Ngư dân phải thật sự làm chủ con tàu
Bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khi nói về việc huy động các nguồn lực phát triển kinh tế biển Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ, lấy khoa học - công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao làm khâu đột phá để phát triển kinh tế biển.
Đồng thời khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư có công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển”.
Đối với ngư dân Đà Nẵng, việc tự bỏ tiền ra thiết kế con tàu phù hợp với ngành nghề, bỏ công sức nghiên cứu, tìm kiếm những chuyên gia để tham khảo cho đến việc tỉ mỉ chọn những loại sơn tốt nhất đã tạo nên thành công của tàu vỏ thép Đà Nẵng và người ngư dân thực sự làm chủ con tàu.
Ngư dân tự làm thiết kế, “ăn ngủ” cùng con tàu
Sau 2 năm hạ thuỷ, tàu vỏ thép ĐNa 90767-TS - chiếc tàu vỏ thép thứ 2 tại Đà Nẵng được đóng theo Nghị định 67 của gia đình ngư dân Nguyễn Sương trị giá 19 tỉ đồng vẫn đang hoạt động tốt. Chính gia đình anh Sương cũng khẳng định, việc được địa phương tạo điều kiện đóng tàu thép đã giúp gia đình anh vươn khơi vững tâm hơn hẳn bởi sức chịu sóng gió tốt hơn tàu vỏ gỗ.
Thế nhưng để có được hiệu quả đó, ngư dân Nguyễn Sương đã phải bỏ công nghiên cứu trong 2 năm, mất thêm 1 năm đóng tàu mới hoàn thành. Xác định ngay từ đầu ngành nghề sẽ làm, anh Sương không lấy mẫu thiết kế của Nhà nước mà tự bỏ chi phí ra để thuê người thiết kế. Lần đầu tiên đóng tàu vỏ sắt, anh Sương lặn lội ra Đại học Hàng Hải (Hải Phòng) để tham khảo ý kiến của các giáo sư đầu ngành về thiết kế đóng tàu.
“Chỉ khi làm chủ được con tàu thì mới thấy có trách nhiệm với từng mối hàn, từng mảnh thép. Đây là điều mà nếu tiếp tục thực hiện trong tương lai, vai trò của ngư dân phải được đẩy lên cao” - anh Sương chia sẻ.
“Chọn mặt gửi vàng”
Đồng tình với ý kiến của anh Sương và nhiều ngư dân Đà Nẵng khi những con tàu vỏ thép tại đây, đến nay chưa gặp phải những hỏng hóc như sự cố tại Quảng Nam, Bình Định, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng - cho biết, khâu kiểm duyệt hồ sơ tại Đà Nẵng cũng được làm nghiêm ngặt.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, từ 2015 - 2017, đơn vị thẩm định 32 hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67 của ngư dân, trong đó chỉ có 9 hồ sơ đạt, 8 hồ sơ tổ chức, cá nhân tự rút do không còn nhu cầu vay, 15 hồ sơ không đạt với nguyên nhân người vay chưa có đủ năng lực nghề nghiệp và năng lực tài chính. Những ngư dân sở hữu tàu vỏ thép tại Đà Nẵng đều là những ngư dân trẻ, là lớp ngư dân có trình độ, biết tiếp thu công nghệ và có trách nhiệm khi đóng con tàu của mình…
Nghề cá không chỉ có con tàu
Đã đến lúc Chính phủ cần tính toán đến việc đưa ngành ngư nghiệp nhân dân lên thành công nghiệp đánh cá. Đặc biệt, ngư dân không thể mãi làm nghề tự phát mà phải được đào tạo chính quy.
Cụ thể, ngư dân Trần Văn Mười với con tàu 67 hơn 18,3 tỉ đồng sau 2 năm ra khơi được vài chục chuyến biển thì việc đánh bắt hải sản gặp khó khăn. Ông Mười bắt đầu đuối dần trong việc trả nợ ngân hàng; các khoản nợ gốc và lãi vay đã chuyển sang nợ quá hạn, rồi đến nợ xấu.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng - cho biết: “Đây là điều đã được cảnh báo. Hơn 30% số lượng ngư dân tại Đà Nẵng đã sụt giảm từ nhiều năm qua. Chủ tàu phải thuê nhân công từ Quảng Nam và nhiều địa phương khác và nay là đến tàu Quảng Ngãi gặp phải vấn đề này”.
Ông Trần Văn Lĩnh chỉ rõ: “Chúng ta có chương trình 67, nhưng chỉ hỗ trợ cho con tàu - một bộ phận rất nhỏ của nghề cá. Và nguy cấp hơn sợ rằng nếu kéo dài, sẽ không có người đi đánh cá nữa và nguy cấp hơn là biển cũng không ai giữ cả!”.
Từ thực tiễn đó, ông Lĩnh kiến nghị, muốn nghề cá phát triển, phải coi nghề cá là một ngành nghề thực sự. Lao động phải được đào tạo bài bản. Chính phủ cũng phải làm ngay và phải đi đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng như cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền để ngư dân vững tâm bám biển.
THÙY TRANG
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội