Người bệnh là cái túi hứng thuốc giả
Mỗi năm có hàng trăm loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện nhưng đến lúc thu hồi thì phần lớn đã được người bệnh sử dụng hết.
Đầu tháng 1 vừa qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành cảnh báo việc xuất hiện thuốc kháng sinh giả Lincomycin 500 mg trên thị trường, đồng thời yêu cầu có biện pháp ngăn chặn.
Phát hiện lúc cận "đát"
Cũng trong đầu tháng 1, Cục Quản lý dược ra quyết định thu hồi thuốc viên nang cứng Sarinex (Celecoxib 200mg), số đăng ký (SĐK): VD-11567-10, số lô: M-005, hạn dùng: 21-12-2019 do Công ty Efroze Chemical Industries (Pvt) Ltd (Pakistan) sản xuất, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây nhập khẩu vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây là loại thuốc thuộc nhóm giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid, thuốc điều trị gút và các bệnh xương khớp.
Trước đó, tháng 12-2017, Cục Quản lý dược đã đình chỉ lưu hành 2 lô thuốc kém chất lượng, gồm viên nang mềm Bluetec (chống dị ứng) của Công ty CP Dược phẩm Medisun (Bình Dương) và viên nang Virazom (điều trị dạ dày) của Công ty Zim Laboratories Ltd (Ấn Độ).
Đáng lưu ý, tháng 10-2017, sau khi có khuyến cáo của cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới, Cục Quản lý dược đã có quyết định rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và thu hồi 42 loại thuốc gồm: thuốc điều trị dạ dày chứa hoạt chất domperidon, thuốc điều trị viêm thực quản, thuốc chống phù nề chứa hoạt chất phối hợp trypsin và bromelain hay dùng trong chấn thương, dùng phối hợp điều trị các bệnh đường hô hấp...
Việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng khiến dư luận lo ngại khi một phần không nhỏ các thuốc này đã được người bệnh sử dụng trước khi thu hồi. Cục Quản lý dược cho biết phần lớn thuốc kém chất lượng được phát hiện trong quá trình hậu kiểm, với nhiều trường hợp đến lúc phát hiện đã cận "đát" (date), gần hết hạn sử dụng.
Đơn cử, cuối tháng 12-2017, Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi thuốc kém chất lượng đối với thuốc khớp Phong Dan viên nang cứng, SĐK: VD-12458-10, số lô: 225615. Thuốc này được Công ty CP Dược trung ương Mediplantex sản xuất vào tháng 7-2015, hạn dùng đến tháng 7-2018. Với hơn 2 năm lọt ra thị trường, phần lớn thuốc này đã… vào bụng người bệnh.
Siết chặt khâu tiền kiểm
Theo Cục Quản lý dược, hằng năm, các hệ thống kiểm nghiệm lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Trong đó, khoảng 800 mẫu thuốc bị phát hiện kém chất lượng, chiếm 2%.
Theo ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, những năm gần đây, trung bình mỗi năm viện lấy hơn 1.000 mẫu thuốc để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 2%, thuốc giả 0,01%. Ngoài ra, với nhóm dược liệu cũng phát hiện nhiều mẫu giả, kém chất lượng, không có tác dụng chữa bệnh.
Điều đáng lo ngại là thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có khoảng 30.000 loại thuốc lưu hành, mỗi mặt hàng có nhiều tên gọi, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất khác nhau nên không dễ kiểm soát tất cả sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn thuốc giả, thuốc kém chất lượng được phát hiện trong quá trình hậu kiểm, kiểm nghiệm sau khi lưu hành dẫn đến số lượng lớn các loại "thuốc đen" này đã được tiêu thụ hết.
Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho rằng để ngăn chặn thuốc kém chất lượng trước khi đến người bệnh, cục sẽ tăng cường hơn nữa khâu tiền kiểm. Cụ thể, đối với các lô thuốc nhập khẩu của các nhà sản xuất có nguy cơ cao về chất lượng, thời gian qua, cục đã thực hiện tiền kiểm 100% trước khi lưu hành.
Nhìn nhận từ hàng trăm loại thuốc không đạt chất lượng bị phát hiện, thu hồi mỗi năm, một chuyên gia y tế cho rằng cần có những quy định giám sát hồ sơ và chế tài xử lý mạnh tay hơn. Đặc biệt là phải tăng cường quản lý nhà nước về kiểm nghiệm. Bởi lẽ, theo quy định hiện hành, khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với thuốc do cơ sở mình sản xuất. Như vậy, trong trường hợp thuốc "có vấn đề" hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, nhà sản xuất khó có thể tự… tố cáo mình.
Theo chuyên gia trên, đây là lỗ hổng cần phải bịt ngay. Nếu không, người bệnh sẽ vẫn là cái túi hứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Không dễ phát hiện?
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra hết sức phức tạp. Thuốc giả được sản xuất, lưu hành ngày càng tinh vi, thậm chí có tem chống hàng giả với mã số y như thuốc thật, khiến việc phát hiện không hề dễ.
Ngọc Dung
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội