Nghịch lý - người Việt nhậu nhiều nhưng doanh nghiệp bia rượu vẫn “bê bết”
Việt Nam nằm trong nhóm tiêu thụ bia rượu tăng nhanh nhất thế giới. Thế nhưng, một nghịch lý đang xảy ra, trong khi người tiêu dùng “có tiếng” nhậu nhiều thì nhiều doanh nghiệp bia rượu vẫn bê bết, trong đó có cả ông lớn Bia Hà Nội.
Người Việt khiến ông lớn thế giới thèm muốn vì... nhậu nhiều
Mới đây, tạp chí Forbes khiến truyền thông Việt Nam chú ý khi đưa ra các số liệu thể hiện khả năng uống bia rượu “đỉnh cao” của người tiêu dùng Việt. Dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990-2017, Forbes cho thấy tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ...
Trong giai đoạn 2010-2017, lượng tiêu thụ tại Đông Nam Á tăng 34%. Tỷ lệ tăng ở Việt Nam vượt trội lên đến 90%. Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, cao hơn rất nhiều so với 5,9 lít tại Ấn Độ và 7,9 lít ở Nhật Bản.
Còn theo công bố của hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) về mức tiêu thụ tương lai của người tiêu dùng Việt, Statista tin rằng tổng mức doanh thu với thị trường bia của Việt Nam sẽ đạt con số 7,7 tỷ USD vào năm 2019. Tốc độ tăng trưởng thị trường bia Việt Nam hàng năm sẽ tăng 5,6% trong giai đoạn 2019-2023.
Thông tin này gây chú ý nhưng không khiến nhiều người bất ngờ vì dư luận đã quá quen thuộc với câu chuyện người Việt luôn được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều vì thói quen uống bia rượu. Vì vậy, các ông lớn đua nhau đổ bộ vào Việt Nam. Heineken, Tiger, Carlsberg... nhanh chân thâm nhập sớm và đã có chỗ đứng nhất định ở thị trường rộng lớn này.
Xuất hiện muộn hơn, nhiều thương hiệu bia như Sapporo, Budweiser... cũng cố gắng giành giật thị phần. Trong khi đó, nhiều ông lớn thế giới quyết tâm đặt một chân vào Việt Nam không bằng cách trực tiếp như Heineken hay Carlsberg. Họ có kế hoạch trở thành thế lực lớn bằng cách thâu tóm với mức giá đắt đỏ. Thaibev là ví dụ điển hình nhất và mới nhất.
Năm 2017, Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rúng động khi bạo chi để trở thành ông chủ mới của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong phiên đấu giá diễn ra cuối tháng 12/2017, Thaibev thông qua công ty con đã đặt giá 320.000 đồng cho mỗi cổ phiếu Sabeco, cao hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu SAB thời điểm đó.
Tổng số tiền mà Thaibev phải chi ra để thâu tóm Sabeco lên đến 5 tỷ USD. Để thực hiện được thương vụ này, Thaibev đã đánh đổi tất cả như: Bị hạ bậc tín nhiệm tín dụng, phải trả lãi vay cao khủng khiếp và chấp nhận thua lỗ nặng khi cổ phiếu SAB rơi tự do sau phiên đấu giá lịch sử.
Thừa nhận phải mua SAB giá cao nhưng ông chủ Thái Lan vẫn cho rằng đây là thương vụ đầu tư có hời vì thị trường bia rượu Việt Nam rất có tiềm năng. Tất cả đến từ thói quen... nhậu nhẹt của người Việt.
Có lẽ có cùng quan điểm với tỷ phú Thái, cả chục năm trước đây, Carlsberg cũng sẵn sàng mua vào cổ phiếu của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với mức giá cao hơn hẳn so với thị giá. Tuy nhiên, con đường thâu tóm Habeco của Carlsberg không thuận buồm xuôi gió như con đường thâu tóm Sabeco của tỷ phú Thái Lan.
Doanh nghiệp bia rượu vẫn bê bết
Thị trường bia rượu chưa bao giờ thôi là miếng mồi béo bở của các “ông lớn” thế giới. Thế nhưng, đang có một nghịch lý xảy ra. Trong khi người tiêu dùng Việt có thói quen “nhậu tới bến” thì doanh nghiệp Việt đua nhau bê bết. Không đến nỗi lao dốc như Habeco nhưng Sabeco đang tăng trưởng chậm lại.
Trường hợp “bi thảm” đáng chú ý nhất chính là Habeco. Trong quý 1/2019, doanh thu Habeco tăng rất chậm chạp nhưng lợi nhuận lại “rơi tự do”. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng từ 1.430 tỷ đồng lên 1.579 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế giảm 46 tỷ đồng, tương đương 42% xuống 64 tỷ đồng. Đây là mức lãi theo quý thấp thứ hai kể từ khi cổ phiếu BHN niêm yết. Trước đó, trong quý 4/2018, Habeco chỉ lãi gần 10 tỷ đồng.
“Ông lớn” bết bát, các công ty nhỏ còn khó khăn hơn rất nhiều. CTCP Bia Sài Gòn - Bạc Liêu (SBL) cũng có một quý kinh doanh đi xuống. Trong quý 1/2019, doanh thu công ty này giảm từ 78 tỷ đồng xuống 52 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 9,5 tỷ đồng, tương đương 74% xuống chỉ còn 3,3 tỷ đồng. Kể từ khi công bố báo cáo tài chính, SBL chưa bao giờ có mức lãi thấp như vậy.
Bê bết hơn cả là CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (THB). Trong quý 1 năm nay, THB phải gánh khoản lỗ 6,2 tỷ đồng. Điều đáng nói, THB thường xuyên lỗ trong quý 1. Các quý còn lại đều mang về cho THB lợi nhuận dương nhưng con số cũng khá khiêm tốn.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tại công ty nhỏ giảm sâu hoặc thua lỗ chính là chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí khấu hao và chi phí tài chính tăng. Còn Bia Hà Nội là câu chuyện riêng biệt. Cũng chung cảnh nguyên liệu đầu vào tăng nhưng theo giải trình, Bia Hà Nội khẳng định yếu tố khiến lãi ròng của công ty này giảm sâu chính là sản lượng tiêu thụ sụt giảm.
Bia Hà Nội ngày càng yếu thế so với Bia Sài Gòn. Nhưng điều đó không có nghĩa Bia Sài Gòn có một quý “dễ thở”. Trong quý 1/2019, dù doanh thu tăng mạnh từ 7.827 tỷ đồng lên 9.338 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của ông lớn ngành bia chỉ tăng 134 tỷ đồng, tương ứng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, cả Bia Hà Nội và Bia Sài Gòn đang phải cạnh tranh gay gắt với Heineken. Trước đây, Bia Sài Gòn và Heineken liên tục thay nhau đứng số 1 về sản lượng tiêu thụ hoặc doanh số. Tuy nhiên, gần đây, Heineken không giấu tham vọng nắm giữ vị trí quán quân ở cả 2 chỉ tiêu này.
Ngoài ra, có một yếu tố phi thị trường đang ảnh hưởng mạnh tới thị trường bia rượu Việt Nam. Đó là tình trạng ngày càng nhiều tài xế gây tai nạn nghiêm trọng sau khi uống đồ uống có cồn. Vì vậy, bên cạnh phong trào “Đã uống thì không lái xe - Đã lái xe thì không uống”, nhiều người còn mong muốn hạn chế tình trạng nhậu nhẹt ở Việt Nam.
Bảo Linh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm