Ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang dần chuyển mình
Thời gian qua ngành thực phẩm nội địa lẫn xuất khẩu đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm bởi vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Với mong muốn thoát ra vòng lẩn quẩn, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã mạnh dạn đầu tư và xây dựng lại thương hiệu góp phần lớn vào bước chuyển mình cho ngành thực phẩm để lấy lại lòng tin người tiêu dùng trong nước cũng như vươn mạnh ra thế giới.
Là đơn vị mạnh dạn đi đầu trong việc xây dựng chuỗi kiểm soát cung ứng trong nhiều lĩnh vực thực phẩm, tập đoàn Panfood đã thành công khi đưa sản phẩm của mình, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản có mặt trong nhiều chuỗi siêu thị hàng đầu tại các thị trường cực kỳ khó tính như châu Âu, Nhật Bản.
“Mặt hàng thủy sản chọn hướng đi khá riêng biệt, khi chúng tôi chọn thị trường khó tính là châu Âu xuất khẩu trực tiếp vào các chuỗi siêu thị lớn của châu Âu và chúng tôi làm được việc đó là nhờ chủ động kiểm soát từ con giống, nuôi giống phát triển lên cá thương phẩm và chế biến khép kín theo đúng tiêu chuẩn Global gap và các tiêu chuẩn khắt khe mà châu Âu quy định. Ngoài ra chúng tôi còn xuất khẩu (XK) được nghêu vào các siêu thị ở Nhật Bản dựa trên chuỗi kiểm soát chuỗi cung ứng” - ông Nguyễn Quốc Hoàng– Tổng Giám đốc Tập đoàn Panfood chia sẻ.
Kết quả đáng ghi nhận là sự tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay liên tục tăng. Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam năm 2016 đã đạt 32,1 tỷ USD (tăng 5,4% so với 2015). Riêng tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Chất lượng thực phẩm trong lĩnh vực này cũng đã đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường vốn có yêu cầu rất cao.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương nhận định, thời gian qua ngành đã tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt giá trị XK 32 tỷ USD trong năm 2016, quan trọng hơn hiện nay ngành công nghiệp thực phẩm không chỉ XK sản phẩm tươi mà đã đẩy mạnh sang các sản phẩm chế biến sâu. Bên cạnh đó, ngành cũng đã có sự thay đổi trong cơ cấu DN có cả những DN nội địa và DN liên doanh giúp tăng giá trị XK.
Đồng thời nhiều DN đã không những mạnh dạn trong đầu tư về công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn có sự chuyển dịch và tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong các khâu nuôi trồng, sản xuất và phân phối đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường.
Ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Bibica cho biết, hiện nay công ty hướng đến liên kết với một số mặt hàng nông sản tươi sạch đảm bảo chất lượng trong nước để làm nguồn nguyên liệu cho chế biến, sản xuất.
Không chỉ liên kết nội địa, hiện nay nhiều DN còn liên kết mạnh mẽ với các DN nước ngoài đối để tiếp cận và ứng dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm để đầu tư về mặt nhãn hiệu như bao bì, nhãn mác… nhằm tăng tính thẩm mỹ và tiện dụng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Một doanh nghiệp từ Italya đầu tư 3 nhà máy chế biến thực phẩm, các tập đoàn Hàn Quốc đã mở rộng đầu tư và tăng cường các dự án liên kết, đầu tư kinh doanh với các công ty hàng đầu Việt Nam để nâng cao giá trị hàng chục triệu đô la cho hàng thực phẩm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài” - ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, có được bước chuyển mình như vậy là đáng mừng. Tuy nhiên, không thể chỉ là sự cố gắng của một vài lĩnh vực hay một vài sản phẩm điển hình mà cần phải có sự liên kết để tăng trưởng toàn diện. Bởi Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới. Vấn đề còn lại là đảm bảo chất lượng và vệ sinh ATTP khi xuất khẩu.
Xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững
Dù ít nhiều ngành công nghiệp thực phẩm đã có bước chuyển mình tích cực. Thế nhưng, đó cũng chưa phải là sự tăng trưởng quá mạnh mẽ và đâu đó cũng chỉ là sự vượt trội của một vài thương hiệu hoặc một vài sản phẩm nổi trội.
Vấn đề lớn của ngành là làm sao không chỉ một vài DN mà bất cứ DN nào cũng phải xây dựng được thương hiệu cho mình một cách bền vững.
“Để làm được những điều này, về thị trường phải cạnh tranh, nếu muốn khẳng định thương hiệu phải tiến hành nâng cao chất lượng sản phẩm cải tiến mẫu mã và cải tiến công nghệ để tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng mới tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Trần Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc tài chính, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi nói.
Theo ông Bùi Huy Sơn, trong giai đoạn phát triển công nghệ hiện nay công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường được đầu tư làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông cũng như giới thiệu về sản phẩm là rất quan trọng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp thực phẩm. Về đóng góp của công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm cần thấy rõ, quá trình quảng bá, tiếp xúc giao lưu giữa các DN, cách thức chia sẻ thông tin về sản phẩm cho bạn hàng trong và ngoài nước đang ngày càng hiện đại hơn.
Ngoài ra, các DN đầu ngành cần phải thể hiện chất lượng sản phẩm thông qua thiết bị, công nghệ, ATVSTP, thực hiện tuyên truyền về mặt truyền thông cho các sản phẩm chất lượng cao. Để phát triển thương hiệu phải nắm bắt thị trường, hiện nay yếu tố đầu vào, nhất là nguyên liệu, phải rõ ràng về nguồn gốc, dinh dưỡng, tươi sạch.
Kim Ngọc
(Ảnh: Internet)
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở