Người dân mắc bẫy với chiêu trò “mua hàng hoàn tiền”
Nhiều người dân ở các xã Diễn Hồng, Diễn Hải (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã tin vào nhóm bán hàng với những lời giới thiệu sản phẩm “tốt cho sức khỏe” nên đã mua với giá “cắt cổ” mà không rõ chất lượng.
Vừa qua, trên địa bàn xã Diễn Hải, Diễn Hồng (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) xuất hiện nhóm bán hàng khoảng 20 người đi ô tô đến giới thiệu sản phẩm và bán các mặt hàng như chảo, nồi áp suất, nồi lẩu, nồi cơm điện, thuốc xoa bóp...
Để thu hút người dân mua hàng, các nhóm này thường tìm đến các gia đình, chợ để gửi giấy mời, chủ yếu cho những người cao tuổi, người trung niên đến tham dự chương trình.
Khi đến tham dự, mỗi người sẽ được tặng 1 can dầu ăn 2 lít. Vì được nhận quà miễn phí nên nhiều người còn gọi thêm cả anh em, người thân quen tới tham dự khiến buổi bán hàng trở nên đông hơn.
Khi đã lôi kéo được nhiều người tới tham dự bằng chiêu “tặng quà”, nhóm bán hàng bắt đầu triển khai chương trình bán vé mua hàng quay thưởng, với các mức vé 50.000 nghìn đồng, 100.000 nghìn đồng, 200.000 nghìn đồng, vé càng đắt thì mức thưởng càng cao.
Sau đó, nhóm này bán một vài sản phẩm với số tiền nhỏ và thu mua lại sản phẩm đó cho người dân với giá cao hơn ban đầu, khiến cho nhiều người rất vui mừng. Thậm chí để sản phẩm càng lâu, giá thu mua về sau sẽ càng cao.
Tiếp đó, người dân tham dự sẽ được giới thiệu các sản phẩm với giá cao hơn: 700.000 nghìn đồng/chảo; 4,1 triệu đồng/nồi áp suất, 2,5 triệu đồng/nồi lẩu...
“Người mua hàng, ai cũng nghĩ sẽ được thu mua lại sản phẩm với giá cao hơn và có tặng kèm nhiều sản phẩm như dầu ăn, mì chính... nên đã hào hứng tham gia và mua hàng. Sau khi bán được các sản phẩm, nhóm bán hàng hẹn người dân từ 12h đến 13h30’ cùng ngày đến quay thưởng để nhận quà tặng. Tuy nhiên khi đã gom được số tiền lớn, nhóm đối tượng này bắt đầu tìm cách rút lui rồi lên xe “cao chạy xa bay”, một người dân cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Trung - Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu xác nhận: “Có việc nhóm người tổ chức bán hàng ở chợ Dàn, tuy nhiên chỉ nghĩ họ (Nhóm người bán hàng -PV) bán hàng bình thường nên cho họ làm việc với BQL chợ để tổ chức bán hàng. Sau khi người dân quay clip phản ánh, đã giao cho Phó Chủ tịch xã phụ trách phối hợp với lực lượng Công an giải quyết”.
Tại xã Diễn Hải, để có nơi tổ chức, nhóm bán hàng đã thuê máy san gạt thửa đất bên cạnh chợ. Sau đó, nhóm người này thuê rạp để dựng rồi quây bạt kín xung quanh chỉ chừa một lối đi, bàn ghế được bày sẵn như rạp đám cưới. Việc tổ chức công khai khiến người dân không ai nghi ngờ gì.
Gia đình ông Lê Xuân Hương (ở xóm 6, xã Diễn Hải) nghe theo lời giới thiệu cũng cố vay mượn thêm tiền để mua một nồi áp suất, với giá 4,1 triệu đồng, kèm theo đó ông được tặng một chiếc chảo chống dính cùng dầu ăn, bột súp, nước mắm, nước rửa chén, mà không biết chất lượng sản phẩm thế nào.
Tương tự, ông Trần Văn Sinh (xóm 6, xã Diễn Hải) cho biết: “Dù họ không gửi giấy mời tham dự chương trình, nhưng vợ tôi cũng ra xem thì được tặng một chai dầu ăn, tôi sau đó đến nơi đã thấy rất đông người được nhận quà. Vợ chồng tôi như bị cuốn vào những lời giới thiệu của họ nên mua hàng hết gần 10 triệu đồng”.
Còn có những người hoàn cảnh gom góp được chút tiền để chữa bệnh, hay mới bán được đàn lợn con cũng lấy ra mua các sản phẩm được giới thiệu "có lợi cho sức khỏe", và được thu mua lại với giá cao. Cuối cùng đành phải “ngậm đắng nuốt cay” khi biết toàn bộ sản phẩm đã mua có giá bán cao hơn rất nhiều so với giá thực tế trên thị trường, và mua phải những mặt hàng gia dụng không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Ông Phan Văn Thuyên – Chủ tịch UBND xã Diễn Hải cho biết: “Trước hôm tổ chức ở chợ, họ có gọi điện thoại cho tôi, cũng nghĩ họ bán hàng bình thường nên sau đó đã giao cho BQL chợ làm việc với họ. Còn hôm thứ Bảy, họ bán hàng thì tôi lại đi Vinh cả ngày”.
Có thể thấy, qua việc điện thoại "báo cáo" bán hàng với lãnh đạo xã, nhóm người này đã "qua mặt" được chính quyền địa phương một cách dễ dàng và ổ chức các hoạt động lừa đảo rất công khai.
Nhiều "nạn nhân" của hình thức kinh doanh này hiện đang rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười" vì còn giấu người thân đi vay tiền để mua những sản phẩm, hay mua rồi về phải giấu chồng, vợ.
Qua vụ việc, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo trước những chiêu trò “khuyến mãi, tặng quà, mua hàng hoàn tiền”. Trước khi mua hàng cần kiểm tra nhãn mác, giá cả, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Đặc biệt, chính quyền địa phương cần kiểm tra kỹ trước khi cho phép các cá nhân, tổ chức đến xin phép tổ chức các hội thảo, giới thiệu sản phẩm đến người dân; các cơ quan chức năng, địa phương cần nâng cao trách nhiệm, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi bán hàng không đúng quy định.
ĐỨC CHUNG
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm