Ngành mía đường tìm đường thoát

Thứ sáu, 05/07/2019, 09:56 AM

Ngành mía đường Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực về giá sau khi hội nhập ATIGA...

6

Tình trạng buôn lậu, sự thâm nhập của đường lỏng, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ và đặc biệt là hạn chót hội nhập ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) sắp tới sẽ là trở ngại cho ngành mía đường trong niên vụ tới.

Thông tin trên được đại diện Hiệp hội Mía - Đường Việt Nam (VSSA) cho biết, trong bối cảnh niên vụ 2019 - 2020, ngành sản xuất mía đường được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Theo VSSA, diện tích trồng mía giảm 15 - 20% xuống 200.000 ha. Năng suất mía ước đạt 10 - 11 triệu tấn, sản lượng đường đạt 1 triệu tấn, thấp hơn so với mức 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018 - 2019. Hiện tại, Việt Nam cũng chỉ còn 37 nhà máy mía đường, thay vì 46 như giai đoạn 2015.

VSSA cũng cho biết thêm, diện tích mía bị thu hẹp đáng kể, sản lượng mía đường Việt Nam liên tục giảm do giá đường thấp, nhu cầu tiêu thụ đường suy yếu. Sau khi lập đỉnh 23,47 UScent/pound vào đầu tháng 10/2016, giá đường giảm do thừa cung. 

Ngành đường niên vụ 2019 - 2020 sẽ đối mặt với các vấn đề như: sản lượng và diện tích thu hẹp do giá đường thế giới thấp cùng nhu cầu giảm; tình trạng buôn lậu; việc tồn kho; chính sách hỗ trợ không đồng bộ và việc ồ ạt nhập khẩu đường lỏng. 

Tuy vậy, VSSA cũng nói rằng từ đầu năm 2019, giá tăng 5,7% và cho thấy tín hiệu phục hồi. 

Theo báo cáo của LMC Sugar & Sweeteners Market Report tháng 6/2019, thị trường đường thế giới dự báo sẽ chuyển từ thặng dư 2,6 triệu tấn niên độ 18 - 19 sang thâm hụt 3,1 triệu tấn niên độ 2019 - 2020; riêng khu vực châu Á sẽ thâm hụt đến 9,5 triệu tấn. 

Giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng, kỳ vọng sẽ đạt mốc 14,5c/lb vào đầu năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do sự ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, cũng như xu hướng chuyển dịch sang sản xuất ethanol từ mía đã khiến cho sản lượng sản xuất của các quốc gia mía đường trên thế giới bị cắt giảm, đồng thời tồn kho cao từ những mùa vụ trước cũng khiến cho các nhà máy này chủ động cắt giảm sản lượng sản xuất. 

Thái Lan, quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam khi ATIGA hiệu lực, thuộc top 5 nhà sản xuất, xuất khẩu lớn nhất thế giới, dự báo niên vụ 2019 - 2020, sản lượng đường đạt khoảng 13 triệu tấn, giảm 1 triệu so với niên vụ 2018 - 2019 do ảnh hưởng bởi El Nino. Về giá mía, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính sách hỗ trợ giá từ Chính phủ tiếp tục kéo dài cho niên vụ 2019 - 2020. 

Thái Lan cũng đang xem xét tính thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm nước ngọt. Malaysia đã áp thuế các mặt hàng nước ngọt có ga và nước trái cây từ ngày 1/7/2019, cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến cung đường của 2 quốc gia này.

Đại diện VSSA cho biết, ở nước ta hiện không ít nhà máy phàn nàn các nước khác có chính sách bảo hộ cho người trồng mía, người sản xuất để bảo đảm sản xuất hiệu quả, trong khi Việt Nam dù đã có chính sách hỗ trợ nhưng chưa đồng bộ, hiệu quả nên ngành mía đường vẫn bị kìm hãm. 

Đến năm 2020, nếu Chính phủ xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường để gia nhập ATIGA trong khi giá mía chưa rõ ràng, nông dân sẽ chuyển sang trồng sắn giống như tình trạng hiện nay ở phía Bắc!

Về nhu cầu, ngành mía đường Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi làn sóng nhập khẩu ồ ạt đường lỏng (HFCS) từ Hàn Quốc, Trung Quốc để thay thế đường kính. Việt Nam lại chưa áp thuế hay áp hạn ngạch nhập khẩu đối với loại đường được xem là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Ngoài ra, ngành mía đường Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực về giá sau khi hội nhập ATIGA. Ví dụ, giá đường Thái Lan vào Việt Nam hiện chỉ là 9.000 đồng/kg, trong khi mặt bằng giá đường trong nước là hơn 11.000 đồng/kg.

Có ý kiến cho rằng, ngành mía đường Việt Nam đã ngót 20 năm sống trong sự bảo hộ mà vẫn không chịu lớn. Tuy nhiên, theo ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Sơn La - Kon Tum, nếu so với các nước, nhất là so với Thái Lan, Việt Nam với chính sách bảo hộ không trợ giá, trợ cấp là hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, thuộc top đầu về hiệu quả so với nhiều quốc gia khác. 

Nhiều doanh nghiệp ngành mía đường cho rằng, việc gia nhập, thực thi ATIGA đối với ngành này là phù hợp xu thế. Họ đã có các bước chuẩn bị để hội nhập. Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - SBT) cho biết, niên độ 2018 - 2019 tập trung hoạt động R&D và cải tiến sản xuất, tiết giảm chi phí. 

SBT hiện đang sở hữu một danh mục sản phẩm đa dạng gồm 16 sản phẩm đường. Bà Vũ Thị Lệ Giang, Phòng quan hệ nhà đầu tư SBT cho biết: mặc dù danh mục sản phẩm của SBT đa dạng hơn nhiều so với những doanh nghiệp cùng ngành, nhưng doanh nghiệp vẫn tập trung vào hoạt động R&D để hướng tới gia tăng thị phần trước khi ATIGA có hiệu lực với giá bán hợp lý và cạnh tranh.

Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đối với các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2018. Nhưng để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA thêm 2 năm. 

Điều này có nghĩa là từ ngày 1/1/2020, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN chính thức được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0%. 

Xuân Nghi

Theo vneconomy.vn