Nhiều công ty xi măng kinh doanh bết bát, mất gần hết vốn

Thứ tư, 29/11/2017, 16:42 PM

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy nhiều công ty con, công ty cổ phần của Vicem có khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối về tài chính.

Bộ Tài chính mới đây đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã hé lộ hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính khá bết bát của một số công ty con thuộc Vicem.

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của Vicem, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 1.361 tỷ đồng (bằng 94% so với năm 2015), lợi nhuận thực hiện đạt 303 tỷ đồng (tăng 106% so với năm 2015). Trong năm 2016, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn là 649 tỷ đồng chủ yếu liên quan đến phần vốn đầu tư tại công ty CP xi măng Hạ Long.

Về tình hình nợ phải thu và nợ phải trả, tính đến thời điểm 31/12/2016, Công ty mẹ có số dư nợ phải thu là 1.922 tỷ đồng (chiếm 13,6% tổng tài sản/tổng giá trị tài sản). Trong đó, phải thu lợi nhuận, cổ tức được chia là 235 tỷ đồng; phải thu cho các công ty vay là 1.260 tỷ đồng, chiếm 66%/tổng nợ phải thu (trong đó: Cty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng vay 200 tỷ đồng, Tam Điệp vay 776 tỷ đồng, Cty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn vay 246 tỷ đồng). Do Vicem Hải Phòng và Tam Điệp có số lỗ luỹ kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản Công ty mẹ cho các công ty này vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm.

Nhà máy xi măng Hải Phòng (Ảnh: Báo Xây dựng)

Nhà máy xi măng Hải Phòng (Ảnh: Báo Xây dựng)

Hay như tại Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, năm 2016 doanh thu đạt 1,532 tỷ đồng và có lãi 36,57 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2016, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.132 tỷ đồng nhưng do có số lỗ luỹ kế quá lớn (1.120 tỷ đồng) nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 68,86 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 28 lần, hệ số thanh toán ngắn hạn 0,55.

Vicem Tam Điệp rơi vào tình trạng gần mất hết vốn, mất an toàn tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động công ty hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ - Vicem.

Đối với các công ty con là công ty cổ phần cũng trong tình trạng không mấy khả dĩ.

Tại Vicem Hà Tiên, doanh thu đạt 8.326 tỷ đồng, lãi là 1.019 tỷ đồng nhưng hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn đã là 0,58 lần. Công ty cũng được cảnh báo sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối về tài chính.

Xi măng Bút Sơn cũng gặp phải khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính.

Tại một số công ty xi măng khác như Hoàng Mai, Bỉm Sơn cũng trong tình trạng phải sử dụng vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy chưa hoàn toàn cân đối về tài chính, khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính.

Đối với một số công ty liên doanh, liên kết vẫn còn công ty có số lỗ luỹ kế lớn. Trong đó, công ty cổ phần Sông Đà 12 lỗ luỹ kế đến thời điểm 31/12/2016 là 63 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của công ty mẹ còn thấp, chỉ đạt hơn 5%. Đến cuối năm 2016, công ty mẹ cho các công ty con vay 1.260 tỷ đồng, trong đó Tam Điệp vay 776 tỷ đồng, Bút Sơn vay 246 tỷ đồng, Hải Phòng vay 200 tỷ đồng.

“Do Vicem Hải Phòng và Tam Điệp có số lỗ luỹ kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản Công ty mẹ cho các công ty này vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm”, Bộ Tài chính nhận định.

Bộ Tài chính kiến nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay, để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản Nhà nước.

Yêu cầu Vicem tăng cường giám sát đối với Xi măng Tam Điệp, Hải Phòng, Hạ Long và Sông Thao; chỉ đạo, điều hành để các công ty này khắc phục khó khăn, kinh doanh có lãi và trả được nợ vay.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Vicem có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty HUD, Công ty cổ phần xi măng Hạ Long và Sông Thao xây dựng phương án đảm bảo nguồn tiền để trả nợ các khoản vay nước ngoài có bảo lãnh chủ Chính phủ, vay ADB, khoản vay Quỹ tích lũy trả nợ Bộ Tài chính.

Theo Mai An - ANTT

largeer