Ngừng thí điểm, gọi xe công nghệ sẽ ra sao?

Thứ tư, 19/02/2020, 09:45 AM

Các hãng gọi xe công nghệ đều khẳng định hoạt động của họ vẫn diễn ra bình thường sau khi ngừng đề án thí điểm

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Quyết định số 146/QĐ-BGTVT ngày 11-2 về việc dừng Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT) kể từ ngày 1-4-2020 để thực hiện theo quy định mới tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Doanh nghiệp nói "không bị ảnh hưởng"

Theo quyết định mới ban hành, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp (DN), HTX kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia đề án thí điểm trên địa bàn dừng hoạt động thí điểm từ ngày 1-4. Đồng thời, chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 10/2020.

Các hãng gọi xe công nghệ sẽ ngừng thí điểm từ ngày 1-4 và chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp, hạn chót tới 1-7-2021 Ảnh: TẤN THẠNH

Các hãng gọi xe công nghệ sẽ ngừng thí điểm từ ngày 1-4 và chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp, hạn chót tới 1-7-2021 Ảnh: TẤN THẠNH

Trường hợp ôtô dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1-4, nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên ôtô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1-7-2021. Nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình taxi phải thực hiện cấp lại phù hiệu taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định của Nghị định 10.

Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết trước đây thị trường xuất hiện loại hình xe kết nối vận tải hành khách thông qua phần mềm ứng dụng nên Bộ GTVT đã có Quyết định 24 cho phép thí điểm. Hiện nay đã có Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải nên bộ quyết định dừng thí điểm để thực hiện theo quy định mới.

Là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia thí điểm và hiện nắm thị phần lớn nhất trên thị trường gọi xe công nghệ, đại diện Grab Việt Nam cho biết quyết định dừng thí điểm này không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab tại Việt Nam. Hành khách vẫn có thể đặt xe, gọi đồ ăn, giao hàng bình thường. Đối tác tài xế của Grab vẫn hoạt động bình thường trên nền tảng ứng dụng Grab. Kể từ ngày 1-4, hoạt động của Grab sẽ tuân thủ chặt chẽ theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP. "Chúng tôi đang nghiên cứu Nghị định 10 của Chính phủ để lựa chọn mô hình hoạt động tốt nhất của mình, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án nào, Grab vẫn tuân thủ pháp luật và bảo đảm tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế, cũng như hướng đến sự phát triển của cộng đồng" - vị đại diện này giải thích thêm.

Cũng là đơn vị tham gia thí điểm, ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc FastGo, nhìn nhận sẽ nghiêm túc thực hiện theo các quy định mới tại Nghị định 10 vì nhìn chung những quy định mới không khác nhiều so với đề án thí điểm. Chỉ có điểm khác cơ bản mà DN phải xử lý là tách bạch công ty vận tải và công ty cung cấp phần mềm ứng dụng. Theo đó, nếu là công ty phần mềm chỉ cung cấp ứng dụng sẽ không được quyết định giá cước. Điểm khác nữa là chọn phương thức gắn hộp đèn taxi hay chọn hình thức xe hợp đồng. "Thực hiện theo nghị định mới, FastGo sẽ là DN cung cấp ứng dụng kết nối. Theo đó, chúng tôi sẽ chuyển giao ứng dụng kết nối này cho các đối tác DN taxi hay HTX vận tải. Các chủ xe tự mình quyết định chọn chạy taxi hay chạy xe hợp đồng. Nếu chạy taxi thì họ tham gia vào các hãng taxi, còn chạy hợp đồng thì họ tham gia vào các HTX" - ông Tuất nói.

Ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net, cũng thừa nhận thực hiện theo Nghị định 10 cũng không khác nhiều so với hoạt động hiện của T.Net và các đối tác. Cụ thể, các đối tác của T.Net lâu nay đều tham gia các hãng taxi hoặc HTX vận tải, trong đó đối tác tham gia HTX chiếm đến 80%-90%. Sau này, các đối tác có thể ủy quyền cho hãng để thực hiện các giao dịch với khách hàng, tức mọi thứ vẫn diễn ra như hiện nay.

Các hiệp hội băn khoăn

Ủng hộ việc dừng thí điểm và yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe, vận tải phải chuyển đổi mô hình phù hợp nhưng ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, lại cho rằng quãng thời hạn chuyển đổi kéo dài với 1-7-2021 là quá dài, có thể khiến DN cố tình chậm trễ, gây khó khăn cho công tác quản lý. "Thời gian chuyển đổi càng ngắn thì càng nhanh đi vào ổn định. Các Sở GTVT tùy theo điều kiện trên địa bàn mà có thể chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện càng sớm càng tốt" - ông Quyền cho hay.

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, khi người dân vẫn lựa chọn đi lại bằng taxi, bằng xe hợp đồng điện tử song song với các hình thức khác, chứng tỏ nhu cầu sử dụng loại hình này vẫn tồn tại. Ông Thủy cho rằng việc chuyển đổi sang loại hình taxi hay xe hợp đồng là phù hợp để tăng hiệu quả quản lý, giúp các loại hình vận tải hoạt động quy củ trong khuôn khổ pháp luật nhưng cần quy hoạch lại số lượng phương tiện chuyển đổi. "Không nên cho phép một cách tùy tiện mà nên có phương án quy hoạch lại, ở Hà Nội bao nhiêu, TP HCM bao nhiêu taxi hoặc xe hợp đồng là hợp lý chứ không phải tất cả đều chuyển sang" - chuyên gia này gợi ý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nhận định việc chuyển đổi xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sang loại hình taxi sẽ không dễ dàng, vì bản thân các địa phương thuộc diện thí điểm mô hình "taxi công nghệ" lâu nay đều đang rơi vào tình trạng quá tải số lượng taxi. "Không phải khó khăn mà không xin được. Không bao giờ có chuyện ấy bởi vì quyết định tăng phương tiện là quyền của UBND TP Hà Nội chứ không phải của Sở GTVT TP Hà Nội. Cơ quan quản lý quy hoạch phương tiện thì mới tính được chỉ số phục vụ người dân, không thì làm loạn thị trường lên à?" - ông Nguyễn Công Hùng lấy ví dụ từ việc xin tăng số taxi ở Hà Nội cho Mai Linh Miền Bắc. 

Doanh nghiệp phần mềm không được điều hành xe

Theo Nghị định 10/2020, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải; phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử và phải đáp ứng một số yêu cầu theo nghị định này. Cụ thể, đơn vị sẽ ghi nhận đặt xe của hành khách và chuyển cho đơn vị vận tải; thực hiện vai trò là đơn vị trung gian; bảo mật thông tin và lưu trữ dữ liệu; chỉ được cung cấp phần mềm cho đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải bằng ôtô...

Văn Duẩn - Nguyễn Hải

Theo nld.com.vn
Từ khóa: