Người thuê trọ vẫn đóng tiền điện giá cao
Ngày 12-9-2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 quy định về thực hiện giá bán điện. Theo đó, chủ nhà phải tính giá điện cho người thuê trọ như một hộ sinh hoạt độc lập, biểu giá điện bậc 3. Tuy nhiên đến nay, sau gần một năm Thông tư 25/2018/TT-BCT có hiệu lực, nhiều người thuê trọ ở Hà Nội vẫn chưa được hưởng quyền lợi này.
Bất chấp, phớt lờ quy định
Thông tư 25/2018/TT-BCT (Thông tư 25) nêu rõ: Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), chủ nhà cho thuê chưa xác định số người thuê trọ thì áp dụng biểu giá mức điện bậc 3 - từ 101 đến 200kWh (tính theo giá điện hiện nay là 2.014 đồng/kWh). Trường hợp chủ nhà xác định được số người thuê sẽ được tính 2 định mức 100kWh đầu hưởng giá bậc 1 là 1.678 đồng/kWh và 100kWh sau được hưởng giá bậc 2 là 1.734 đồng/kWh. Quy định này đã giảm gánh nặng cho người thuê trọ, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn gặp khó khăn khi nhiều trường hợp bất chấp hoặc phớt lờ và cố tình thu tiền điện giá cao.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số quận, huyện, người thuê trọ đang phải trả tiền điện bình quân là 4.000-5.000 đồng/kWh. Chị Nguyễn Thị Hoài, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải, thuê trọ tại ngõ 259, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết: "Từ năm 2017 đến nay, chủ nhà trọ vẫn thu tiền điện của người thuê nhà 4.500 đồng/kWh. Đến tháng 6-2019, khi có quy định về việc tăng giá điện, chủ nhà thông báo sẽ thu tăng tiền điện của khách trọ với giá 5.000 đồng/kWh. Mặc dù chúng tôi phản đối, nhưng chủ nhà không giảm".
Tại các quận Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… tình trạng chủ nhà trọ thu tiền điện giá 4.000 đồng/kWh cũng diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như ngày 21-5-2019, Điện lực Hai Bà Trưng kiểm tra, phát hiện chủ nhà là Phạm Văn Thanh ở số 1, ngách 121/25 Lê Thanh Nghị thu tiền của người thuê trọ với giá 4.500 đồng/kWh. Tuy nhiên, sau khi lập biên bản, ông Thanh không hợp tác. Vì vậy, Công ty Điện lực Hai Bà Trưng buộc phải tập hợp các hồ sơ và lập biên bản về việc vi phạm gửi tới Thanh tra Sở Công Thương để triệu tập khách hàng, xử lý theo quy định.
Theo bà Lã Thị Thu Yến, Giám đốc Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn do các hộ ngại kê khai, đăng ký giấy đăng ký kinh doanh, sổ tạm trú... Nhiều chủ nhà né tránh bằng cách giảm giá điện theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 nhưng lại tăng giá tiền nhà. Hoặc có hộ tính gộp tiền thuê nhà và tiền điện, nước vào một khoản chứ không tách riêng như trước...
Kiên quyết xử lý vi phạm
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), tính đến đầu tháng 7-2019, đơn vị này bán điện cho 12.400 hộ thuê nhà để ở, song mới có 2.810 hộ được áp định mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang; 8.910 hộ được áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 (đơn giá 2.014 đồng/kWh cho bậc tiêu thụ từ 101 đến 200 kWh).
Sau khi Thông tư số 25 có hiệu lực, EVN Hà Nội đã niêm yết công khai thông tư, các thủ tục, phương pháp tính định mức; ký cam kết cấp định mức hoặc đã áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3. Đặc biệt, từ tháng 5-2019, EVN Hà Nội tích cực phối hợp với Công an thành phố, Sở Công Thương kiểm tra, lập biên bản đối với các hộ cho thuê nhà cố tình vi phạm tăng giá điện. Đến hết tháng 6-2019, lực lượng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với 10 trường hợp không thực hiện quy định giá điện cho người thuê trọ.
Trước sự né tránh, “lách” quy định của chủ nhà, các đơn vị ngành Điện đã đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân. Theo bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hai Bà Trưng, thời điểm bắt đầu thực hiện Thông tư 25, đơn vị gặp khó khăn khi quy định chủ nhà trọ phải nộp các thủ tục giấy tờ nên ngại và trì hoãn. Sau khi có chỉ đạo của EVN Hà Nội là áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 mà không cần các thủ tục hành chính như trên nên việc vận động các chủ nhà ký cam kết và thực hiện đúng cam kết thuận lợi hơn. “Đây có thể được xem là một “nút thắt” tháo gỡ khó khăn”, bà Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết.
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Trong tháng 5, 6-2019, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với EVN Hà Nội, UBND các quận, huyện rà soát, tổng hợp, bổ sung đầy đủ các điểm có nhà cho thuê để ở, thực hiện việc áp định mức sinh hoạt bậc thang theo cách đơn giản thủ tục nhất. Đồng thời, hướng dẫn và yêu cầu các chủ hộ cho thuê ký cam kết để thực hiện thu tiền điện đúng quy định, làm cơ sở để nhân viên điện lực kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử lý theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ.
Có thể nói, Thông tư 25 của Bộ Công Thương ra đời đã kịp thời chia sẻ khó khăn, gánh nặng cho người lao động, học sinh, sinh viên... phải đi thuê trọ. Song để người thuê trọ - hầu hết có điều kiện kinh tế khó khăn - được hưởng quyền lợi chính đáng của mình, rất cần sự vào cuộc, giám sát kịp thời và thường xuyên của các cơ quan chức năng, bảo đảm quy định này thực sự mang lại hiệu quả trên thực tế.
Theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Kim Vũ - Đỗ Hà
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội