanh chóng hơn.
Đồng thời, phía Tòa trọng tài Quốc tế cũng khẳng định, số vụ kiện ở Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung đang tăng lên theo từng năm. Vì thế, nhằm hoàn thiện tính minh bạch, hội đồng trọng tài sẽ được công khai và được sự chấp thuận của các bên liên quan. Đặc biệt là sẽ công bố phán quyết trên trang thông tin của Tòa trọng tài Quốc tế.
“Sắp tới sẽ tiếp tục đổi mới và hoàn thiện tính minh bạch bằng cách công bố tên các trọng tài viên hoặc công bố phán quyết trên trang thông tin của Tòa trọng tài Quốc tế...” - ông Andrea Carlevaris, Tổng Thư ký Tòa trọng tài Quốc tế chia sẻ.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động trao đổi mua bán quốc tế là những câu chuyện tranh chấp, xung đột khó tránh khỏi giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì thế những hỗ trợ từ hình thức trọng tài hứa hẹn sẽ là chiếc đòn bẩy giúp các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong quá trình hợp tác thương mại quốc tế.
K.N
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường