Nắng nóng như... chảo lửa
Nắng nóng trên diện rộng ở TP HCM và các tỉnh phía Nam làm đảo lộn sinh hoạt của người dân, số trẻ em nhập viện cũng tăng đột biến
Ngày 15-4, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Nam Bộ cho biết TP HCM và các tỉnh lân cận gồm Bình Dương, Đồng Nai đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên đến 37 độ C.
Vật vờ vì nắng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nền nhiệt bình quân nói trên được đo từ các lều khí tượng (có mái che). Vì vậy, nhiệt độ ngoài trời sẽ còn cao hơn, chênh lệch từ 2-3 độ C. Người dân TP HCM nếu di chuyển vào buổi trưa phải đối mặt hiện tượng bức xạ nhiệt lên đến hơn 40 độ C, có nguy cơ gây cháy da, ảnh hưởng đến mắt.
Ghi nhận cho thấy dưới cái nắng như thiêu đốt cộng với sự tỏa nhiệt của mặt đường bê-tông, hơi nóng từ xe cộ khiến đường phố TP HCM giống như… chảo lửa. Do rơi vào ngày nghỉ lễ nên đa phần người dân chọn cách ở nhà hoặc tìm đến các trung tâm thương mại, siêu thị, kết hợp mua sắm, vui chơi để… trốn nắng.
Các bờ sông ven quận Thủ Đức, Bình Thạnh, võng nhà lá… cũng là những khoảng không gian quý giá để nhiều người giải nhiệt, tối mới về nhà. Dù vậy, vì công việc mưu sinh, nhiều lao động tự do vẫn phải phơi mình ngoài nắng. Mệt mỏi giữa tiết trời oi bức, ông Phan Văn Hoàng (55 tuổi, ngụ quận 12, hành nghề xe ôm) tranh thủ nghỉ trưa dưới bóng cây trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. "Bình thường tôi chạy 5-7 cuốc xe/ngày nhưng nay trời nóng quá không ai ra đường nên sáng giờ mới có một cuốc. Có ngày nắng quá, khách đi xa, tôi chạy không nổi vì say nắng" - ông Hoàng than thở.
Ở Bình Dương, nhiệt độ ngoài trời vào buổi trưa cũng vượt trên 40 độ C. Trên tuyến Quốc lộ 13 (nối TP HCM với Bình Dương), lúc 12 giờ, hơi nóng từ mặt đường xông lên hầm hập; nhiều người đưa con đến Khu Du lịch Đại Nam (TP Thủ Dầu Một) không chịu nổi nắng nóng đã phải tấp vào hàng quán ven đường. Còn trong khu du lịch này, lượng khách trong ngày cuối của kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương giảm hẳn.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Nai, nhiệt độ bình quân đo được tại tỉnh này trong ngày 15-4 cũng khá cao, từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Từ các huyện đến trung tâm TP Biên Hòa, người dân ít ra đường hơn. Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ sau 9 giờ mỗi ngày, đa phần người dân, du khách ở trong nhà hoặc khách sạn. Tuy nhiên, cũng vì quá nóng bức, bất chấp nguy hại đến sức khỏe, hàng ngàn du khách đã ra các bãi biển ở Vũng Tàu tắm. Từ sau 15 giờ, các bãi tắm, tuyến đường ven biển ở TP Vũng Tàu luôn đông nghịt người.
Bệnh tật gia tăng
Tại Khoa Nhi Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, những ngày qua luôn có đông bệnh nhi nhập viện, chủ yếu do nắng nóng gây ra. Theo BS Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng Khoa Nhi, khoa có 145 giường bệnh nhưng hằng ngày phải điều trị nội trú cho trên 200 bệnh nhi. Trẻ đến khám ngoại trú cũng tăng khoảng 30%, chủ yếu do viêm phổi, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy…
Các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, kéo theo lượng bệnh nhân nhập viện điều trị gia tăng. BS Trần Văn Dễ, Giám đốc BV Nhi Đồng Cần Thơ, cho biết mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 270-280 bệnh nhân, trong đó khoảng 250 bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Tại BV Sản Nhi tỉnh An Giang, theo TS-BS Trần Quang Hiền, giám đốc BV, từ đầu tháng 4 đến nay, BV tiếp nhận và điều trị cho 433 ca có liên quan đến các bệnh như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng và thủy đậu. Riêng bệnh tiêu chảy trong đợt nắng nóng có khả năng tăng đột biến với nhiều diễn biến bất thường.
Trong khi đó, tại các BV lớn trên địa bàn TP HCM, thống kê sơ bộ cho thấy trong những ngày nắng nóng vừa qua, số người nhập viện tăng 8%-10%, trong đó nhiều nhất là người già và trẻ nhỏ. Tại BV Nhân dân 115 TP HCM, bình thường mỗi ngày BV tiếp nhận trung bình 3.500- 4.000 bệnh nhân khám ngoại trú nhưng thời điểm nắng nóng, con số này tăng đáng kể. Ở BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TP HCM, nhóm bệnh tăng do nắng nóng là người cao tuổi, có bệnh mạn tính, huyết áp, tim mạch, bị say nắng, cảm nắng cũng tăng khá cao.
BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), khuyến cáo các bậc phụ huynh cần bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong thời điểm nắng nóng kéo dài này. Bởi trẻ em khi sinh hoạt, vận động nhiều trong trời nắng nóng dễ gặp hiện tượng rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều; tim, phổi hoạt động nhiều hơn nên dễ mệt, dễ kiệt sức; hoạt động của các tế bào miễn dịch yếu đi nên dễ bị tác động bởi các mầm bệnh.
Cũng theo BS Hoàng, bệnh tiêu hóa cũng phổ biến trong mùa này do thời tiết nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh, thức ăn dễ hư hỏng. Da trẻ em cũng dễ bị tổn thương do nhiệt, chỉ 10-25 phút phơi da trần lúc nắng gắt là có thể gây bỏng da. Mắt cũng có thể bị tổn thương do nắng gắt lâu dài, gây giảm thị lực, bệnh lý võng mạc nếu không có phương án bảo vệ. Vì vậy, tốt nhất là tránh cho trẻ ra đường vào lúc nắng gắt nhất, đặc biệt là từ 10 giờ đến 14 giờ.
Tránh ảnh hưởng của bức xạ UV
BS Nguyễn Thị Bích Châu, chuyên khoa da liễu của Tập đoàn Hoàn Mỹ, cảnh báo nắng nóng khiến con người chịu ảnh hưởng của bức xạ UV (tia tử ngoại, tia cực tím). Dễ thấy nhất là bệnh về da: đen, sạm; gây nám, tàn nhang, lão hóa sớm; tăng độ nhạy cảm trên da, khiến da trở nên mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bỏng rát da; nguy cơ ung thư da. BS Châu thông tin thêm với bức xạ nhiệt cao như hiện nay, chỉ số tia UV đạt mức 8-10 (mức cao nhất là 12), nếu tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong thời gian 25 phút có thể gây bỏng da, tổn hại mắt. Vì vậy, người dân ra đường trong thời gian này cần có những biện pháp bảo vệ phù hợp.
Nhóm Phóng viên
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội