Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng do tự điều trị

Thứ năm, 19/12/2019, 09:25 AM

Khi sốt cao lại nghĩ mình sốt siêu vi, tự dùng thuốc và truyền dịch khiến không ít bệnh nhân sốt xuất huyết phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm gan, đe dọa xuất huyết não, nhập viện mới biết sốt xuất huyết

Chị P.T.N. (36 tuổi, ngụ tại Q.2, TP.HCM) vừa trải qua đợt bạo bệnh. Mãi tới khi vào bệnh viện cấp cứu, chị N. mới bắt đầu lo lắng, bởi không nghĩ chỉ sốt thôi mà tình trạng lại nguy hiểm tới vậy. Cuối tháng Mười chị bị sốt, kết quả xét nghiệm máu xác định sốt xuất huyết (SXH) nhưng nhẹ. Bác sĩ đề nghị theo dõi và điều trị ngoại trú. Sau 10 ngày, chị N. hồi phục. 

Ngày 9/12 khi bị sốt cao liên tiếp mấy ngày, chị hoàn toàn không nghĩ mình bị SXH và tự uống thuốc hạ sốt mỗi cữ bốn tiếng để chờ bệnh tự khỏi. Tới ngày sốt thứ sáu, cảm giác mệt mỏi vật vã, ớn lạnh. 

Bà T. (54 tuổi) bị sốc sốt xuất huyết, phải truyền máu liên tục - Ảnh: Phạm An

Bà T. (54 tuổi) bị sốc sốt xuất huyết, phải truyền máu liên tục - Ảnh: Phạm An

Chị bắt đầu bị ho nên mua thuốc cảm và kháng sinh uống. Nhưng vẫn không ổn nên chị N. đành đến bệnh viện khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số tiểu cầu của chị N. chỉ còn 49.000 (mức tối thiểu của người bình thường là 150.000). Bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay vì đang trong tình trạng phải theo dõi SXH nguy cơ biến chứng xuất huyết não. 

Trước đó, chị N. không biết mình bị SXH nên vẫn đánh răng và cố đi lại, lên xuống cầu thang. Chính điều này khiến bệnh nhân bị chảy máu chân răng, rất may đã cầm máu được. Bác sĩ Võ Thanh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quận 2, cho biết, những yếu tố khiến bệnh nhân này trở nặng là do khi bị sốt chủ quan không nghĩ tới nguyên nhân SXH, uống không đủ nước khiến máu cô đặc. 

Lúc bị SXH theo cơ địa mỗi người mà tiểu cầu sẽ sụt giảm tùy mức độ. Trong lúc tiểu cầu giảm nhiều mà bệnh nhân lại không nghỉ ngơi, cố đi lại sẽ rất dễ bị chảy máu do té ngã vì chóng mặt. Tiểu cầu giảm, chỉ nên súc miệng bằng nước muối, bệnh nhân lại không biết mà vẫn đánh răng. 

Chỉ cần trầy xước nhẹ ở nướu răng cũng có thể gây chảy máu khó cầm, rất nguy hiểm. Men gan của bệnh nhân khi SXH đã tăng cao hơn bình thường, thế mà bệnh nhân lại tự ý dùng thêm các thuốc cảm, kháng sinh… vô tình tạo thêm gánh nặng cho gan, thận. Tình trạng của chị N. lúc nhập viện được chẩn đoán kèm theo viêm gan do sử dụng thuốc.

Bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Phạm An

Bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Phạm An

Bác sĩ Hùng cũng lưu ý, có rất nhiều týp vi-rút gây bệnh SXH. Khi bị SXH một lần, cơ thể chỉ có miễn dịch với một týp vi-rút, người bệnh vẫn có thể tiếp tục bị SXH nếu con muỗi chứa các týp vi-rút khác đốt. 

Sốt xuất huyết bị biến chứng tràn dịch do tự truyền dịch

Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quận 2, các bệnh nhân bị biến chứng nặng còn do mắc phải sai lầm nghiêm trọng: cứ thấy sốt cao là tự đi phòng khám tư yêu cầu truyền dịch. Mới đây, khoa tiếp nhận nữ bệnh nhân P.H.V. (38 tuổi, ngụ tại Q.9) nghi ngờ SXH. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi. Khi bác sĩ gặng hỏi, bệnh nhân kể ngày thứ hai bị sốt cao quá nên tự gọi dịch vụ tới nhà truyền dịch để hạ sốt. 

Nguyên nhân khiến chị V. bị tràn dịch màng phổi vì SXH làm tăng tính thấm thành mạch, từ đó dịch truyền vào không thoát ra được. Điều đáng nói là tới 40% bệnh nhân SXH tại khoa này thừa nhận có truyền dịch ở bên ngoài trước khi nhập viện. 

Tỷ lệ các trường hợp bị biến chứng tràn dịch màng tim, phổi và ổ bụng do tự ý truyền dịch chiếm 15%. Vì những lý do trên, không ít ca SXH nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng. Hiện tại ở đây đang điều trị cho một bệnh nhân SXH có chỉ số tiểu cầu vô cùng thấp là 3.000. Đây là chỉ số đe dọa đến tính mạng.

Tình trạng này còn xảy ra ở trẻ em do phụ huynh không theo dõi kỹ các dấu hiệu nguy hiểm. Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết, hiện nay ngày nào đơn vị ông cũng tiếp nhận từ 2-3 ca bị sốc SXH. Đa số những bé này để nặng tới mức đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, nôn ói. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng ghi nhận nhiều phụ huynh tưởng con bị sốt siêu vi, thậm chí nghĩ tới những bệnh lý như viêm màng não, sốt nhiễm trùng… Ngay tại khoa này vẫn phát hiện nhiều bé ban đầu theo dõi viêm màng não nhưng khi nhập viện làm xét nghiệm lại xác định là SXH.

Phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết dễ gây sẩy thai

Vừa qua, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quận 2 đã tiếp nhận điều trị cho hai thai phụ bị SXH. Thai phụ thứ nhất mang song thai ở tuần thứ 27 trong tình trạng sốt cao, tiểu cầu thấp. May mắn, sau một tuần theo dõi và điều trị, lúc xuất viện tình trạng thai nhi an toàn. Tuy nhiên, trường hợp thứ hai là thai phụ mang thai sáu tuần lại không được khả quan.

Bệnh nhân nhập viện ở ngày sốt thứ ba với mức tiểu cầu sụt xuống ngưỡng 84.000. Tim thai ngay khi nhập viện đã yếu và nước ối cũng có dấu hiệu bất thường. Trong quá trình nằm viện, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như chảy máu cam, viêm hô hấp. Sau đó, tình trạng SXH ổn định, chỉ số tiểu cầu của bệnh nhân tăng lên trên 100.000 nhưng kết quả siêu âm cho thấy sức khỏe thai nhi không tốt, gia đình thai phụ đã xin xuất viện để qua bệnh viện chuyên khoa sản theo dõi tiếp.

Từ hai trường hợp trên, bác sĩ Võ Thanh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quận 2, nhận định, phụ nữ mang thai mắc SXH dễ bị chảy máu và gây sẩy thai, suy thai, lưu thai. Thai càng nhỏ tuần tuổi thì nguy cơ càng cao. Vào tuần cuối của thai kỳ mà thai phụ bị SXH cũng nguy hiểm bởi xảy ra tình trạng rối loạn đông máu khi chuyển dạ. Tuy nhiên, SXH không phải là chỉ định bỏ thai nên bệnh nhân cần bình tĩnh. Tốt nhất bị sốt khi mang thai nên đi khám ngay để được theo dõi và làm theo chỉ định của bác sĩ.

 Thanh Huyền

Theo phunuonline.com.vn