Nhiều dịch vụ y tế sắp tăng giá
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo đưa chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, từng bước tính đủ phí dịch vụ vào giá
Giá khám bệnh và giá của hơn 1.900 dịch vụ y tế cũng được đề nghị điều chỉnh từ năm 2020, theo dự thảo Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc.
Đưa chi phí điện, nước... vào giá viện phí
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh giá viện phí, trong đó tính thêm chi phí quản lý.
Đó là chi phí về điện, nước, nhiên liệu, vệ sinh, môi trường, xử lý chất thải của các bộ phận quản lý; cước dịch vụ viễn thông, bưu chính; chi phí ứng dụng công nghệ thông tin hoặc thuê dịch vụ, phần mềm quản lý; chi phí đào tạo; chi phí bảo hộ lao động, dự phòng lây nhiễm HIV, bảo đảm an ninh, an toàn; chi phí cho công tác truyền thông… Cùng với đó, chi phí duy tu, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn tài sản, mua sắm trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, vật tư, văn phòng phẩm… cũng sẽ được tính vào giá dịch vụ y tế.
Với việc điều chỉnh này, giá khám bệnh (gồm chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý) sẽ là 40.600 đồng đối với BV hạng đặc biệt/hạng I, 36.200 đồng với BV hạng II, 32.000 đồng với BV hạng III và 28.000 đồng ở BV hạng IV và trạm y tế xã. Sau đợt điều chỉnh từ ngày 20-8 vừa qua, giá khám chữa bệnh hiện ở mức 27.500-38.700 đồng.
Giá dịch vụ với giường bệnh cũng được đề xuất tăng lên mức tối đa là 821.100 đồng/ngày đối với BV hạng đặc biệt (hiện nay là 782.000 đồng/ngày). Đối với BV hạng I, mức tối đa được đề xuất là 740.200 đồng/ngày (hiện là 705.000 đồng/ngày); BV hạng II là 632.100 đồng/ngày (hiện là 602.000 đồng/ngày).
Cùng đó, giá của hơn 1.900 dịch vụ y tế cũng được đề nghị điều chỉnh tăng từ 3%-5%, đơn cử chụp CT 64 dãy đến 128 dãy tăng từ 1,7 triệu đồng lên 1.786.000 đồng; chụp CT toàn thân từ 256 dãy có thuốc cản quang từ 6.673.000 đồng lên hơn 7 triệu đồng; lọc màng bụng chu kỳ từ 562.000 đồng lên 590.000 đồng, lọc máu liên tục từ 2,2 triệu lên 2,3 triệu đồng; nội soi phế quản dưới gây mê lấy dị vật 3.261.000 đồng lên 3.424.000 đồng; phẫu thuật cắt u lành thực quản từ 5,4 triệu lên 5,7 triệu đồng; phẫu thuật cắt túi mật từ 4,5 triệu lên hơn 4,7 triệu đồng; phẫu thuật thay khớp gối bán phần từ 4,6 triệu lên 4,8 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 8-2019, Bộ Y tế đã điều chỉnh giá viện phí theo lương cơ sở mới. Với quy định đưa chi phí tiền lương và phụ cấp vào viện phí, việc điều chỉnh dịch vụ y tế theo lương sẽ được thực hiện hằng năm.
Tăng chậm hơn lộ trình
Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, giá dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm dịch vụ khám chữa bệnh sử dụng ngân sách nhà nước) thực hiện điều chỉnh theo lộ trình năm 2016-2020 theo hướng từng bước kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ.
Cụ thể, đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý); đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí quản lý (chưa tính kế hoạch tài sản cố định); đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương + chi phí quản lý + chi phí kế hoạch tài sản cố định. Theo Bộ Y tế, việc tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các BV vào giá viện phí, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết viện phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá với nguyên tắc từng bước tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh, chia sẻ trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người bệnh; nhà nước trợ giúp một phần hoặc toàn bộ viện phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu thông qua BHYT. Việc điều chỉnh này thực hiện theo Nghị định 16 của Chính phủ về quy định lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá đã chậm hơn lộ trình và đến thời điểm này, Bộ Y tế mới đưa ra dự thảo lấy ý kiến.
"Với các BV tự chủ về tài chính, nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho các khoản này. Nếu nghị định được ban hành, chi phí quản lý sẽ được tính vào giá dịch vụ y tế. Đơn cử như việc tính lương nhân viên y tế vào giá viện phí, năm 2018, ngành y tế đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 9.000 tỉ đồng. Số tiền tiết kiệm này, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua việc tăng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT" - ông Nguyễn Nam Liên nói.
Phân tích về những tác động tới người dân, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng theo chính sách hiện nay, các đối tượng nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công… đều đã được miễn phí mua thẻ BHYT và được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Do đó, việc tăng viện phí không ảnh hưởng đến người nghèo.
Đối với người cận nghèo có tỉ lệ đồng chi trả là 5%, theo ông Nguyễn Nam Liên, mức độ tác động không đáng kể. Với các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT, giá viện phí tăng nhẹ thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Ngoài ra, chính sách cũng có nhiều hỗ trợ khác như người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Với mức lương hiện nay, đối tượng này được thanh toán tăng từ 8.340.000 đồng lên 8.940.000 đồng. Đồng thời, mức thanh toán chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không quá 45 tháng lương cơ sở sẽ tăng lên, tương đương 67,05 triệu đồng.
"Tuy nhiên, với nhóm đối tượng hơn 10% chưa có thẻ BHYT nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật có thể bị tác động mạnh. Do đó, để giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tốt nhất người dân nên tham gia BHYT" - ông Nguyễn Nam Liên khuyến cáo.
Sẽ điều chỉnh mức đóng BHYT
Bộ Y tế cho biết hiện quỹ BHYT vẫn bảo đảm khả năng cân đối nhưng đến hết năm 2019, cần nghiên cứu, đề xuất tăng mức đóng BHYT. Mức đóng BHYT hiện nay đang áp dụng bằng 4,5% mức lương hoặc mức lương cơ sở. Mức đóng này đã áp dụng từ 10 năm nay. Theo Luật BHYT, mức đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương hoặc lương cơ sở.Ông NGUYỄN NGỌC HIỀN, Phó Giám đốc BV Bạch Mai:
Giá thực tế dưới giá thành
Là 1 trong 4 BV thí điểm tự chủ tài chính hoàn toàn nhưng với nhóm BHYT, BV vẫn phải căn cứ vào khung giá dịch vụ y tế do Bộ Y tế ban hành. Chúng tôi đề nghị cơ quan nhà nước thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ. Hiện nay, giá BHYT vẫn chưa bao gồm các khấu hao cơ sở hạ tầng, khấu hao cơ sở máy móc, chưa có các chi phí về quản lý, chưa có chi phí về đào tạo nên trên thực tế giá này còn dưới giá thành. Cùng đó, cơ quan bảo hiểm cũng cần đa dạng các hình thức thanh toán, phát triển thêm các hình thức thanh toán theo ca bệnh để tiết kiệm chi phí hơn.
PGS-TS NGUYỄN HỮU DOANH, Phó Giám đốc BV Da liễu trung ương:
Có nguồn tái đầu tư
Mặc dù việc điều chỉnh giá lần này vẫn chưa kết cấu khấu hao tài sản theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP nhưng việc điều chỉnh giá cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế, nhất là những cơ sở đã tự chủ tài chính để tái đầu tư và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.
Ngọc Dung
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội