Nhiều công ty cố duy trì nhà máy ô nhiễm ở nội đô để… giữ "đất vàng"
Tại TP.Hà Nội, nhiều đơn vị chậm di dời nhà máy, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu dân cư là do không muốn “nhả” mặt bằng, vẫn muốn giữ trụ sở cũ cùng vị trí “đất vàng”.
Dời nhà máy, vẫn quyết không "nhả" đất
Sau sự cố môi trường từ vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lại yêu cầu UBND các tỉnh, thành rà soát, thống kê, lên phương án đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm ra khỏi khu đô thị, khu tập trung dân cư.
Không phải đợi đến bây giờ, mà từ năm 1992, sau khi quy hoạch chung được duyệt, UBND TP.Hà Nội đã đặt ra vấn đề di dời các cơ sở công nghiệp và các trường đại học không phù hợp ra khỏi nội đô.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, toàn thành phố hiện có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy, nổ cần phải di dời, trong đó, 26 cơ sở bắt buộc di dời, 67 cơ sở đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102ha, 27 cơ sở được chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.
Trong những tên tuổi thuộc diện di dời, không ít nhà máy có quy mô lớn đang nằm ở vị trí “đất vàng” của thủ đô. Đơn cử, Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long (235 Nguyễn Trãi, P.Thượng Đình, Q.Thanh Xuân) từ lâu đã được xác định là đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều quyết định về việc di dời nhưng không hiểu sao, đơn vị này vẫn chưa chịu di dời. Trong khi đó, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm của nhà máy vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân.
Một số đơn vị đã di dời một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất ra địa điểm mới nhưng vẫn cố giữ “đất vàng”.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường (460 Trần Quý Cáp, phường Văn Chương, quận Đống Đa) tọa lạc trên khu đất rộng hơn 13.000m2, hiện chỉ hoạt động sản xuất cơ khí, còn lại đã chuyển sang xưởng sản xuất tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương huyện Thường Tín nhưng vẫn giữ đất để cho thuê làm các dịch vụ gây ô nhiễm môi trường.
Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã có nhà máy công suất 200 triệu lít/năm tại huyện ngoại thành Mê Linh, nhưng tới nay vẫn “bám trụ” trên khu đất 5ha tại quận Ba Đình. “Quỹ đất này được quy hoạch làm công viên, vườn hoa và trường học nên khi nào thành phố có nhu cầu sử dụng và đền bù, Habeco sẵn sàng di dời” - lãnh đạo Habeco cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (524 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cũng đã chuyển một số bộ phận, máy móc liên quan đến hoạt động nhuộm và lò hơi sang nhà máy mới tại tỉnh Hưng Yên, nhưng vẫn duy trì hoạt động của bộ phận may và văn phòng ở cơ sở cũ.
“Câu giờ” chờ sửa Luật Đất đai?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương - khẳng định, cần sớm di dời các cơ sở lưu trữ, sản xuất, sử dụng hóa chất nguy hại khỏi các khu dân cư.
Ông Ngọc lý giải về tiến độ di dời chậm chạp: “Ngoài năng lực tài chính của các cơ sở hóa chất, còn cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, của các cơ quan liên quan”.
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho rằng, việc chậm di dời là do doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, năng lực tài chính không đáp ứng yêu cầu đầu tư thay đổi công nghệ tại nơi chuyển đến. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - khó khăn, rào cản lớn nhất nằm ở quyền lợi mà không doanh nghiệp nào muốn “nhả”.
Theo ông Nghiêm, để giải quyết triệt để việc này, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn, hoặc cho phép doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, tự tạo vốn bằng chính quỹ đất của mình.
Theo ông, thật khó để người ta từ bỏ miếng bánh lợi ích lớn. UBND TP.Hà Nội đã có chủ trương tạo điều kiện cho các chủ cơ sở sản xuất liên doanh với các đối tác có chức năng xây dựng đô thị để có nguồn lực ngay từ quỹ đất đang sở hữu.
Không nhất thiết phải thu hồi quỹ đất sau khi di dời mà nên để đơn vị chủ động dùng đất để liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, quy định về sở hữu đất liên doanh, liên kết hiện vẫn chưa được rõ ràng, chưa ai rõ có được gia hạn sau khi hết hạn hay không.
“Tôi được biết, có những đơn vị được giao quyền sử dụng đất trong thời hạn 30-50 năm tính theo Luật Đất đai năm 2003; đến nay, thời hạn sử dụng không còn nhiều nên đối tác liên kết sẽ tính và chi trả số tiền rất thấp cho phía đơn vị đang nắm quỹ đất, sau đó sẽ thuê lại đất của nhà nước. Chính vì vậy, các bên liên quan đều đang có tâm lý dùng dằng, chờ sửa đổi cơ chế trong Luật Đất đai mới” - ông Nghiêm nhận định.
Ông Nghiêm cũng cho rằng, trong việc sửa Luật Đất đai sắp tới, cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp ở nội đô rõ ràng hơn bởi thực tế, quỹ đất của các bộ, ngành trong danh sách cần di dời vẫn ít hơn nhiều so với các quỹ đất của cơ sở công nghiệp chưa di dời.
Vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông chẳng khác nào giọt nước tràn ly, cảnh tỉnh về việc chậm di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô.
Đáng nói, trong trường hợp chưa thể di dời, nhà máy vẫn duy trì sản xuất thì các cơ quan chức năng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc giữ lại hành lang môi trường an toàn.
Nhưng thực tế, “hành lang” đó không được tuân thủ mà đã có sự phát triển xen cài các nhà dân ngay sát nhà máy.
Ở đây, cần xem xét trách nhiệm về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chuyên môn, như thanh tra tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy… Các cơ quan này đã thiếu giám sát trong việc sử dụng quỹ đất, biết là thiếu hành lang an toàn vẫn cho hoạt động sản xuất”.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm
Nhóm phóng viên
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội