Người lao động mừng, doanh nghiệp 'than' khó

Thứ năm, 21/12/2023, 10:48 AM

Sáng 20/12, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua phương án khuyến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2024. Phương án này, người lao động (LĐ) sẽ được tăng lương thêm từ 200 - 280 nghìn đồng/tháng so với hiện hành. Trong khi đó, doanh nghiệp lo áp lực

Hội đồng tiền lương thống nhất khuyến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2024. (Ảnh minh họa: H.Việt)

Hội đồng tiền lương thống nhất khuyến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2024. (Ảnh minh họa: H.Việt)

Mức tăng có sự chia sẻ

Với 100% số phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2024. Kết quả này sẽ được Hội đồng Tiền lương khuyến nghị Chính phủ sẽ xem xét quyết định.

Nếu phương án trên được Chính phủ thông qua, từ ngày 1/7 năm tới, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 200 - 280 nghìn đồng/tháng, cụ thể: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280 nghìn đồng/tháng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).

Tương tự, lương tối thiểu vùng theo giờ cũng được Hội đồng thống nhất khuyến nghị tăng 6% vào cùng thời điểm. Cụ thể, vùng I tăng từ 22,5 nghìn đồng/giờ lên 23,8 nghìn đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20 nghìn đồng lên 21,2 nghìn đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17,5 nghìn đồng lên 18,6 nghìn đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15,6 nghìn đồng lên 16,6 nghìn đồng/giờ.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, các thành viên hội đồng đánh giá, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, biến động khó lường, tác động không nhỏ tới Việt Nam. Năm 2023, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục có những kết quả tích cực, đạt mức tăng trưởng trên 5% - thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, lạm phát dưới 4%. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tốt, đời sống người LĐ cũng được cải thiện. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn, đặc biệt là xuất khẩu, khi đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm việc làm và LĐ. “Trên cơ sở chia sẻ khó khăn giữa người sử dụng LĐ và người LĐ, hội đồng thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% để khuyến nghị Chính phủ. Đây là mức tăng hài hoà giữa các bên, có sự chia sẻ, được tất cả thành viên hội đồng thông qua”, ông Thanh nói.

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, từ năm 2015 tới nay, Việt Nam luôn tăng lương tối thiểu ổn định và nhất quán, từ mức 119 USD/tháng (năm 2015) lên 168 USD/tháng hiện hành. Tính chung giai đoạn 2015-2022 lương tối thiểu tại Việt Nam tăng tổng 19,8%.

Doanh nghiệp chịu áp lực

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam nhìn nhận, mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% là phù hợp bối cảnh, có sự chia sẻ giữa người sử dụng LĐ và người LĐ.

Ông Hiểu cho rằng, mức tăng thêm 6% nếu được Chính phủ thông qua sẽ cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của người LĐ.

Phó Chủ tịch VCCI - Hoàng Quang Phòng lại nêu quan điểm chưa thực sự “hài lòng” với mức tăng lương tối thiểu thêm 6%, bởi doanh nghiệp đang rất khó khăn. Doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt sản xuất hàng xuất khẩu, dự báo năm 2024 vẫn chưa hết khó. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận đa số, nên mức tăng vẫn được thông qua.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty CP may Nam Hà cho biết, với mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%, thị trường phải tốt lên thì doanh nghiệp mới gánh được. Nếu đơn hàng năm tới vẫn như hiện nay, hoặc giảm, doanh nghiệp thực sự sẽ rất khó duy trì hoạt động. Theo ông Dũng, lương tối thiểu tăng chủ yếu làm tăng các khoản đóng góp liên quan tới phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, còn thu nhập người LĐ trong nhiều doanh nghiệp đã được trả cao hơn lương tối thiểu nên cơ bản không đổi. Năm 2023, dù nỗ lực, doanh nghiệp này chỉ đảm bảo được thu nhập cho người LĐ từ 6-7 triệu đồng/tháng, giảm 2-3 triệu đồng/tháng so với trước. Hiện, mỗi tháng doanh nghiệp này đóng phí công đoàn, bảo hiểm xã hội khoảng 700 triệu đồng. Khi tăng lương tối thiểu thêm 6%, các khoản phí này cũng tăng tương ứng.

“Không chỉ doanh nghiệp, phần trích đóng phí công đoàn, bảo hiểm xã hội của người LĐ cũng tăng theo lương tối thiểu mới. Doanh nghiệp không thể để thu nhập thực tế người LĐ giảm, nên bắt buộc phải tăng bù các khoản chi cố định. Sức ép chi phí nhân công chắc chắn sẽ tăng gấp đôi khi lương tối thiểu tăng. Sức ép cắt giảm chi phí sản xuất để có nguồn bù tăng lương càng lớn hơn trong năm tới, trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm”, ông Dũng nói. 

Theo tienphong.vn