Ngành thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề từ thẻ vàng châu Âu
Từ vị trí thứ 2, Việt Nam rơi xuống vị trí thứ 5 các nước xuất khẩu thủy sản sang châu Âu vì dính thẻ vàng (IUU).\
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm 2019 với 251 triệu USD. Với tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%, Việt Nam đánh mất vị trí thứ 2 các nước xuất khẩu hải sản vào EU.
Trước 2017, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU mỗi năm đạt từ 350-400 triệu USD. Tháng 10/2017, châu Âu “rút thẻ vàng” IUU (đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý) đối với sản phẩm hải sản của Việt Nam với lý do vi phạm về vấn đề đánh bắt bất hợp pháp. Từ thời điểm đó, sản lượng xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường này bị chững lại.
Nếu như trước đây hải sản xuất vào EU được thông quan tự động thì nay bị chặn lại từ cảng để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian thông quan kéo dài lên 10-15 ngày. Phát sinh thêm chi phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 600 EUR/container, phí lưu cảng. Các container hàng bị từ chối trả lại, tổn thất có thể lên đến 10.000 EUR/container.
Là doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu vào EU, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP Thủy sản Bình Định chia sẻ, trước đây, mỗi năm doanh nghiệp này xuất khẩu vào châu Âu đạt khoảng 40 triệu USD, từ khi dính thẻ vàng đến nay sụt giảm mất 50%, chỉ còn khoảng 20 triệu USD.
“Chúng tôi tự giải khó cho mình bằng cách đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường. Không thể tập trung vào một thị trường nữa, vì hiện tại xuất sang châu Âu phát sinh chi phí quá nhiều. Mỗi lô hàng tăng chi phí từ 15-20% nên lợi nhuận không còn nữa. Thậm chí nhiều lô hàng bị lỗ, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh” - bà Lan nói.
Chia sẻ cụ thể hơn về khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường các nước trong khối EU, ông Dương Viết Hoài, Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, nói: “Cái khó của một số thị trường như Tây Ban Nha... là chỉ cho phép thời gian khai thác 20 ngày. Trong khi những chuyến đi biển của ngư dân nước ta đa số là hơn 20 ngày. Đối với tàu lưới kéo đôi là trên 1 tháng, với những tàu đơn cũng trên dưới 1 tháng khiến sản phẩm khó đáp ứng”.
Nhận thức rõ ảnh hưởng của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản Việt Nam, trong 2 năm qua các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU. Chỉ thu mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuân thủ các quy định của Mỹ, EU và Việt Nam chống khai thác IUU.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 2 năm qua ngành thủy sản trong nước đã làm được nhiều việc như hoàn thành hệ thống luật pháp về thủy sản để được EU thừa nhận bao gồm 1 luật, 2 nghị định và 8 thông tư. Ngư dân đã nghiêm túc thực hiện việc ghi chép hành trình đánh bắt, tuân thủ các quy định về khai thác.
Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới tình hình xuất khẩu thủy sản sang châu Âu vẫn còn gặp nhiều khó khăn dù Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết chống khai thác bất hợp pháp. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thứ phải hoàn thành, do đó việc EU gỡ thẻ vàng ngay tại thời điểm này là điều không thể.
Kim Ngọc
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường